Ở nhà thuê nhưng vẫn mạnh tay chi cả trăm triệu để cải tạo, trang trí
Sẵn sàng đầu tư và chăm sóc cho nhà thuê như ngôi nhà của chính mình là lựa chọn của không ít người trẻ hiện nay.
- 14-09-2022Căn hộ nhẹ nhàng, cổ điển của cô gái độc thân với diện tích 60m²
- 14-09-2022Tiền thuê căn hộ quá đắt, cặp đôi trẻ tuổi quyết định chi nửa tỷ mua xe van làm nhà di động
- 14-09-2022Chưa tới 30 tuổi, 9x này đã có công việc ổn định, mở công ty, đồng thời sở hữu 5 bất động sản triệu USD
Có lẽ chúng ta đã quá quen với mong ước sống trong một căn nhà đẹp, được tự tay trang trí và bày biện cho tổ ấm của mình. Nhưng đó là câu chuyện của người đã may mắn sở hữu nhà riêng thôi, còn những người đang đi thuê trọ thì vẫn còn nhiều lắm sự phân vân, lưỡng lự.
Bỏ qua vấn đề về tài chính không cho phép, họ còn lo sợ căn phòng trọ mà mình đổ tiền của và công sức để trang trí bỗng một ngày bị chủ nhà đòi lại với một lý do "trời ơi đất hỡi" nào đó. Đấy là chưa kể, lựa chọn cải tạo không gian cho căn phòng còn khiến không ít người nản lòng vì công đi mua đồ nội thất, di chuyển và sắp xếp rất cực nhọc.
Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có không ít người lựa chọn chi hàng trăm triệu đồng để cải tạo những căn nhà không phải của mình.
Không ngại chi tiền, muốn tự tay làm tất
Thuê căn hộ với mức giá 15 triệu đồng/tháng, chị Linh Lê (sinh sống tại TP HCM) vẫn chi hơn 130 triệu cho việc cải tạo không gian, trang trí, sắp xếp và mua sắm vật dụng để sinh hoạt.
Ngoài ra cũng chi thêm 73 triệu cho việc mua các thiết bị, máy móc giúp giảm tải thời gian và công sức cho công việc nhà, ví dụ như: robot hút bụi, bộ chổi cọ nhà vệ sinh thông minh đa năng...
Chị Linh Lê chi hơn 130 triệu đồng để thiết kế, cải tạo lại không gian trong nhà và hơn 70 triệu để mua thiết bị, máy móc phục vụ cho việc dọn dẹp nhà cửa.
Chia sẻ về quyết định dành ra số tiền khá lớn để trang trí một căn nhà thuê, chị Linh Lê cho biết: "Hiện tại công việc của mình là sáng tạo nội dung trên tiktok về mảng homecare, familycare nên căn nhà còn là "đạo cụ" để quay chụp. Việc mình chia sẻ cách trang trí, cải tạo, sắp xếp lại toàn bộ căn nhà không chỉ đem lại cho cả gia đình một không gian thoải mái hơn mà còn mang lại thu nhập nữa.
Ngoài công việc sáng tạo nội dung thì mình cũng đang theo đuổi công việc là một Konmari Consultant (tư vấn viên ngăn nắp theo phương pháp Konmari) nên việc mình duy trì được sự gọn gàng và tận hưởng không gian sống trong chính ngôi nhà mình đang ở, dù là đi thuê thôi cũng giúp khách hàng tin tưởng vào sự hiệu quả của phương pháp mang lại. Nói chung đầu tư vào căn nhà luôn luôn chỉ có thêm chứ không có mất".
Đây là căn nhà đầu tiên đi thuê và thử sức trang trí toàn bộ không gian nhưng chị Linh Lê vẫn lựa chọn cải tạo theo gu thẩm mỹ cá nhân chứ không nhờ đến sự tư vấn hay thiết kế của kiến trúc sư.
"Trước khi lập gia đình, mình cũng từng trang trí sơ sơ phòng ngủ của cá nhân thôi chứ chưa bao giờ thử sức cải tạo, trang trí cả căn nhà. Vậy nên khi bắt đầu cũng có nhiều sự bỡ ngỡ lắm nhưng là người yêu thích nội thất chứ không qua trường lớp đào tạo nên nghĩ sao thì làm thế, mình lựa chọn cải tạo và trang trí lại theo gu thẩm mỹ của cá nhân thôi chứ không quá rõ đặc trưng của một phong cách thiết kế nào cụ thể. Có một số nội thất do chủ nhà đã đóng sẵn, không đúng gu của mình lắm nên mình cũng phải linh hoạt cách decor chứ không chỉnh lại toàn bộ theo đúng ý mình được.
Mình có lấy cảm hứng khá nhiều từ phong cách Korean Asthetic (phòng ăn, bếp, phòng ngủ, phòng làm việc" - Chị Linh Lê chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình anh Quang Minh (sinh năm 1991, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) - kiến trúc sư đã từng tư vấn và thiết kế cho nhiều căn nhà khác nhau cũng dành số tiền lên tới gần 100 triệu đồng để tự tay trang trí lại không gian chung cho 2 vợ chồng.
"Ngày 2 vợ chồng dọn về chung một nhà, đắn đo cân nhắc lên xuống mãi thì chúng mình cũng quyết định dành gần 100 triệu để cải tạo lại căn hộ đi thuê. Số tiền tiết kiệm còn lại của cả hai được dùng để đầu tư sinh lời. Chắc chắn sau khi có tiền, tụi mình cũng sẽ mua nhà nhưng hiện giờ thì chưa thể, vậy nên đầu tư vào việc cải tạo để có được một không gian như ngôi nhà của chính mình theo mình thấy là điều cần thiết!" - anh Quang Minh nói.
Vợ chồng anh Quang Minh chọn thuê căn hộ 2 phòng ngủ tại một khu tập thể cũ với mức giá là 4,5 triệu đồng/tháng.
Vì là kiến trúc sư nên việc cải tạo lại căn hộ không hề phức tạp, bên cạnh đó cũng tiết kiệm được khá nhiều khoản, từ thiết kế cho tới chọn lựa, mua sắm nội thất trong nhà.
"Đối với mình, căn phòng lý tưởng là nơi có nhiều ánh sáng, tầm nhìn thoáng và không gây cảm giác bí bách. Tuy nhiên, thiết kế căn hộ ở đây lại không được như vậy nên mình cũng phải tiến hành đập thông vách. Cùng với đó là sử dụng gam màu sáng để căn nhà trông có cảm giác rộng rãi hơn. Thời gian dành cho việc cải tạo cũng lên tới tầm 3 tháng vì phải sửa đổi rất nhiều.
Lúc đầu, bố mẹ hai bên không đồng ý với quyết định này khi thấy vợ chồng mình phải dành nhiều tiền thuê nhà và trang trí như vậy. Trong khi đó, nếu nhận sự trợ giúp của gia đình hai bên thì vợ chồng mình cũng chỉ phải vay thêm vài trăm triệu thôi. Nhưng mình cũng khẳng định thêm, việc cải tạo này sẽ giúp ích cho chính công việc của mình. Đồng thời cả hai vợ chồng cũng muốn tự cố gắng để xây dựng tổ ấm riêng chứ không cần làm phiền tới ai cả nên bố mẹ cũng tôn trọng quyết định này" - Quang Minh nói.
Kinh nghiệm cải tạo, trang trí nhà thuê
- Nói về chi phí bỏ ra để cải tạo lại căn hộ, chị Linh Lê cho biết: "Chi tiền từ từ theo từng giai đoạn nên về con số sẽ không cảm thấy quá ngộp.
Và nếu các bạn e ngại về việc chuyển đồ đạc thì hãy yên tâm là trừ phần tường đã sơn, đèn đã lắp cho sáng thêm thì các món đồ khác đều có thể gỡ ra và mang đi được nếu chuyển nhà. Lưới an toàn, lưới chống muỗi và lọc nước sinh hoạt chủ nhà đồng ý lấy lại với giá khoảng 70% giá trị khi kết thúc hợp đồng. Nên tính ra số tiền đầu tư vào phần không thể mang đi được không quá nhiều thì cũng không sợ bị phí".
"Còn về quan điểm cá nhân thì căn nhà với mình có một ý nghĩa thiêng liêng lắm. Mình nghĩ là ai cũng từng trải qua khoảnh khắc bị thử thách ở ngoài kia, rất mệt mỏi sẽ đều tâm niệm rằng, dù là nhà thuê hay chính chủ, ít nhất hãy cho mình cảm giác là nhà của mình.
Và với mình thì: “Nếu mình không hạnh phúc bây giờ thì sẽ là không bao giờ". Nhà có thể đi thuê nhưng cuộc sống hàng ngày chắc chắn phải là của mình. Việc phải chờ cho đến khi có đủ thứ này thứ kia, phải chờ cho đến khi có một căn nhà mới… cũng không khác gì mình phải chờ để có hạnh phúc cả.
Nó là những niềm vui nhỏ bé trong sinh hoạt hàng ngày như thế thôi. Chị vẫn là người chọn sống với hiện tại nhiều hơn nên việc mình cải tạo, trang trí hay sắp xếp lại căn nhà là sống đúng với bản thân của mình. Chị thấy xứng đáng vì được sống vui vẻ hàng ngày nên không thấy lãng phí chút nào cả" - Chị Linh Lê chia sẻ thêm về quyết định bạo tay chi tiền trang trí nhà thuê mà vẫn không thấy tiếc.
Đồng quan điểm, vợ chồng anh Quang Minh cũng cho rằng, làm việc tại nhà đến 90% thời gian, có những ngày hầu như cả 2 không ra khỏi nhà thì việc trang trí nhà trở nên đẹp hơn để "kéo mood" là điều nên làm.
"Tôi có 1 kinh nghiệm cho mọi người là trước khi thực hiện cần đưa ra ngân sách kèm theo danh sách cụ thể những món đồ cần mua. Đi cùng với đó đương nhiên phải có cả bảng giá chi tiết và hãy tiết chế cảm xúc trong khi lựa chọn, tìm tòi đồ trang trí để tránh mua phải những món đồ không thể sử dụng là điều ai cũng cần ghi nhớ" - Quang Minh tiết lộ.
Ngoài ra, anh Quang Minh cũng cho rằng, những người đi thuê nhà cần trao đổi trước với chủ nhà để xác định có thể sửa đổi những gì và cần trả lại tình trạng không gian như thế nào sau khi rời đi. Bằng cách này, mọi người sẽ bớt gặp phải các rắc rối về sau. Hãy nhớ xin phép và làm hợp đồng lại với chủ nhà để đảm bảo đôi bên thống nhất với việc cải tạo.
Theo 1 số nghiên cứu, Gen Z và Millenials là những thế hệ đã, đang và sẽ thuê nhà trong nhiều năm tới. Cụ thể, nghiên cứu của Square Room chỉ ra 25% người ở độ tuổi 20-39 đang sinh sống trong nhà thuê, nhiều gấp đôi so với thời cha mẹ.
Cùng với đó, khi có kế hoạch ở nhà thuê lâu dài, nhiều Gen Z và Millennials không ngần ngại chi tiền cho việc trang trí không gian.
Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật - Ảnh: NVCC
Phụ nữ Việt Nam