MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Obamacare, TPP cùng "chết lâm sàng", di sản của Obama còn lại những gì?

05-03-2017 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Ông Obama có phải là một trong 10 tổng thống đáng nhớ đã thay đổi quốc gia? Hay ông cũng giống như nhiều người khác, đáng ngưỡng mộ nhưng không tạo ra sự thay đổi?

Một thập kỷ trước, ông Barack Obama có lẽ đã lên kế hoạch cho những di sản của mình khi trở thành tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Obama, khi đó còn là một thượng nghị sĩ, đã từng chia sẻ về hoài bão chính trị của mình.

Ông nói: “Suy nghĩ của tôi về việc làm tổng thống là bạn sẽ không chỉ muốn làm một tổng thống. Bạn sẽ muốn thay đổi cả đất nước. Bạn muốn có những đóng góp nổi trội. Bạn sẽ mong muốn trở thành một tổng thống vĩ đại.”

Khi nhớ về chuyến thăm Washington Hilton và đi dọc theo hành lang dài treo ảnh của các tổng thống Mỹ, ông chia sẻ: “Khi bạn đi dọc hành lang, và bạn nghĩ, những người này là ai? Có lẽ trong hơn 40 tổng thống, chỉ có khoảng 10 người là bạn có thể nói họ đã thực sự lãnh đạo đất nước? Và 30 người còn lại đã làm hết sức mình. Và vì vậy, tôi nghĩ chỉ làm tổng thống không phải là một suy nghĩ đúng đắn về vị trí tổng thống.”

Hai nhiệm kỳ đã kết thúc, Barack Obama liệu đã hoàn thành mục tiêu ông nhắc tới vào 10 năm trước? Và liệu ông Obama có cảm thấy mình đã làm được những gì mình nói trước đây? Ông Obama có phải là một trong 10 tổng thống đáng nhớ đã thay đổi quốc gia? Hay ông cũng giống như nhiều người khác, đáng ngưỡng mộ nhưng không tạo ra sự thay đổi?

Trong cuộc chạy đua cho vị trí ứng cử viên đại diện Đảng Dân Chủ năm 2008, để tấn công đối thủ, bà Hillary Clinton, ông từng phát biểu: “Ronald Reagan đã thay đổi quỹ đạo nước Mỹ theo phương hướng mà Richard Nixon không chọn và Bill Clinton cũng không”. Ông Obama mong muốn trở thành một Reagan dân chủ, một tổng thống không chỉ thay đổi chính sách, mà còn đề cao sự tồn tại của một xã hội đa dạng và tiến bộ.

Trong cuốn sách mới của nhà báo chính trị Jonathan Chait, ông cho rằng những thành tựu của ông Obama là rất quan trọng và sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Chait đã nói về những thành tựu nổi bật của ông Obama bao gồm biện pháp ông ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc ông thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Hợp túi tiền (Affordable Care Act), Hiệp định Paris về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cũng như nhiều thay đổi ít được ca ngợi khác trong các lĩnh vực giáo dục, quy chế tài chính và phân phối kinh tế.

Tuy nhiên, có vẻ như, luận điểm về tầm quan trọng của các thành tựu ông Obama đạt được khi tại nhiệm của ông Chait có sức thuyết phục lớn hơn nhiều so với dự đoán của ông về sức sống của những thành tựu này. Sau cuộc bỏ phiếu Quốc hội, đạo luật Obamacare gần như chắc chắn sẽ bị bãi bỏ.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, ông Obama từng phát biểu nếu Donald Trump đắc cử, tám năm cống hiến của ông đều sẽ là vô ích. Sau đó, trong một buổi phỏng vấn với David Remnick của tờ The New Yorker, ông cho biết mình đã hoàn thành 70-75% dự định ban đầu, “15% hoặc 20% trong số đó đã bị huỷ bỏ, nhưng nhiều thứ vẫn còn tồn tại”. Dù vậy, hiện nay, có vẻ như nhận định đầu tiên vẫn chính xác hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện nay xoay quanh vấn đề ông Obama đã đề cập khi so sánh cựu tổng thống Reagan và bà Hillary Clinton trước đây. Ông phát biểu: “Reagan lãnh đạo chúng ta theo một đường hướng khác hoàn toàn bởi đất nước chúng ta đã sẵn sàng”. Để được xem là đã thay đổi đất nước, một tổng thống cần nắm chắc thời cơ và tâm thế của quốc gia.

Với ông Obama, ông mong muốn đưa nước Mỹ trở thành biểu tượng của một quốc gia đa chủng tộc. Thay đổi về nhân khẩu học này có vai trò quan trọng, nhưng ông Obama có lẽ đã thực hiện quá sớm. Ở nước Mỹ hiện nay, dân số da trắng chiếm tới 62%; và phải sau hơn 30 năm nữa, bộ phận dân số thiểu số tại xứ cờ hoa mới có thể vươn lên chiếm số đông.

Theo luận điểm của ông Chait, các chính trị gia thuộc Đảng Cộng Hoà và các cử tri da trắng đã quay lưng phản đối những chính sách trước đây họ từng ủng hộ khi một người Mỹ gốc Phi đắc cử. Trước sự phản đối đậm tính phân biệt chủng tộc mà ông Obama phải đối mặt, thật khó để ông có thể đạt được nhiều thành tựu hơn dù là theo cách cứng rắn hơn hay mềm mỏng hơn.

Tuy vậy, với những ai coi ông Obama là một cầu nối chính trị, việc ông không thể tạo ra bất kỳ thành tựu lâu dài nào chắc hẳn là một sự thất vọng lớn. Niềm tin của ông về việc vượt qua ranh giới đảng phái được xem như một nguồn cảm hứng lớn, nhưng, ở một khía cạnh nào đó, lại khá ngây thơ.

10 năm trước, ông Obama từng phát biểu chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân sẽ là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ và ông lo lắng rằng việc thiếu hụt cơ hội kinh tế sẽ trở thành nhân tố gây ra phân cực chủng tộc. Và trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ tại Chicago, người ta có thể nhìn thấy rõ rệt sự nhất quán trong quan điểm và mục tiêu của ông.

Nhiều di sản của Barack Obama đang đứng trước nguy cơ biến mất, nhưng chắc chắn có một di sản sẽ không thể bị hủy bỏ: sự liêm chính, tài hùng biện và mức độ cam kết kiên trì.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên