Ồ ạt thay máu sản phẩm, Toyota còn giữ ngôi vua ở những phân khúc nào tại Việt Nam?
Chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại chứng kiến cuộc thay máu sản phẩm và định giá lạ thường như thế từ Toyota - điều được đánh giá là cách định đoạt lại cuộc chơi đã mất vào tay các đối thủ.
- 15-08-2020Toyota bỏ động cơ V8: Những huyền thoại như Land Cruiser không còn mạnh như trước?
- 14-08-2020Top 10 mẫu ô tô ế ẩm nhất tháng 7/2020: Toyota chiếm đa số
- 12-08-2020Chưa hết bom tấn, Toyota Việt Nam sắp tổng lực ra mắt Hilux, Fortuner, Innova và cả Vios mới, quyết sắp xếp lại thị trường
Tổng quan thị trường: Mất thế dẫn đầu
Xét về từng thương hiệu riêng lẻ, Toyota đã mất thế dẫn đầu thị trường Việt Nam vào tay Hyundai. Theo báo cáo từ VAMA và TC Motor, hãng xe Nhật bán được 5.307 xe trong khi đối thủ bán vượt với 6.885 chiếc. Tính cả 7 tháng đầu năm, 30.484 chiếc Toyota tới tay khách hàng trong khi có 32.367 chiếc Hyundai được tiêu thụ.
Nếu xét về doanh nghiệp, Toyota Việt Nam không chỉ mất ngôi vương vào tay TC Motor mà còn bị THACO áp sát và cạnh tranh gay gắt. Tháng 7, liên doanh Nhật bán ra 5.462 chiếc (tính cả Lexus), kém 720 chiếc so với Trường Hải. Tuy nhiên, xét cả 7 tháng đầu năm, Toyota Việt Nam vẫn đang xếp ở "chiếu trên" với 31.315 xe, hơn THACO khoảng 2.000 chiếc.
Lợi thế của của Toyota trong 5 tháng cuối năm nằm ở dải sản phẩm phong phú đang tung ra ồ ạt, từ Wigo , Corolla Altis , Corolla Cross , Hilux và sắp tới đây là Fortuner và còn có thể có cả Innova, Vios. THACO sẽ dựa phần lớn vào những mẫu xe đang ở đỉnh phân khúc là Mazda3, Kia Cerato và cả Kia Seltos đang "hot". Trong khi đó, TC Motor không có xe mới nhưng đang "mạnh đều" ở khắp các phân khúc từ Santa Fe, Kona, Accent hay Grand i10.
Xe hạng A: Đuối sức trước đối thủ
Toyota Wigo là 1 trong 3 sản phẩm chiến lược của liên doanh Nhật (cùng với Avanza và Rush) để dần thay thế Vios, Innova, Fortuner trong việc thuyết phục các khách hàng doanh nghiệp, vận tải. Tuy nhiên, thời gian cho thấy thị trường Việt không đón nhận sự thay đổi này, minh chứng bằng doanh số bết bát.
Giới chuyên gia cho rằng trang bị quá ít khiến bộ 3 này không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc. Đáp lại điều đó, Toyota kịp thay đổi trước hết với Wigo bằng bản cập nhật tăng option, giảm giá bán vào giữa tháng 7 vừa qua.
Xe sedan hạng B: Không đối thủ
Toyota Vios chính là cái tên xây chắc vị thế cho Toyota trong phân khúc xe hạng B nói riêng và toàn bộ thị trường nói chung. Dù bị bám đuổi bởi những cái tên hot như Hyundai Accent, Honda City hay Kia Soluto, Toyota Vios vẫn chứng minh được sức hút đối với khách hàng Việt Nam khi liên tiếp đứng đầu bảng xếp hãng những dòng xe bán chạy nhất hàng tháng. Dù thị trường ảm đạm do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Toyota Vios vẫn bán được tới 2.811 tính riêng trong tháng 7/2020, bỏ xa đối thủ lớn nhất là Hyundai Accent với 2.219 xe bán ra.
Xe sedan hạng C: Mất cuộc chơi vào tay THACO
Phân khúc xe sedan hạng C chứng kiến sự thất thế của Toyota trước những mẫu xe lắp ráp tới từ THACO. Trong khi Mazda3 và Kia Cerato đua nhau dẫn đầu phân khúc, Toyota Corolla Altis chỉ khiêm tốn với chỉ 1.037 xe bán ra trong 7 tháng đầu năm 2020. Mẫu xe đối thủ lâu năm Honda Civic cũng bỏ xa với hơn 1.400 xe bán ra.
Toyota Corolla Altis từng đứng trước tin đồn khai tử tại thị trường Việt Nam khi mẫu SUV hạng C Toyota Corolla Cross chuẩn bị về nước. Tuy nhiên thay vào đó, mẫu sedan hạng C từng ăn khách nhất nhì Việt Nam lại được nâng cấp nhẹ với một số thay đổi về trang bị và giá bán.
Xe sedan hạng D: No1 an toàn
Với việc ra mắt phiên bản mới vào năm 2019, đi kèm việc không gặp phải quá nhiều đối thủ sừng sỏ trong phân khúc, Toyota Camry vẫn là mẫu xe dẫn đầu phân khúc sedan hạng D tại thị trường Việt Nam hiện tại với 2.642 xe bán ra. Mazda6 dù ra mắt phiên bản nâng cấp mới đây cũng chỉ đạt tổng doanh số 780 xe trong 7 tháng đầu năm. Kia Optima còn bị bỏ xa hơn khi chỉ bán được 518 chiếc trong năm 2020 tính tới thời điểm hiện tại.
Xe SUV hạng C: Phép thử khó đoán
Toyota Corolla Cross là tân binh của Toyota tham chiến phân khúc xe SUV hạng C vô cùng khó đoán tại thị trường Việt Nam với những đối thủ như Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Subaru Forester, Nissan X-Trail hay Mitsubishi Outlander...
Tương lai của Toyota Corolla Cross trở nên vô cùng khó dự đoán khi thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi mạnh trong thời gian trở lại đây. Mazda CX-5 đã không còn là mẫu xe hot nhất phân khúc khi bị Hyundai Tucson dành lấy vị trí dẫn đầu. Honda CR-V vừa trở lại lắp ráp với option vượt trội. Những mẫu xe khác như Subaru Forester hay Mitsubishi Outlander cũng đều có được lượng khách hàng ổn định và liên tục đưa ra nhưng chương trình giảm giá, kích cầu để thu hút người tiêu dùng.
SUV hạng D: Tạm mất ngôi vương
Fortuner mới dự kiến ra mắt Việt Nam vào cuối năm.
Phân khúc xe SUV hạng D vừa chứng kiến sự lên ngôi của Hyundai Santa Fe tại thị trường Việt Nam. Toyota Fortuner vẫn còn giữ được sức cạnh tranh nhưng doanh số thực tế đã giảm đi đáng kể. Tính riêng trong tháng 7/2020, Toyota Fortuner với 524 xe bán ra, xếp dưới những đối thủ như Mazda CX-8 (526 xe), Ford Everest (620 xe).
Doanh số yếu kém của Toyota Fortuner phần nào có thể lý giải bởi lượng xe nhập khẩu không ổn định trong thời gian vừa qua, đồng thời hết hàng ở các đại lý để chuẩn bị đón phiên bản mới. Phiên bản này đang được kỳ vọng sẽ giúp Toyota lấy lại ngôi vương quen thuộc trong phân khúc SUV 7 chỗ.
Xe bán tải: Cuộc đua tương lai
Sự lột xác của Toyota Hilux 2020 có thể là cơ sở để Toyota lạc quan hơn về doanh số của mẫu xe này trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên thực tế rất khó để Toyota Hilux có thể bám đuổi Ford Ranger về mặt doanh số trong năm 2020. Tính đến hết tháng 7, Toyota Hilux mới chỉ bán được 1.130 xe. Trong khi đó, Ford Ranger vẫn là cái tên đứng đầu với hơn 5.400 xe được bán ra. Mitsubishi Triton sau khi nâng cấp vào năm 2019 cũng có được doanh số khả quan hơn với 1.235 xe đến tay khách hàng. Đây mới là đối thủ chính về mặt doanh số của Toyota Hilux.
Pháp luật và bạn đọc