"Ô sin cung đấu": Những cuộc gọi ậm ờ, bài ca muôn thuở "nhà kia tốt với cô lắm" và sự thật sốc óc đằng sau câu chuyện hoàn cảnh thê lương
Bỏ tiền thuê ô sin nhưng không ít gia đình đã phải 'kính thưa ô sin' khi rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười! Rõ ràng là chủ nhưng lại phải chăm chăm 'nhìn ánh mắt' ô sin để cư xử nếu không có ngày sẽ bị người khác... 'nẫng' đi mất!
- 17-02-2022Thứ gì tăng tốc còn nhanh hơn giá xăng? Là giá ô sin sau Tết, đã đắt lại còn... "hay dỗi", tăng lương mà không khéo nịnh cũng chưa chắc còn người!
- 13-02-2021Quý ông tuổi Sửu: Bên ngoài là CEO "hét ra lửa", về nhà lại tình nguyện làm ô sin cho vợ con chỉ vì 1 lý do duy nhất
- 07-02-2021Hot như ô sin 4.0 ngày giáp Tết: Người là "idol" kín lịch phải book trước cả tuần mới tới lượt, người ế ẩm hẩm hiu vì vừa lau nhà vừa lẩm bẩm một câu
Những áp lực, bộn bề và bận rộn từ cuộc sống và công việc khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay chấp nhận chi một khoản tiền kha khá hàng tháng để thuê người giúp việc. Họ hy vọng đời sống sinh hoạt bớt phần vất vả, vợ chồng có thời gian nghỉ ngơi khi nhà có thêm người phụ giúp việc vặt.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều gia đình Việt lại rơi vào cảnh "lao đao", "chồng chu vợ chéo" vì người giúp việc "ít tài nhiều tật" hoặc giả như làm được việc thì phải "vận công" để giữ chân giúp việc hơn giữ vàng!
Cuộc chiến giành giật ô sin "căng não" giữa các chủ nhà
Vốn chẳng "mặn mà" chuyện "sống chung với người lạ" nhưng nhà neo người, không ai phụ giúp nên tôi vẫn "bấm bụng" chi 7 triệu đồng/tháng để thuê người giúp việc.
Những ngày đầu có người hỗ trợ, vợ chồng tôi yên tâm hẳn vì nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng. Hai đứa trẻ con dù dịch không tới trường nhưng cũng được chăm sóc cẩn thận, sinh hoạt đúng giờ giấc và nề nếp. Bà giúp việc cũng khéo nấu nướng nên các món ăn đều hợp khẩu vị của các thành viên. Về chuyên môn và kinh nghiệm của người giúp việc, gia đình tôi không có gì để chê.
Những tưởng sau khi kinh qua hơn chục "đời giúp việc", gia đình tôi sẽ được yên ấm, nhưng không, chỉ sau 3 tháng sống chung cùng người giúp việc, gia đình tôi đã phải lâm vào cảnh "lao đao", vướng đủ thứ đau đầu vì giúp việc bắt đầu "lòi đuôi cáo".
Những ngày đầu đến làm, bà giúp việc tỏ ra là người rất nhanh nhẹn, thạo việc và được lòng chủ nhà
Sau khi "thu phục" được vợ chồng tôi, bà giúp việc bắt đầu "giở văn" ra khen chủ cũ, nào là: "Chủ cũ của cô 2 vợ chồng nó tốt lắm, sáng mà cô chưa dậy là nó mua đồ ăn treo ở cửa rồi mới đi làm"; "Mỗi lần vợ chồng nó muốn đứa bé ngủ với cô một đêm là sáng ra sẽ trả thêm 100 ngàn..."; rồi thì "nhà bên kia cứ gọi cô sang làm, nhưng cô chưa trả lời, bảo trông mỗi đứa con có 3 tuổi thôi, không cần làm việc nhà....".
Ban đầu bà kể lể, tôi cũng coi như "câu chuyện làm quà" mà qua loa, nói lái sang chuyện khác. Nhưng lâu dần câu chuyện không còn đơn giản như vậy khi bà có điện thoại liên tục, nhưng lạ thay, bà lại chẳng nói đã làm ở nhà tôi mà chỉ ậm ừ như lời hứa hẹn...
Cuối cùng tôi cũng hiểu ý, chẳng qua nói qua nói lại cũng chỉ là bà đang "làm giá" mà thôi. Ban đầu không sao, khi đã được lòng chủ nhà, khi đã quan việc, biết chủ nhà chẳng thể bỏ mình, giúp việc mới bắt đầu "lên ngôi", đòi yêu sách.
Vậy là, từ mức lương 7 triệu, gia đình tôi đành ngậm ngủi tăng lên 7,5 triệu đồng thì lúc ấy, bà giúp việc mới thôi "ca bài ca cũ", rằng "chủ cũ thế này, chủ cũ thế kia", rằng "nhà kia gọi cô, nhà này gọi cô"...
Sau khi "lấy lòng" gia đình tôi, bà giúp việc mới "lòi đuôi cáo" đưa ra yêu sách nếu không... sẽ sang nhà khác!
Ngày lễ, Tết, vợ chồng tôi cũng thưởng tiền, biếu quà cho người giúp việc có thêm "của để dành". Thỉnh thoảng, tôi còn mua bộ quần áo, đôi giày mới hoặc gửi quà đưa bà mang về cho các cháu ở quê. Chưa kể, trong cuộc sống hàng ngày cũng phải nhường nhịn phần hơn, dẫu là người giúp việc, nhưng gia đình tôi còn chiều hơn cả mẹ chồng vì chỉ sợ có ngày bà dỗi, bỏ đi chỗ khác thì xong!
Vậy mà, sau Tết, gọi mãi chẳng thấy bà đâu, lúc thì điện thoại tút dài, lúc thì bà nói "qua Rằm cô lên", khi lại "chồng ốm, không lên được nữa"...
Tôi đành ngậm ngùi tạm nghỉ việc cơ quan để trông con và tìm người thay thế, nhưng lòng vẫn mong chồng bà khỏi ốm thì bà lên.
Chẳng cứ gì tôi, nhiều gia đình khác cũng phải "cưng giúp việc như trứng mỏng" chỉ vì sợ giúp việc bỏ đi chỗ khác
Ấy vậy mà... có hôm tôi đi siêu thị ở dưới nhà thì vô tình... va phải bà giúp việc nhà tôi. Ồ, hóa ra bà chẳng có ai ốm đau gì cả, chỉ là bà đã nhận lời làm cho người khác ở dưới tầng nhà tôi.
Chắc là vài ba lời gạ gẫm, buôn dưa lê khi bế con tôi đi chơi dưới sảnh chung cư nên đã khiến bà siêu lòng. Chẳng biết nhà kia đã hứa hẹn, "mua chuộc" bà hậu hĩnh thế nào mà bà một hai nói dối, rồi chuồn thẳng sang nhà khác, để lại cho tôi sự "phản bội" đến không thể tưởng tượng nổi. Đúng là sự thật nó mới đắng làm sao!
Cũng hệt như tôi, chị đồng nghiệp tôi kể, chị phải giữ bà giúp việc bằng cách "chiều hơn vong" vì bà giúp việc bên hàng xóm "bắn tin", có mấy nhà ở tầng trên đang rình rình kéo bà về làm.
Chẳng là, bà ô sin nhà chị Thu (đồng nghiệp tôi) rất "có giá", biết bà khỏe mạnh lại được việc, nhiều gia đình khác đã nhòm ngó, thậm thụt trả giá cao hơn để bà sang làm cho nhà họ cùng lời hứa hẹn trên mây.
Chị Thu được bà giúp việc hàng xóm nói cho tin này, nên rất lo lắng. Tết nhất vừa xong, bà ấy mà nghỉ việc thì chị chẳng biết phải xoay xở ra sao. Hơn nữa, ra Tết giá thuê ô sin rất đắt, dịch dã lại phức tạp, bọn trẻ trong nhà đã quen bà ấy rồi, nên chị Thu lại tìm mọi cách để "dỗ dành" ô sin. Nào thì hứa hẹn sẽ tăng lương, sẽ thưởng Tết năm nay hậu hĩnh ra sao, thậm chí còn hứa bà về quê sẽ đưa ô tô về đón (vì biết bà ham sĩ diện)...
Chưa kể, để giữ cho chặt ô sin, chị Thu còn phải cư xử nhẹ nhàng, bực cũng không được cáu, chỉ sợ bà dỗi, bà bỏ đi nhà khác thì toi!
Chi kha khá tiền thuê người giúp việc nhưng chẳng riêng gì tôi hay chị Thu, ngay cả sếp tôi cũng từng tâm sự, bản thân chị "lao đao", khốn khổ về cả vật chất lẫn tinh thần thế nào khi giúp việc "cành cao", được quá nhiều chủ nhà trong chung cư... săn đón!
Suốt gần 1 năm sống cùng người giúp việc, chị nhận xét rằng, ám ảnh hơn cảnh "sống chung với mẹ chồng" ở trong phim. Vợ chồng chị phải cố nhẫn nhịn suốt cả năm trời, chờ tới khi bà nội về hưu mới cho người giúp việc nghỉ, vì bây giờ tìm được người thạo việc, quen với cách sinh hoạt trong gia đình khó như "mò kim đáy bể".
"Hai vợ chồng chị ở riêng, có thêm giúp việc mà sinh hoạt rất chật vật. Mua đồ online, ăn uống cầu kỳ chút bị nói ra nói vào vì không biết tiết kiệm. Đi làm về chưa kịp cất gọn đồ đạc là bác mắng một tràng.
Thỉnh thoảng, có việc quan trọng cần chăm chút ngoại hình, bác giúp việc lại bảo chị điệu đà và không cho xịt nước hoa vì bác khó chịu. Nhiều khi, hai vợ chồng cứ phải lén lút xuống nhận đồ rồi lấy cớ được người cho, người biếu để khỏi bị người giúp việc soi mói, chê bôi", sếp tôi kể.
Thậm chí, cuối năm ngoái, chị từng phải thưởng cho bác giúp việc hơn cả 1 tháng lương, chỉ vì nghe "bắn tin" ra Tết bà sẽ sang làm cho tầng khác.
Giúp việc được trọng dụng quá hay chỉ là chiêu trò "chém gió" nâng tầm?
- "Phải tăng lương lên 3 triệu đồng/tháng tui mới vào", một bà ô sin trong số những bà đang tụ họp dưới sảnh chung cư tôi ở nói thẳng với người chủ nhà nào đó qua điện thoại.
Một bà khác thì thêm vào: "Đúng rồi, cứ phải hét cao giá lên", rồi một vài tiếng rì rầm to nhỏ vang lên.
Cả đám giúp việc ở chung cư rất hay tụ nhau lại, khi thì hóng hớt chuyện chủ nhà, khi thì nghĩ kế vòi tiền, tăng lương... Ảnh minh họa
Nhiều ô sin còn móc nối với nhau, tụ năm tụ bảy hỏi giá nhau sau đó nhảy việc. Có người móc nối để đưa ô sin đi ở nhà người quen với giá cao hơn, có người than đau, than mệt rồi chuồn nhưng sự thật lại đi ở nơi khác...
Khác với tôi hay với những người tôi quen, chị Huệ (ở chung cư anh trai tôi sống), dù đang rối như tơ vò vì bỗng dưng ô sin dở chứng, than vắn thở dài, đòi tăng lương nếu không sẽ đi sang nhà chủ cũ vì họ... trả lương cao hơn.
Bức xúc, chị Huệ đã đuổi thẳng. Thế là hai ngày nay chị Huệ phải xin nghỉ làm ở nhà trông con và tự kiếm người giúp việc theo giờ qua trung tâm.
"Giúp việc chứ đâu phải là mẹ người ta mà mình chiều", chị Huệ nói.
Hóa ra trò "kể lể" lương cao chỉ là cái cớ để nâng tầm mình, nhiều giúp việc đã "gặp quả đắng" khi vớ phải chủ nhà cao tay!
Nay chị được một trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu cho một giúp việc khoảng 55 tuổi. Trước khi giúp việc đến, trung tâm có gửi ảnh qua. Chị Huệ "té ngửa" khi trong ảnh lại chính là bà giúp việc "cành cao" nhà mình trước đó. Trong khi mức lương mà bà này mong muốn cũng chỉ tương đương như nhà chị Huệ đã trả mà thôi!
Chị mới vỡ lẽ, hóa ra chẳng phải bà ta sang chủ cũ để hưởng lương cao như lời bà ta "dọa", chắc chỉ định "hù" chủ nhà để vòi lương, ai ngờ chủ "cứng" quá nên đành nghỉ hẳn, giờ qua trung tâm chờ đợi công việc khác.
Lại nói đến bà giúp việc nhà tôi, trước kia tôi đã hết lòng đối đãi, ấy vậy mà vẫn "tót" đi nhà khác cùng chung cư nhà tôi để làm rồi nói dối loanh quanh. Hôm vừa rồi thấy chị chủ nhà tầng 7xx lại đăng tin tuyển người.
Tôi thấy lạ, mò mẫm đọc bình luận mới té ngửa, hóa ra vẫn "chiêu bài" cũ, bà cũng làm rất mượt mà thời gian đầu, rồi lại y bài đòi hỏi giống đợt ở nhà tôi.
Chị chủ này thì vốn chẳng dễ "mềm lòng", quyết không thỏa hiệp, bà thấy không "đòi" được nữa thì sấp ngửa ngay, làm như "mèo mửa" và rồi... bị chị chủ nhà trả về nơi sản xuất...
Đời lắm lúc đúng như tấn bi hài, "được voi đòi tiên", cứ "đứng núi này, trông núi nọ" thì cái kết cũng chẳng hay ho gì.
Chúng tôi - những người mẹ, người vợ, vốn mong muốn có người đỡ đần việc nhà cửa, con cái để có thêm thời gian nghỉ ngơi, giúp cuộc sống bớt vất vả nhưng trên thực tế, không ít gia đình như gia đình tôi, đã rơi vào cảnh "lao đao", sống ngột ngạt về tình thần hơn vì giúp việc.
Vậy mới thấy, có tiền chưa chắc thuê được giúp việc tận tâm, tận tụy với công việc như mình mong muốn. Vì trên thực tế họ biết là nhu cầu thuê giúp việc ngày càng nhiều, họ không sợ thất nghiệp mà chỉ có chủ sợ mất họ mà thôi!
Nhịp sống Việt