MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OCB công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng gấp đôi cùng kỳ

05-07-2017 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Với mục tiêu bứt phá thành công, tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi nhuận trước thuế tăng 110 % so với cùng kỳ; đồng thời, các chỉ số an toàn vẫn được OCB đảm bảo theo quy định của NHNN.

Tiếp tục tăng tốc bứt phá

Sau 5 năm thực hiện cuộc “lột xác” tái cơ cấu để tạo dựng một nền tảng vững chắc, từ năm 2016 đến nay là giai đoạn bứt phá của OCB. OCB đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính với tốc độ tăng trưởng cao đạt Top 3; tỷ suất lợi nhuận gần 10%, thuộc Top 10; chất lượng tài sản tốt, thuộc Top 7 ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tiếp tục đà tăng tốc này, trong 6 tháng đầu năm 2017, OCB đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo báo cáo tài chính của nhà băng này tính đến 30/06/2017 cho thấy, tổng tài sản của OCB tăng trưởng 14% so với năm 2016, đạt 72.755 tỷ, (tăng 34,8% so với cùng kỳ); tổng dư nợ TT1 tăng trưởng 13,5% so với năm 2016 và gần 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 44.960 tỉ đồng; tổng huy động TT1 tăng hơn 11% so với năm 2016, và hơn 32% so với cùng kỳ, đạt hơn 51.300 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu giảm về mức 1,67% (bao gồm cả nợ VAMC là 2,61%); đặc biệt là lợi nhuận trước thuế đạt 494 tỉ đồng, cao hơn (+2%) lợi nhuận năm 2016, gấp đôi (2,1 lần) so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh khả quan của OCB trong 6 tháng đầu năm 2017 và đánh giá xếp hạng tín nhiệm từ Moody’s ở mức B2 (ổn định và sau mức dành cho Chính phủ) thể hiện sự gia tăng đáng kể sức mạnh nội lực của OCB. Trong nửa đầu năm, cùng với chính sách duy trì các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, OCB tiếp tục đặt trọng tâm vào việc trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng bằng cách tăng cường năng lực phục vụ khách hàng, phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro, tự động hóa các quy trình, dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng dịch vụ. Một số sản phẩm của ngân hàng đang được thị trường đón nhận tốt như: sản phẩm vay mua nhà, mua ô tô, vay kinh doanh...

Sẽ hoàn tất Basel II trong tháng 9

Không chỉ nỗ lực tăng tốc để liên tục nâng cao các chỉ số kinh doanh, liên tiếp trong vài năm, OCB chấp nhận giảm lợi nhuận để xây dựng lại hệ thống vận hành nội bộ, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro. Là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên áp dụng Basel II và triển khai rất quyết liệt, cuối năm 2016, OCB đã hoàn tất giai đoạn một của dự án phòng chống rửa tiền AML - nền tảng quan trọng cho việc triển khai thành công khung quản trị Basel II.

Tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR)…Với hạng mục cơ sở dữ liệu, ngân hàng đã tổ chức tốt công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn cũng như tương tác trực tiếp.

Về hạng mục vốn, OCB triển khai tính hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II từ rất sớm. Bên cạnh việc lên kế hoạch tăng vốn cổ đông, ngân hàng chủ động xây dựng chiến lược dài hạn cơ cấu tài sản tối ưu giữa mục tiêu kinh doanh và quản lý rủi ro.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB, cho biết: “Triển khai Basel II là một thách thức rất lớn không chỉ riêng đối với OCB mà cả các ngân hàng Việt Nam. Basel II không chỉ giúp OCB giảm tập trung các tài sản rủi ro cao, tăng khả năng sinh lời mà còn tính toán đủ vốn trong tương lai khi có thể lường trước mọi kịch bản có thể xảy ra, vì vậy, càng về đích sớm thì càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn tất triển khai Basel II trong quý III/2017.”

Hiện ngân hàng trong giai đoạn hoàn thiện những bước cuối cùng cho việc triển khai dự án Basel II trên toàn hệ thống, đồng thời, tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao các chỉ số kinh doanh trong những tháng tiếp theo. OCB đang từng bước thể hiện và khẳng định “tham vọng” của mình: nằm trong top những ngân hàng tốt nhất Việt Nam và là một người đồng hành đáng tin cậy trong các quyết định tài chính của người tiêu dùng.

A.D

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên