OCB lọt top 10 ngân hàng mạnh nhất tại Việt Nam trong bảng xếp hạng Asian Banker
The Asian Banker mới đây đã công bố Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được xếp thứ hạng cao trong 19 ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách này.
Được biết, Asian Banker 500 là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín trên thế giới căn cứ quá trình bình chọn chi tiết, minh bạch nhằm ghi nhận thành tích của các ngân hàng thương mại trên các tiêu chí: Quy mô tài sản của các ngân hàng so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Tăng trưởng bảng cân đối kế toán về các khoản cho vay và huy động tiền gửi ròng; Quản lý rủi ro; Khả năng sinh lợi và tính bền vững của lợi nhuận; Chất lượng và mức độ khả tín của khoản cho vay; Tính thanh khoản của tài sản khi xảy ra các tình huống bất lợi.
Theo đó, tình đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của OCB đạt 193.150 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Dựa trên báo cáo tài chính Quý 3/2022, riêng mảng Bán Lẻ (Retail Banking), huy động của khối Bán Lẻ tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; Dư nợ cho vay Bán Lẻ tăng 38%. Tổng số khách hàng tăng trưởng ấn tượng ở mức 55% so với 9 tháng năm 2021; Tỷ lệ tiền gửi thông qua kênh số OCB OMNI cũng tăng 178% so với cùng kỳ, số lượng giao dịch tăng hơn 200% so với năm 2021. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) luôn đảm bảo và đáp ứng theo quy định của NHNN.
Vị trí thứ hạng của 19 ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Đặc biệt, nằm trong danh sách những nhà băng tiên phong trong hoạt động quản trị rủi ro thị trường và thanh khoản, mới đây, OCB đã chính thức công bố hoàn thành triển khai và áp dụng quản lý rủi ro thanh khoản theo Basel III; chuẩn mực ILAAP của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và quản lý rủi ro thị trường theo phương pháp Mô hình nội bộ IMA (Basel II nâng cao).
Với chuẩn mực Basel III, OCB hướng đến việc tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn vốn, đệm thanh khoản và cải thiện năng lực quản lý rủi ro thanh khoản, đặc biệt thông qua hai chỉ số LCR và NSFR theo các quy định nghiêm ngặt nhất của Ủy ban Basel mà không nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang theo đuổi. Ngân hàng đã hoàn thành xây dựng công cụ tính toán hai tỷ lệ LCR, NSFR và ứng dụng kết quả tính toán trong định hướng điều hành hoạt động kinh doanh, cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững trong hồ sơ thanh khoản của ngân hàng. Hiện tại, tỷ lệ NSFR của OCB đạt trên 100%, đáp ứng yêu cầu của Basel và tương đương với các ngân hàng đang triển khai Basel III trên thế giới.
Bên cạnh đó, OCB cũng tiên phong triển khai Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản (ILAAP) với các nguyên tắc quản lý thanh khoản chặt chẽ được hướng dẫn bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Kết quả dự phóng tại OCB trong 3 năm tiếp theo cho thấy, nguồn dự trữ thanh khoản của ngân hàng luôn ổn định không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh trung dài hạn mà còn xử lý sự cố kể cả trong tình huống xấu nhất của thị trường, với tỷ lệ NSFR luôn đạt trên 100%.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng nhạy cảm và biến động, hoạt động nâng cấp và bổ sung chỉ tiêu VaR trong các chỉ tiêu đo lường định kỳ tại OCB cũng sẽ giúp ngân hàng theo dõi và quản lý rủi ro một cách toàn diện và đa chiều hơn. Hiện tại, OCB đã đáp ứng vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường theo phương pháp Mô hình nội bộ.
Tháng 9 vừa qua, OCB đã được Tổ chức Moody’s tăng mức tín nhiệm từ B1 lên Ba3 ở xếp hạng tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành dài hạn. Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn vẫn giữ ở mức Ba3, mức thuộc top cao trong các tổ chức tín dụng hiện nay.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tất cả các hoạt động kinh doanh, tăng quy mô tài sản, đặc biệt là quản lý rủi ro, việc được “xướng tên” trong Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm nay, chính là minh chứng rõ nét cho sự phát triển an toàn, bền vững và toàn diện của OCB.
Nhịp sống thị trường