Ô tô nhập khẩu náo loạn vì bế tắc
Những quy định tại Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có bị bãi bỏ hay không đến giờ vẫn chưa rõ ràng - điều này khiến cả doanh nghiệp ô tô lẫn cơ quan quản lý, người tiêu dùng đều bối rối.
- 09-07-2016‘Cơn bão’ giá ô tô nhập khẩu
- 07-07-2016Bộ Công Thương điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với tôn màu nhập khẩu
- 08-04-2016Từ 1/7, giảm mạnh thuế với ô tô nhập khẩu
Tổng cục Hải quan ngày 15/7 vì thế đã có công văn thúc giục Bộ Công Thương nhanh chóng có câu trả lời về Thông tư 20/2011/TT-BTC quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống có còn hiệu lực áp dụng nữa hay không.
Hết hiệu lực vẫn gây tranh cãi
Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 26/6/2011, quy định các DN nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc, phải có giấy uỷ quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này còn phải được cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.
Ngay khi quy định này có hiệu lực, cách đây 5 năm, hàng trăm DN nhỏ đã không còn cơ hội nhập khẩu ôtô nguyên chiếc mới. Thị trường xe nhập khẩu từ đó đến nay thuộc về một số DN có được giấy ủy quyền từ chính hãng. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, thì đến 1/7/2016, Thông tư này đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế... do Bộ Công Thương soạn thảo, mới đây đã đưa toàn bộ Thông tư 20 vào. Một số cơ quan chức năng cho rằng, kinh doanh ôtô không thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì vậy việc đưa quy định này vào là trái luật, cần bãi bỏ.
Còn các DN nhập khẩu ôtô chính hãng thì lo lắng và chính thức lên tiếng về vấn đề này. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cùng một số DN đã kiến nghị giữ nguyên điều kiện nhập khẩu ôtô mới chính hãng.
VAMA cho rằng, việc đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ,... sẽ có thể bị bỏ ngỏ nếu Thông tư 20 hết hiệu lực mà không có văn bản thay thế. Khi đó, nhà nhập khẩu không chính hãng có thể dừng hoạt động bất kỳ lúc nào.
Hoặc, theo VAMA, các nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ trốn thuế bằng việc khai giá mua xe, bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.
Song, các DN nhập khẩu không chính hãng cũng lập tức lên tiếng phản bác. Mới đây, 16 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không chính hãng đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ Thông tư 20 đã tạo ra rào cản khiến họ không thể nhập khẩu ôtô mới. Những quy định đó không những gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô Việt Nam mà còn vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho DN nước ngoài, khiến thị trường bị méo mó.
Trong một văn bản giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự thảo Nghị định trên, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến, nhất trí không quy định việc nhập khẩu ôtô tại Nghị định mới, bởi đó không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên, không cần nâng cấp lên Nghị định.
Tuy nhiên, Bộ này lại cho rằng, những quy định tại Thông tư 20 là các thủ tục hành chính, vì vậy nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vẫn phải thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng báo cáo Chính phủ 2 phương án triển khai thực hiện đối với nhập khẩu ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống chưa qua sử dụng.
Những quy định trong Thông tư 20 có bị bãi bỏ hay không, đến nay, tất cả đều chưa rõ ràng. Từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, thị trường đều trở nên rối tung.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, theo luật, từ 1/7/2016, khi Thông tư 20 hết hiệu lực, họ sẽ được tự do nhập khẩu ôtô. Hiện một số đơn vị đã nhập khẩu xe và lô đầu tiên sắp về nước. Khi về nước thì cơ quan Hải quan đương nhiên phải làm thủ tục thông quan. Nếu không thực hiện là vi phạm luật pháp, cản trở tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nói vậy nhưng không ít đơn vị vẫn rất lo lắng, nếu nhập về mà không được thông quan thì rủi ro rất lớn.
Đến đây thì cơ quan Hải quan cũng không thể chờ đợi được, không biết làm thế nào, lại phải làm công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Công Thương trả lời rõ ràng về Thông tư 20. Cơ quan này lo ngại nếu xe nhập tràn về sẽ không biết xử lý ra sao, rất bị động.
Trên thị trường, giá nhiều mẫu ôtô đang giảm rất mạnh. Một số thông tin cho rằng đó là do sắp tới, khi các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu, ôtô sẽ tràn vào, giá giảm. Các DN kinh doanh nhanh nhạy hơn ai hết, đoán biết chính sách, nên nhanh tay bán ra để tránh nguy cơ bị xe nhập khẩu "bóp chết". Vì vậy, dù giá giảm cũng không mua mà nên chờ đợi, ôtô nhập về nhiều giá còn rẻ nữa.
Ngược lại, có ý kiến băn khoăn, nếu quy định trên không bị bãi bỏ, xe nhập không về nhiều, thì xe trong nước lại có điều kiện tăng giá, rất khó mua được xe giá rẻ.
Chính sách không rõ ràng không chỉ khiến cơ quan quản lý bị động mà ngay thị trường cũng méo mó, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều bối rối không biết đâu mà lần, gánh chịu nguy cơ rủi ro cao.
Vietnamnet