Ở nhiều nước trên thế giới, có bắt buộc phải rọ mõm chó khi dắt chúng đi dạo?
Hầu hết đều yêu cầu phải xích/buộc chó cẩn thận khi đưa chúng đến nơi công cộng.
- 06-10-2016Chưa mở rộng phố đi bộ trong vùng lõi phố cổ Hà Nội
- 21-09-2016Đề xuất đưa thêm 9 tuyến phố vào không gian đi bộ ở Hà Nội
- 05-09-2016Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm: Đường ngập rác, khách bị chặt chém
Những ngày qua, trên các tuyến đường của phố đi bộ ở Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người dắt chó đi dạo rất thoải mái, mặc cho xung quanh có rất đông trẻ nhỏ đang vui chơi. Điều này đã dấy lên nhiều tranh cãi về việc có nhất thiết phải rọ mõm các chú chó cưng mỗi khi dắt chúng ra ngoài, để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh hay không. Ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh hay gần nhất là Nhật Bản... cũng có những quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc dắt chó đi dạo.
Mỹ
51 bang ở Mỹ là 51 luật quy định về việc dắt chó đi dạo khác nhau, nhưng tất cả đều yêu cầu chung một điểm: chủ sở hữu phải buộc hoặc xích chó cẩn thận khi cho chúng ra ngoài đường. Tuy nhiên không có bất kỳ quy định nào nhắc đến việc phải rọ mõm cho những con chó.
Theo người dân, việc rọ mõm hay không là do quyết định của chủ sở hữu con chó. Nếu anh ta cảm thấy cần phải làm thế, để bảo vệ những người xung quanh hay những con chó khác, thì anh ta sẽ làm.
Thế nhưng việc giữ những con chó bằng dây buộc hay xích lại được yêu cầu rất rõ ràng. Chẳng hạn ở Tây Virginia, những con chó muốn đi dạo gần dinh Thống đốc hoặc toà Thị chính bắt buộc phải được xích lại. Ở Massachusetts, bất cứ con chó nào khi đặt chân đến khu vực công cộng đều phải được kiểm soát bằng dây xích.
New Zealand
Ở New Zealand, việc rọ mõm cho những con chó hung dữ như Pit Bull Terrier giống Mỹ, Dogo Argentino, Fila Brazil hay Tosa giống Nhật Bản là bắt buộc nếu chủ sở hữu có ý định đưa chúng đến nơi công cộng. Thậm chí với những con chó đã từng tấn công người khác, chủ sở hữu phải rọ mõm và giữ chặt chúng bằng dây xích khi đi ra ngoài đường.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu của những con chó cũng phải đảm bảo rằng thú nuôi của mình không sủa hay hú, làm ảnh hưởng đến người khác. Một số khu vực cũng cấm không cho chó đến gần.
Anh
Khi đưa chó đến nơi công cộng, chủ sở hữu phải đảm bảo giữ chó bằng dây buộc hay xích. Nếu thả rông, khi có yêu cầu của cảnh sát thì phải ngay lập tức xích lại. Một số khu vực cấm cũng không được phép cho chó lại gần, hơn nữa hạn chế cả số lượng chó một người có thể dắt đi dạo để đảm bảo kiểm soát an toàn tốt nhất.
Nếu vi phạm thì chủ sở hữu có thể bị phạt £100 ngay tại chỗ (khoảng 3 triệu VNĐ) và lên tới £1,000 (30 triệu VNĐ) nếu vụ này phải đưa ra tòa.
Ở các công viên, chó được đưa tới chơi rất nhiều nhưng hầu hết đều không rọ mõm. Đó có thể là do sự kiểm soát đầu vào tốt (các loại chó dữ không được phép nuôi) và đầu ra mạnh tay (nếu con chó tấn công, gây tổn hại tới người khác thì chủ của nó bị phạt rất nặng.)
Ireland
Tại Ireland, khi muốn dắt chó đi dạo, chủ sở hữu phải xích nó lại bằng một sợi dây xích dài không quá 1m, đeo rọ mõm và phải được kiểm soát bởi một người ít nhất đủ 16 tuổi.
Tuy biết rằng việc rọ mõm thường xuyên sẽ gây khó chịu cho những chú chó, nhưng đây là quy định bắt buộc ở Ireland. Chỉ cần biết cách trang bị rọ mõm đúng cách, các chú chó vẫn có thể thở và ăn uống bình thường.
Nhật Bản
Không có bất kỳ giống chó nào bị cấm ở Nhật Bản. Tuy nhiên khi muốn dắt chó đi dạo, chủ sở hữu phải đảm bảo đã buộc hoặc xích nó chắc chắn. Một số nhà hàng hay cửa hàng đều có biển cấm chó được vào bên trong.
Một số giống chó nhỏ được phép lên các phương tiện công cộng, riêng chó dẫn đường thì được đặc cách.
Trên đây chỉ là vài nước tiêu biểu và các quy định khi đưa chó đi dạo ở nơi công cộng. Bên cạnh việc phải buộc/xích chó cẩn thận để không gây nguy hiểm đến những người xung quanh, thì chủ nhân của những con chó này cũng được yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ ngay lập tức những chất thải mà thú cưng của mình thải ra để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trí thức trẻ/Kênh 14