MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô đại hạ giá đẩy hàng tồn

20-08-2020 - 16:40 PM | Thị trường

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng xe tồn kho nhiều... khiến các hãng và đại lý ô tô đua nhau giảm giá để xả hàng.

Hoạt động kinh doanh ô tô gặp khó nửa đầu năm do dịch Covid-19

Báo cáo chuyên đề - Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm 2020: " Triển vọng kinh tế: Con đường gập ghềnh đến điểm bình thường mới" của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố mới đây cho biết, doanh số nửa đầu năm 2020 của VAMA giảm 30% so với cùng kỳ năm, xuống 102.720 chiếc. Trong đó, xe du lịch có doanh số giảm mạnh nhất với hơn 32%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động đến thu nhập và hành vi tiêu dùng của người mua và người mua chờ đợi chính sách giảm phí trước bạ. Xe thương mại và xe đặc chủng cũng lần lượt giảm 23% và 30% so với cùng kỳ năm do các ngành sản xuất và khai thác bị hạn chế bởi Covid-19.

Ô tô đại hạ giá đẩy hàng tồn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo nguồn gốc xuất xứ, lượng xe lắp ráp trong nước giảm 26% so với cùng kỳ năm (còn 67.516 chiếc), lượng xe nhập khẩu giảm mạnh hơn với 37% so với cùng kỳ năm (còn 39.667 chiếc).

Trong đó, xe nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh 61% so với cùng kỳ năm, chỉ còn 17.620 chiếc do nền công nghiệp ô tô nước này bị ảnh hưởng rất nặng từ dịch Covid-19. Xe nhập từ Indonesia giảm ít hơn với 22% so với cùng kỳ năm, xuống 16.421 chiếc. Nhìn chung, dịch Covid-19 khiến người dân ưu tiên tiêu dùng cho những việc cấp thiết thay vì mua xe.

Theo thị phần, Thaco tiếp tục thống trị với 33,3%. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota (24,5%), Honda(11,7%), Mitsubishi (10%). Ford – "ông vua" xe bán tải - đứng thứ 5 với 8,2%

Theo nhận định của VDSC, Covid-19 có tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng ngành ô tô. Do đó, doanh thu của các công ty trong ngành đều giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tiêu cực, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng. Theo đó, Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (28/6/2020 đến 31/12/2020) đã giúp giảm chi phí mua xe thúc đấy nhu cầu người tiêu dùng.

Đồng thời, từ 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được. Giúp chi phí sản xuất giảm 2-5% dẫn đến giảm giá bán và thúc đẩy nhu cầu.

Ngoài ra, với thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định và số lượng xe tính trên đầu người còn thấp so với các nước có cùng thu nhập. VDSC cho rằng cơ hội tăng trưởng cho ngành ô tô là tương đối lớn.

VDSC cho rằng doanh số sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020 so với nửa đầu năm nhờ triển vọng kinh tế khả quan hơn và những hỗ trợ từ chính phủ.

Ồ ạt đại hạ giá xả hàng tồn

Theo VDSC, áp lực tồn kho dẫn đến tăng cạnh tranh về giá bán. Trong nửa đầu năm, có 21.205 xe ô tô tồn kho chiếm 17% tổng cung. Đây là con số tương đối thấp và có thể chấp nhận so với các năm trước. Tuy nhiên, lượng tồn kho 2019 là cực lớn lên tới 180.905 chiếc, chiếm đến 36% tổng cung năm 2019. Do đó, áp lực thanh lý hàng tồn 2019 có thể buộc các đại lý giảm giá bán.

Ngoài ra, Covid-19 khiến thu nhập người dân thấp hơn kỳ vọng, khiến người tiêu dùng chuyển sang phân khúc xe tầm trung và thấp thay vì dòng xe sang dẫn đến rủi ro cho phân khúc xe sang.

Thực tế theo khảo sát phóng viên, để thu hút người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp và đại lý đã tung ra loạt chương trình, khuyến mãi khủng.

Ô tô đại hạ giá đẩy hàng tồn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, các đại lý Ford Việt Nam đang áp dụng các chương trình giảm giá cho các dòng xe của hãng 25 - 80 triệu đồng, kèm theo các ưu đãi thuế trước bạ hay gói bảo hành,… Đặc biệt, mẫu Everest phiên bản Titanium 2.0L AT 4WD sản xuất năm 2019 hiện đang nhận ưu đãi từ 160-200 triệu đồng, tùy từng màu, các phiên bản khác được giảm 60-85 triệu đồng.

Toyota Việt Nam vẫn giữ nguyên chương trình ưu đãi dành cho mẫu Toyota Fortuner 2019. Theo đó, phiên bản 2.4 MT 4x2 và 2.4 AT 4x2 được nhận gói quà tặng trị giá 55 triệu đồng.

Kia cũng đưa ra chương trình khuyến mại cho 3 mẫu xe là Cerato, Soluto và Sedona với mức giảm dao động từ 30 - 60 triệu đồng cho để thu hút người mua. Các mẫu xe Mazda cũng được giảm 20-40 triệu đồng. Hyundai Kona phiên bản 2.0 AT giảm 13 triệu đồng; bản 2.0 AT đặc biệt giảm 15 triệu đồng; bản 1.6 Turbo giảm 20 triệu đồng,...

Chevrolet Trailblaze đang được đại một số đại lý giảm giá khá sâu lên tới 210 triệu đồng, cho các mẫu sản xuất năm 2019. Mức giảm này có thể còn cao hơn tùy vào đại lý.

Bên cạnh xả hàng tồn kho, nhiều mẫu ô tô dù vừa ra mắt và mở bán chưa bao lâu nhưng đã được các đại lý mạnh tay áp dụng các chương trình khuyến mại. Theo đó, Honda CR-V 2020, MG HS, MG ZS, Mazda6 2020,... được các đại lý giảm giá từ 10 - 50 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ phí trước bạ, tặng kèm phụ kiện,…

Minh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên