MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô sẽ đậu ở đâu?

19-03-2017 - 08:42 AM | Xã hội

Các địa phương, nhất là các quận trung tâm, đồng loạt thực hiện chiến dịch “giải cứu vỉa hè” thì nhiều người có ô tô đã phải “trùm mền” xe và đi núp vì sợ bị phạt.

“Trong những ngày gần đây, khi các nơi, nhất là các quận trung tâm như quận 1, 3, 5… mạnh tay xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè, dừng đậu xe không đúng nơi quy định, tôi đã chuyển qua đi xe máy thay vì đi ô tô như trước” - bà NVK nói.

“Sợ phạt, cho xe trùm mền”

Bà K. ở khu đô thị Sala (phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM), làm việc ở quận 3, đoạn gần ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng. “Công việc của tôi hay phải đến một số cơ quan ở quận 1. Mặc dù vào khu vực này, việc tìm kiếm nơi đậu xe là rất khó khăn nhưng trước đây vẫn có thể dừng, đậu tạm một thời gian ngắn trên vỉa hè, dưới lòng đường nên trước đây tôi thường sử dụng ô tô để đi lại, làm việc. Tuy nhiên, từ ngày quận 1 ra quân phạt xe đậu vỉa hè và các nơi khác đồng loạt thực hiện thì tôi sợ… chết khiếp nên chỉ toàn đi lại bằng xe máy. Chỉ khi nào đi xa hoặc vào cơ quan có nơi đậu xe thì tôi mới đi ô tô” - bà K. chia sẻ.

Tương tự, ông Hoàng Tuấn Khanh, phường Tân Mỹ, quận 7, cho biết thỉnh thoảng ông có hẹn với đối tác, bạn bè gặp mặt ở một vài quán cà phê quen thuộc tại quận 1. “Bình thường ở khu vực này, muốn tìm được nơi đậu xe đúng phép tắc không đơn giản. Trước đây, một số bảo vệ của quán hướng dẫn khách đậu xe dưới lòng đường hay trên vỉa hè và thu tiền nhưng khi ông Hải (Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1) dẫn “quân” xử phạt, cẩu xe đậu sai quy định, tôi không còn dám đậu liều nữa. Có lần, tôi tránh đậu xe trên vỉa hè và cho ô tô vào bãi đậu xe ở một cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng trong vài giờ nhưng phải trả đến 200.000 đồng. Quá đắt! Đi ô tô gặp trở ngại vì ùn tắc thì nay gặp phải chuyện bí chỗ đậu xe nên từ đó về sau tôi không đi ô tô vào quận 1 nữa” - ông Khanh nói.

Các trường hợp trên không phải là cá biệt. Qua khảo sát nhanh của PV, số lượng ô tô “trùm mền” nằm cả ngày tại các khu vực chung cư Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức… gần đây tăng cao. Một bảo vệ tại chung cư Useful (phường 9, quận Tân Bình) cho biết ở tầng hầm của chung cư không còn nhận xe khách bên ngoài gửi vì đã kín chỗ. “Vào ban đêm, xe của cư dân về càng đông và nhiều xe phải đậu trên lối nội bộ của chung cư. Riêng ban ngày, số lượng ô tô của cư dân đậu trong tầng hầm cũng đầy hơn trước Tết rất nhiều. Một số chủ xe cho biết họ chỉ sử dụng ô tô cho các chuyến đi xa thay vì sử dụng thường xuyên như trước đây. Họ nói gần đây đi ô tô vào khu vực nội thành rất khó tìm nơi đậu, nếu còn đậu bừa thì bị phạt rất nặng” - nhân viên bảo vệ này cho biết.

Khu vực trung tâm bí chỗ đậu xe, nếu đậu liều rất dễ bị phạt nóng hoặc bị CSGT ghi hình phạt nguội nên nhiều người đã cho ô tô “trùm mền”. Ảnh: MP

Đã khan càng thêm hiếm

Hiện nay, ở khu vực trung tâm TP.HCM chỉ có duy nhất một bãi đậu xe cao tầng của Công ty Samco chứa khoảng 500 ô tô và hơn 3.900 xe máy. Theo bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Samco, bãi đậu này đã hoạt động hết công suất về chỗ đậu ô tô với giá 2 triệu đồng/tháng. “Bãi đậu xe đã kín chỗ từ cuối năm 2016, trước khi quận 1 mở đợt cao điểm làm thông thoáng vỉa hè, lòng đường” - bà Lý nói thêm.

Đối chiếu với mặt bằng chung, đặc biệt là việc đậu xe ở một số tuyến đường có kẻ vạch và đóng phí thì mức giá giữ xe nêu trên là khá chát. Tuy nhiên, theo bà Lý, vẫn có rất nhiều người đăng ký gửi xe và công ty phải từ chối vì bãi xe hết chứa nổi. “Việc nhiều người tìm đến gửi xe chứng tỏ nhu cầu thực tế là rất lớn” - bà Lý nhận xét.

Sở GTVT cũng nhận định nhu cầu đậu, đỗ xe ở khu vực trung tâm của người dân là rất lớn, song hiện nay vẫn chưa có bãi đậu xe ngầm nên nhiều người đã cho xe đậu bừa nhiều giờ liền trên vỉa hè, lòng đường, kể cả ở nơi có biển cấm.

Về lý do, nhiều người cho biết do nhu cầu công việc nên không thể không đi ô tô vào khu vực trung tâm. Song gần đây việc tìm kiếm nơi đậu xe thuận tiện, giá cả phải chăng là rất nan giải. “Công việc để kiếm cơm thì không thể ngừng được nên dù biết khó có chỗ đậu xe, thậm chí bị xử phạt, chúng tôi vẫn phải chấp nhận” - ông T. ngồi trên chiếc ô tô bảy chỗ, mắt nhìn dáo dác khi đậu xe trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1), là tuyến đường có treo biển cấm đỗ ô tô, nói nhát gừng với người viết.

Tranh nhau xí chỗ và giở chiêu đậu xe

Theo thống kê, ở khu vực trung tâm có 77 tuyến đường cấm đỗ xe; gần 70 tuyến đường cấm dừng, đỗ ô tô theo giờ. Sở GTVT cho biết thêm: Khu vực trung tâm TP, nhất là ở các nơi tập trung đông người như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… thường xuyên ùn ứ. Do vậy Sở GTVT sẽ rà soát để có biện pháp xử lý giảm thiểu ùn tắc. Một trong những biện pháp đó là gắn thêm các biển cấm dừng, đậu của phương tiện trên đường để hạn chế tối đa tình trạng dừng, đậu tùy tiện dưới lòng đường, vỉa hè.

Tuy nhiên, bất chấp các biển báo cấm dừng, đỗ ô tô, nhiều ô tô vẫn nối đuôi, xếp hàng dài ở nhiều nơi. Các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp… chỉ cho ô tô đỗ theo ngày chẵn, ngày lẻ hoặc các đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa… cho ô tô đỗ theo giờ, thậm chí các đường Alexandre de Rhodes, Nguyễn Văn Chiêm… (quận 1) cấm dừng, cấm đỗ nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe ở hai bên. Một trong những dấu hiệu để nhận biết là các xe này vẫn nổ máy, đèn xe nhấp nháy và tài xế luôn ngồi ôm vô lăng, mắt dáo dác ngó trước nhìn sau canh chừng lực lượng chức năng.

Theo ông T., đây là một trong các “chiêu” mà giới tài xế hay áp dụng để đối phó với lực lượng chức năng. “Tôi chở sếp cho một doanh nghiệp làm việc ở Kỳ Đồng (quận 3) và thường xuyên chở sếp ra khu vực quận 1. Không tìm được chỗ đậu xe thì đánh liều nổ máy cho xe dừng chờ ở những nơi cấm đỗ. Có lần chờ mệt quá, tôi thiếp đi thì bị xử phạt ngay” - ông T. kể.

Theo ông T., ở khu vực trung tâm có nhiều tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường nhưng không dễ chen chân vào được. “Công ty sếp ở quận 3 nhưng nơi đó không tìm được chỗ đậu xe nên tôi thường đến khu vực Công viên Lê Văn Tám (quận 1) để đậu. Ở đây họ thu phí 5.000 đồng/ô tô là đậu cả ngày. Tuy nhiên, không phải dễ dàng xí được chỗ vì lúc nào ô tô cũng đậu đầy” - ông T. nói.

Ông Lê Công Phước, nhân viên thu phí của Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, cho biết tại vị trí này đậu được hơn 70 ô tô. Tuy nhiên, trong đó có khoảng 40 xe là “khách ruột”. “Họ chở khách, sếp công ty ở các quận 1, quận 3 nhưng công ty không có nơi đậu xe nên ra đây đậu. Mức phí quá thấp (5.000 đồng/lượt) nên họ “đóng đô” cả ngày, hết tháng này qua tháng nọ” - ông Phước thông tin thêm.

Ba bãi đậu xe cao tầng

1. Bãi đậu xe năm tầng của Công ty Samco (326 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1) có sức chứa khoảng 450 ô tô.

2. Bãi đậu xe ở sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), chứa gần 2.000 ô tô và 6.000 xe máy.

3. Bãi đậu xe năm tầng của Công ty TNHH Cơ khí xây dựng thương mại Tiên Tiến (69-71 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có sức chứa 1.500 ô tô.

_______________________________

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong phạm vi bán kính 500 m quanh trụ sở UBND TP.HCM có 59 công trình cao tầng có 1-5 tầng hầm đỗ xe như tòa nhà Kumho Asiana Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Saigon Center...

Ngoài ra, còn có 46 công trình cao tầng có tầng hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn trên các đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... Ước tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho các tòa nhà thì có khoảng 20% diện tích (với khoảng 1.323 ô tô và 2.750 xe máy) cho đậu xe công cộng.

Tuy nhiên, giá giữ ô tô tại những nơi này khá cao, lại tính giá theo giờ. Chẳng hạn cao ốc Kumho Asiana Plaza (Lê Duẩn, quận 1) lấy giá 10.000 đồng/ô tô con trong ba giờ đầu, sau ba giờ thu thêm 100.000 đồng/xe. Nếu gửi qua đêm là 200.000 đồng/xe. Trong khi đó, bãi ở Saigon Center (góc Lê Lợi - Pasteur, quận 1) lấy giá 20.000 đồng/xe trong ba giờ đầu tiên. Mỗi giờ tiếp theo (trong sáu giờ đầu) là 20.000 đồng và mỗi giờ tiếp theo (sau sáu giờ đầu) là 40.000 đồng. Nếu gửi xe qua đêm giá 200.000 đồng/chiếc…

Theo Minh Phong

Pháp Luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên