Ồ ạt tuyển nhân sự cho Basel II
Điểm qua một vài trang tuyển dụng như Headhunter, Vietnamworks, Jobstreet… đều dễ dàng nhận thấy hầu hết các NHTMCP lớn nhỏ đều đăng tuyển dụng và hứa hẹn trả lương cao cho các vị trí việc làm phục vụ cho các dự án Basel II.
Sacombank mới đây quảng cáo tuyển dụng 700 nhân sự trong tháng 5 với các vị trí như: chuyên viên dự án Basel II tư vấn, khách hàng, quản lý rủi ro, đào tạo, giao dịch viên. Theo một lãnh đạo phòng nhân sự của ngân hàng này, vị trí chuyên viên dự án Basel II trong đợt tuyển dụng này được ngân hàng ưu tiên.
Tương tự, SHB cũng đăng thông báo tuyển ba vị trí chuyên viên rủi ro tín dụng theo chuẩn Basel II, chuyên viên cấp hai rủi ro thị trường Basel II và chuyên viên cấp một rủi ro tín dụng cho dự án Basel II ngay trong tháng 5.
ACB cũng đăng thông báo tuyển dụng ở nhiều vị trí trong tháng 5 và 6. Thế nhưng, nếu ứng tuyển vào vị trí thành viên Ban dự án triển khai Basel II thì không giới hạn hồ sơ và không giới hạn thời gian nhận hồ sơ. Tức là, với vị trí này, ACB sẽ tuyển liên tục và có những ưu tiên nhất định cho người ứng tuyển.
Điểm qua một vài trang tuyển dụng như Headhunter, Vietnamworks, Jobstreet… đều dễ dàng nhận thấy hầu hết các NHTMCP lớn nhỏ đều đăng tuyển dụng và hứa hẹn trả lương cao cho các vị trí việc làm phục vụ cho các dự án Basel II. Nhiều ngân hàng như Nam A Bank, VietBank, PVCombank, VPBank, VIB… đăng thông tin tuyển dụng số lượng lớn như một cơ hội để làm hình ảnh.
Hầu hết các ngân hàng thể hiện mong muốn xây dựng một đội ngũ tín dụng làm việc theo chuẩn Basel II ngay từ thời điểm này, để sắp tới khi các NH áp dụng hoạt động theo tiêu chuẩn này thì đội ngũ nhân sự đều có thể đánh giá phân tích dữ liệu, các nguyên tắc tính toán tài sản theo rủi ro tín dụng (RWA) theo quy định hiện hành.
Áp dụng các tiêu chí Basel II vào các NHTM là một đòi hỏi của phát triển và hội nhập
Đại diện ACB chia sẻ, ngân hàng kỳ vọng sớm thành lập được đội ngũ nhân sự Basel II làm việc với cơ quan chức năng và NHNN để xác định các yêu cầu từ nhà điều hành. Từ đó tổ chức xây dựng quy trình, quy định, hệ thống… nhằm triển khai ngân hàng theo các chuẩn mực vốn Basel II. Không chỉ vậy, những nhân sự mới này có thể là nhân tố chính để điều phối nguồn lực và yêu cầu các đơn vị phòng ban liên quan triển khai công việc và áp dụng các chuẩn mực vốn Basel II.
Nhiều ngân hàng khác cũng muốn tuyển người thực hiện các tiểu dự án, chương trình, kế hoạch theo chuẩn mực Basel II như: hệ thống xếp hạng tín dụng, thay đổi chính sách tín dụng, quản lý nợ, quản lý hạn mức, danh mục tín dụng, hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, hệ thống báo cáo theo dõi RWA.
Theo đuổi mục tiêu quốc tế theo chuẩn mực Basel II đến nay mới chỉ có 10 NHTM được NHNN lựa chọn thí điểm, tuy nhiên trong số đó có một số đang thực hiện tái cơ cấu nên có thể không đáp ứng được các tiêu chí về vốn. Ngoài ra, một số NHTM tuy không được nhà điều hành lựa chọn nhưng cũng chủ động xây dựng Basel II như một biện pháp tự phòng vệ trước các rủi ro không đảm bảo an toàn về vốn.
Theo một chuyên gia tài chính, nhiều khả năng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM trong tương lai sẽ được NHNN giám sát chặt chẽ hơn. Thậm chí nhà điều hành có thể cảnh cáo và yêu cầu trong một thời gian nhất định nào đó phải điều chỉnh vốn để tăng chất lượng cho CAR. Nếu ngân hàng nào không đáp ứng được hệ số CAR theo quy định sẽ có nguy cơ phải hợp nhất với một ngân hàng tốt hơn để đảm bảo an toàn hệ thống. Trong đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ năm 2019 cũng được giảm xuống 40% và sẽ giảm thêm theo tín hiệu thị trường và tỷ lệ cho vay trên vốn huy động theo quy định là 80% sẽ được quản lý chặt chẽ.
Basel II còn là lối đi cho những ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn hay phải hợp nhất với một ngân hàng khác. Thừa nhận điều này, một lãnh đạo NHTM tại TPHCM cho rằng, hai năm trước Ban điều hành ngân hàng ông đã từng có phương án tự nguyện hợp nhất với một ngân hàng khác như một giải pháp tinh lọc bộ máy, tiết giảm chi phí với kỳ vọng trở nên lớn mạnh hơn. Thế nhưng, sau quá trình tìm hiểu mới nhận thấy hai phía không cùng văn hóa, mục tiêu kinh doanh, đến nay giải pháp xây dựng Basel II để tồn tại đang là tối ưu.
Áp dụng các tiêu chí Basel II vào các NHTM là một đòi hỏi của phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động ngân hàng phải được thực hiện trên cơ sở nội lực vững mạnh chứ không phải đối phó trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Theo Thời báo ngân hàng