MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng BHXH thì giải quyết được gì?

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng BHXH thì giải quyết được gì?

Bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị giữ nguyên độ tuổi về hưu như trước đây - nam 60, nữ 55. Ngoài ra, người lao động có thể về hưu trước 5 năm hoặc làm hơn tuổi do họ tự chọn.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Xung quanh đề xuất này, trên diễn đàn "Vì sao người lao động rút ồ ạt rút BHXH một lần" của Báo NLĐO, đã có nhiều ý kiến tranh cãi, cho rằng không khả thi.

Một bạn đọc giấu tên viết:" Cá nhân tôi nghĩ giảm số năm đóng bảo hiểm không giải quyết được nhiều, mà phải giảm số năm nghỉ hưu xuống thì mới giải quyết được vấn đề. Cơ quan soạn thảo luật chỉ nghĩ làm sao để người dân không rút BHXH 1 lần mà không chịu giải quyết vấn đề cốt lõi, giảm còn 15 năm giống như kiểu khống chế để không cho rút BHXH 1 lần". Còn theo bạn đọc Huỳnh Lam Duy: "Tốt nhất đừng khống chế tuổi mà hãy cho người lao động quyết định có hưởng lương hưu hay không khi họ đã đóng BHXH đủ số năm theo quy định dù mức lương hưu có thấp, đừng để họ chờ quá lâu mà không biết ngày mai sẽ ra sao?".

Bạn đọc Hữu Nhật bày tỏ: "Cứ vào các khu chế xuất, công nghiệp hay các trường mẫu giáo thì biết. Công nhân toàn 18, đôi mươi nhưng 20 năm sau vẫn vậy, lứa tuổi 45 trở lên rất ít. Vì sao vậy, vì khoảng 40 là họ bị đào thải rồi. Bị chủ đuổi, không tự xin nghỉ vì nửa tháng ca ngày nửa tháng ca đêm, thời gian làm từ 12 đến 18 giờ ai mà chịu nổi! Công nhân thì vậy, cô giáo dạy mẫu giáo có khá hơn đâu! Các trường, cô trên 40 rất hiếm! Vậy mà tuổi lao động nữ nâng lên, nam cũng vậy". Tương tự, bạn đọc Phạm Hữu góp ý: " Bảo hiểm xã hội còn quá nhiều bất cập quy định chung chung đánh đồng các ngành nghề. Công nhân như bọn em đi làm 1 tháng ngày 1 tháng đếm. 45 tuổi công ty cũng không muốn cho làm, xin việc ở công ty khác thì không được nhận".

Theo nhiều bạn đọc, cách tính lương hưu hiện hành bộc lộ quá nhiều bất cập. Một bạn đọc viết: "Hàng hóa thiết yếu có bán cho người nghỉ hưu bằng giá bình quân đâu mà nghỉ hưu lại bị chia hệ số lương bình quân? Trong khi 100% phụ cấp thêm giờ đủ thứ chưa đủ sống mà nghỉ hưu chỉ lĩnh tối đa 75% theo lương cơ bản với tỉ lệ chia bình quân?! Tốt nhất là đóng 15 hoặc 20 năm là được hưởng lương hưu, số năm hưởng lương hưu bằng số năm đóng BHXH. Khi đủ năm đóng BHXH người đóng được tự chọn thời điểm lĩnh lương hưu. Để 45, 50 tuổi có mất việc cũng có lương hưu để duy trì mức sống tối thiểu để tìm công việc mới. Khi có công việc mới lại tiếp tục đóng BHXH. Vậy thì chã ai rút 1 lần. Như giờ có rút ngắn 10 năm đóng mà tuổi lĩnh lương hưu vẫn 60, 62 thì việc rút 1 lần là tất yếu".

Tương tự, bạn đọc Trần Tuấn Cường cũng ấm ức: "NLĐ đóng đủ 20-25 năm nhưng họ mới có 40-45 tuổi phải chờ 20 năm sau mới được nhận lương hưu. Vậy trong thời gian chờ đó BHXH sao không tính theo lãi suất ngân hàng trên tổng số tiền đóng BHXH mà trả lãi hàng tháng cho NLĐ để họ mưu sinh. Vì số tiền đó BHXH cũng đi gửi ngân hàng lấy lãi mà. Thì lãi trong thời gian NLĐ chờ đủ tuổi hưu cũng nên trả lãi cho họ có vậy mai ra còn đợi lãnh lương hưu".

Phạm Đình Lương góp ý: "Về tuổi nên phân khúc. Vi dụ: lao động làm hành chính 60 và 62, lao động đặc biệt nặng nhọc độc hại 50 và 55, lao động nặng nhọc độc hại 55 và 60 tuổi về hưu là phù hợp. Về cách tính phải bảo đảm đóng càng nhiều, càng dài thì càng hưởng nhiều. Nên tính các yếu tố trượt giá trong lương hưu làm giảm sức mua của đồng tiền theo hàng năm. Về cách tiền lương bình quân giữa 2 khu vực Nhà nước hiện nay là 5 năm hay 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu và tư nhân toàn bộ quá trình đóng hiện nay chưa hợp lý vì theo xu thế phát triển của xã hi thì tiền lương có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Về thời gian đóng, mức sàn 15 năm là vừa. Về tỷ lệ hưởng không nên khống chế mức trần 75% mà có thể tối đa 100% để khuyến khích những người đóng dài hơn khi đó có thể bỏ trợ cấp 1 lần trước khi nghỉ hưu đối với những người đóng trên 35 năm, mỗi năm 1/2 tháng lương".

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng BHXH thì giải quyết được gì? - Ảnh 1.

Phạm Duy Biên đề xuất: "Độ tuổi về hưu nên nam 60, nữ 55. Ngoài ra người lao động có thể về hưu trước 5 năm hoặc làm hơn tuổi do người lao động tự chọn. Bên cạnh đó, cách tính lương nên công bằng, bình đẳng cho tất cả người đóng BHXH mà không phân biệt công chức, bộ đội với lao động ở các doanh nghiệp...Người lao động sẽ không rút BHXH một lần nếu họ thấy chính sách BHXHlà ưu việt, công bằng và phù hợp với họ". Tương tự, bạn đọc Đoàn Thị Phượng bày tỏ: "Tôi thấy cách tính lương hưu cho người lao động ở các công ty hưởng lương theo quyết định của người sử dụng lao động như hiện nay không hợp lý, gây bất cập và không công bằng. Người lao đồng đều đóng bảo hiểm theo tỷ lệ như nhau, tại mỗi thời điểm đều có lương cơ sở và lương tối thiểu vùng làm căn cứ để đóng bảo hiểm nhưng đến thời điểm tính lương về hưu thì lại chỉ lấy theo tỷ lệ trượt giá mà sao không lấy theo tỷ lệ, hệ số của lương cơ sở. Ví dụ: lương cơ sở năm 1995 là 110.000 đồng, năm nay là 1.490.000 đồng, vậy hệ số phải là trên 11 chứ không phải như hệ số trượt giá như hiện nay quy định ( khoảng 4,6 ). Như vậy càng đóng bảo hiểm lâu năm, người lao động ngoài quốc doanh càng thiệt thòi. Vậy thì chẳng tội gì họ phải đóng dài hơi, họ cứ lao động được 5-10 năm là rút 1 lần rồi sau mới đóng để về hưu. (khoảng 15-20) năm".

Đừng để người lao động bất an

Để xảy ra tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm một lần, cơ quan BHXH chỉ có tuyên truyền một chiều về lợi ích khi tham gia BHXH. Đúng là BHXH có lợi ích, ai đủ sức khỏe để tham gia lao động đều biết, nhưng họ cũng phải so sánh trăn trở có nên rút BHXH một lần không Và họ buộc phải rút vì những thay đổi trong chính sách của người lao động khi tham gia BHXH hiện nay khiến họ bất an. Cụ thể trong một thời gian từ 2016 đến nay đã điều chỉnh quyền lợi thụ hưởng của người lao động như; thay đổi tỷ lệ cách tính khi nghỉ hưu, tăng tỷ lệ trừ khi suy giảm khả năng lao động, tăng tuổi nghỉ hưu, kể cả của đối tượng suy giảm khả năng lao động. Thực tế việc điều chỉnh này gây bất lợi cho người lao động và không công bằng cho những người nghỉ hưu ở các giai đoạn khác nhau"- bạn đọc Trần Bá bày tỏ.

Theo An Chi

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên