Ổ bão dữ dội nhất Trái đất xuất hiện cơn bão đầu tiên năm 2024: Chuyên gia nói về khả năng vào Biển Đôngg?
Aghon được dự báo là "mạnh lên liên tục".
Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất đăng ngày 24/5 trên website của Cơ quan Quản lý Dịch vụ Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA), ở lưu vực Tây Thái Bình Dương đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão.
PAGASA đặt tên cho cơn áp thấp nhiệt đới này là Aghon. Tính đến 10 giờ sáng 24/5 giờ địa phương, áp thấp nhiệt đới Aghon cách Hinatuan, tỉnh Surigao del Sur 240 km về phía Đông.
Vào lúc 11 giờ sáng 24/5, Aghon có sức gió duy trì tối đa 45 km/giờ và gió giật lên tới 55 km/giờ và tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc nhưng giảm tốc độ xuống còn 10 km/giờ so với 30 km/giờ trước đó. Đến 13 giờ cùng ngày, Aghon duy trì sức gió tối đa gần tâm 55 km/giờ và giật tới 70 km/giờ.
PAGASA đưa ra dự báo lúc 14 giờ cùng ngày cho biết, áp thấp nhiệt đới Aghon có khả năng phát triển thành bão vào tối ngày 25/5 và gây ra lượng mưa lớn, trong đó lượng mưa từ 100-200 mm dự kiến sẽ xảy ra tại vùng Bicol và Bắc Samar.
Theo PAGASA, việc áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm lại mở ra cơ hội cho nó có thời gian tăng tốc sức mạnh khi đi qua các vùng nước biển ấm.
Rappler (Philippines) thông tin, vào Chủ Nhật, ngày 26/5, Aghon có thể bắt đầu di chuyển theo hướng đông bắc hoặc bắc đông bắc trên vùng biển phía đông Luzon “trong khi bắt đầu mạnh lên liên tục”.
Aghon có thể mạnh lên thành bão nhiệt đới dữ dội vào sáng Chủ nhật và thành bão cuồng phong vào thứ Ba, ngày 28/5.
Như vậy, Tây Bắc Thái Bình Dương (trong đó có Biển Đông) - 'ổ bão' mạnh nhất thế giới - đã xuất hiện cơn bão đầu tiên trong năm 2024. Aghon cũng là cơn bão nhiệt đới đầu tiên của Philippines trong năm 2024.
Vậy, Aghon có khả năng đi vào Biển Đông không là câu hỏi nhiều người thắc mắc.
Theo đường đi dự báo của PAGASA, Aghon di chuyển theo hướng tây tây bắc. Điều này có nghĩa là Aghon có thể không đi vào Biển Đông.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết, ảnh hưởng của bão gây gió mạnh, mưa lớn đến phía Đông Biển Đông cũng rất thấp.
Hiện, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão này.
Theo các chuyên gia khí tượng, Tây Bắc Thái Bình Dương là lưu vực bão hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất. Gần 1/3 tổng số bão nhiệt đới trên thế giới xảy ra ở đây. Ngoài ra, phía Tây Thái Bình Dương cũng nổi tiếng là nơi sinh ra những siêu bão dữ dội nhất hành tinh.
Một trong những siêu bão mạnh nhất và gây thiệt hại về người nặng nề nhất tại 'ổ bão' này là siêu bão Vera cực kỳ dữ dội diễn ra vào 20/9/1959.
Với áp suất không khí đạt 895 hPa và tốc độ gió cực mạnh đạt 324 km/giờ, siêu bão Vera đã tấn công vùng Kansai của Nhật Bản và gây ra hàng loạt thương vong: Hơn 5.000 người thiệt mạng; 39.000 người bị thương; hơn 1,5 triệu người mất nhà cửa - theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica.
Vera vì thế trở thành siêu bão khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản.
Tham khảo: PAGASA, Rappler
Phụ nữ số