MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô điện Trung Quốc đại thắng năm 2023 nhưng chuyên gia ‘dội nước lạnh’: ‘Chưa phải lúc ăn mừng, 2024 mới biết ai thắng ai thua, ai sống ai chết’

04-01-2024 - 13:45 PM | Thị trường

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc – đang trên đà đạt doanh số kỷ lục năm 2023 – không có nhiều điều để ăn mừng khi cuộc chiến giá cả làm sụt giảm lợi nhuận và sự gia tăng cạnh tranh ở phân khúc xe sử dụng năng lượng mới.

Ô tô điện Trung Quốc đại thắng năm 2023 nhưng chuyên gia ‘dội nước lạnh’: ‘Chưa phải lúc ăn mừng, 2024 mới biết ai thắng ai thua, ai sống ai chết’ - Ảnh 1.

Lượng xe bàn giao tại Trung Quốc và xuất khẩu đã tăng 10,8% lên 26,94 triệu chiếc tính đến hết tháng 11. Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Trung quốc kỳ vọng các chương trình khuyến mại vào tháng 12 sẽ đẩy doanh số vượt 30 triệu xe. Tuy nhiên, một số hãng ô tô Trung Quốc vẫn không đạt mục tiêu bán hàng trong khi cạnh tranh gay gắt về giá gây áp lực lên toàn ngành.

“Năm mới sẽ quyết định ai thắng, ai thua, ai sống, ai chết”, Liu Luochuan – Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển chiến lược tại Dongfeng Motor nói.

Theo Hao Hong, Giám đốc quản lý thị trường và thương hiệu tại Shanghai Automotive Industry, giá xe đã giảm 8,4% vào năm 2023 sau khi giảm 1,9% vào năm trước. Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Trung Quốc dự kiến mức tăng trưởng doanh số xe chậm lại còn 3% vào năm 2024. Tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong nước có thể dẫn đến việc hợp nhất hoặc loại bỏ một số hãng xe vào năm 2025, 2026.

Liu cho biết hầu hết hãng xe vẫn chưa đạt đủ quy mô để vượt qua điểm hòa vốn. Liu cho biết chỉ khi sản xuất ít nhất 500.000 xe/năm, nhà sản xuất mới có thể kiếm lời. Các nhà sản xuất còn lại sẽ rơi vào cuộc chiến sinh tồn.

Cuộc chiến giá

Một năm quá dánh dấu bước ngoặt với các hãng ô tô Trung Quốc. Các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ cho việc mua xe NEV đã hết hạn vào cuối năm 2022, buộc các nhà sản xuất phải giảm giá để duy trì doanh số. Trong 3 năm trước đó, doanh số bán NEV đã tăng gấp 5 lần từ 1,37 triệu chiếc năm 2020 lên 6,89 triệu chiếc năm 2022.

Các khoản trợ cấp đưa ra vào năm 2009 giúp Trung Quốc thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Ưu đãi có thể lên đến 12.600 nhân dân tệ (1.767 USD) cho mỗi lần mua ô tô điện, tùy thuộc vào quãng đường di chuyển của xe mỗi lần sạc. Kể từ năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã chi gần 150 tỷ nhân dân tệ để khuyến khích người dân mua xe NEV.

Ô tô điện Trung Quốc đại thắng năm 2023 nhưng chuyên gia ‘dội nước lạnh’: ‘Chưa phải lúc ăn mừng, 2024 mới biết ai thắng ai thua, ai sống ai chết’ - Ảnh 2.

Doanh số xe sử dụng năng lượng mới (NEV) tại Trung Quốc tiếp tục tăng.

Với việc Tesla và nhiều nhà sản xuất khác tăng cường sản xuất tại Trung Quốc, chính sách trợ giá giúp tạo ra một hệ sinh thái cạnh tranh. Vào năm 2022, chính phủ cắt giảm 30% khoản trợ cấp và cuối cùng loại bỏ dần vào cuối năm.

Vào đầu năm 2023, Tesla đã gây ra cuộc chiến về giá xe trên thị trường xe điện Trung Quốc, kéo theo đó là hàng loạt đợt giảm giá từ các đối thủ cạnh tranh.

Lợi nhuận bị bào mòn

Ngành công nghiệp ô tô luôn là ngành thâm dụng vốn, trong đó các nhà sản xuất dựa vào quy mô để tìm kiếm lợi nhuận. Trong kỷ nguyên xe xăng, các nhà sản xuất ô tô đa quốc gia thường có lãi sau khi đạt doanh số hàng năm là 200.000 xe, trong khi điểm hòa vốn của các thương hiệu nội địa Trung Quốc là 300.000 xe, Liu của Dongfeng cho biết.

Trong khi đó, các nhà sản xuất NEV phải đối mặt với ngưỡng lợi nhuận cao hơn – lên đến 500.000 xe/năm – do chi phí pin và công nghệ thông minh sử dụng trên xe NEV vẫn còn rất cao. Chỉ có Tesla, BYD, CAC Aion và Li Auto mới đạt hoặc tiến gần mức đó.

Liu cho biết thị trường NEV tương lai có thể không chấp nhận các thương hiệu nhỏ nhưng phù hợp với thị trường, như cách Subaru, Mitsubishi, Mazda đang làm trong kỷ nguyên xe xăng tại Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 11/2023, doanh số bán NEV của Trung Quốc đã tăng 36,7% so với cùng kỳ, lên 8,3 triệu xe – chiếm 30,8% trong tổng số 26,89 triệu xe bán ra. Dự kiến tăng trưởng xe NEV năm 2024 sẽ chậm lại còn 22,3%.

Theo quan điểm của nhà sáng lập kiêm CEO Li Auto là Li Xiang, chỉ có 5 nhà sản xuất NEV hàng đầu ở Trung Quốc mới có thể tồn tại. Ông cho biết, tính đến nay Tesla, BYD và Huawei đã chốt vị trí của mình. Điều này đồng nghĩa các nhà sản xuất khác sẽ phải cạnh tranh cho 2 vị trí còn lại.

Ô tô điện Trung Quốc đại thắng năm 2023 nhưng chuyên gia ‘dội nước lạnh’: ‘Chưa phải lúc ăn mừng, 2024 mới biết ai thắng ai thua, ai sống ai chết’ - Ảnh 3.

Xe điện SU7 từ Xiaomi.

Hôm 28/12, Xiaomi đã trình làng chiếc xe điện đầu tiên, tuyên bố muốn trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong 15-20 năm. 2 ngày trước đó, Huawei cính thức ra mắt mẫu Aito M9, chiếc SUV đầu bảng thu hút hơn 60.000 lượt đặt hàng.

Trong ngành xe điện, giai đoạn cạnh tranh kế tiếp sẽ tập trung vào hệ thống ô tô thông minh, vốn là thế mạnh của Huawei và Xiaomi. Với các nhà sản xuất NEV nhỏ, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn sẽ là lựa chọn ưu tiên.

Vào tháng 11, Huawei giới thiệu ứng dụng Harmony Intelligence Mobility Alliance (HIMA), ứng dụng lái xe thông minh dành cho các mẫu xe mang thương hiệu này. HIMA hiện được sử dụng trên các mẫu xe dòng Aito và Luxeed, được đồng phát triển với 4 nhà sản xuất ô tô đối tác. Theo đó, Huawei tham gia sâu vào việc thiết kế, phát triển và kiểm soát chất lượng sản phẩm cho các mẫu xe được trang bị hệ thống xe thông minh Huawei.

Một CEO công ty hợp tác với Huawei cho biết sẽ là hợp lý hơn khi họ hợp tác với một nhà cung cấp công nghệ, thay vì tự phát triển hệ thống lái xe thông minh. Vị này cho hay Xiaomi cũng có thể cung cấp công nghệ lái xe thông minh cho ngành công nghiệp ô tô trong tương lai, hoặc thành lập liên doanh như Huawei. Điều này giúp các công ty nhỏ tiết kiệm chi phí phát triển nhưng tất nhiên, không đảm bảo thành công.

Thúc đẩy doanh số trên toàn cầu

Các nhà sản xuất NEV Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy doanh số bán hàng tại các thị trường quốc tế để trở nên ít phụ thuộc hơn vào thị trường nội địa – nơi tình trạng dư cung và cuộc chiến giá cả đang làm sụt giảm lợi nhuận của họ. Trong 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 4,4 triệu xe, tăng 58,4% so với cùng kỳ, vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất. Theo Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Trung Quốc, xuất khẩu ô tô năm 2024 dự kiến tăng lên 5,5 triệu chiếc năm 2024.

Chery Automobile đã xuất khẩu 837.000 xe trong 11 tháng qua, chiếm khoảng 1 nửa tổng doanh số bán hàng của họ.

Ô tô điện Trung Quốc đại thắng năm 2023 nhưng chuyên gia ‘dội nước lạnh’: ‘Chưa phải lúc ăn mừng, 2024 mới biết ai thắng ai thua, ai sống ai chết’ - Ảnh 4.

Nga trở thành nước nhập khẩu xe xăng của Trung Quốc nhiều nhất năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 736.000 xe sang Nga, tăng gấp 4 lần so với tổng lượng của năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng này chủ yếu do tác động của xung đột Nga – Ukraine. Shu Xueming, trợ lý tổng giám đốc toàn cầu của Chery Automobile cho biết sẽ không có cơ hội nào khác như vậy vào năm 2024. Hơn nữa, thị trường ô tô Nga hiện tràn ngập các thương hiệu Trung Quốc đến mức cạnh tranh không kém thị trường quê nhà Trung Quốc.

Trong khi đó, xuất khẩu xe NEV của Trung Quốc đối mặt với nhiều bất ổn hơn. Vào ngày 10/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra xem liệu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, cho phép họ hạ giá xe tại EU hay không. BYD, Geely, SAIC Motor – 3 nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc – là trung tâm của cuộc điều tra.

Sun Xiaohong, tổng thư ký chi nhánh ô tô của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử Trung Quốc cho biết sau năm 2025, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn bình ổn. Ông cho rằng các công ty Trung Quốc nên tập trung cả vào xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài.

BYD công bố hôm 22/12 rằng họ có kế hoạch xây nhà máy đầu tiên tại châu Âu, đặt ở Hungary. Các thương hiệu như SAIC, Nico cũng đang mở rộng sang châu Âu trong khi Chery, Great Wall Motor và Chongqing Changan Automobile cũng đang cân nhắc xây dựng nhà máy ở Mexico.

Đức Nam

Nhip sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên