MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OECD: Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công 17 nghìn tỷ USD sau Covid-19

25-05-2020 - 14:12 PM | Tài chính quốc tế

Ở các nước OECD, nợ công trung bình dự kiến sẽ tăng từ mức 109% GDP lên tới hơn 137% trong năm nay, khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khoản nợ tương đương mức hiện tại ở Italy.

Theo OECD, các nước giàu sẽ phải "gánh" ít nhất 17 triệu USD nợ công khi chống chọi với những tác động kinh tế mà Covid-19 gây ra, bởi các khoản thu từ thuế sụt giảm mạnh dự kiến sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế. Ở các nước OECD, nợ công trung bình dự kiến sẽ tăng từ mức 109% GDP lên tới hơn 137% trong năm nay, khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khoản nợ tương đương mức hiện tại ở Italy.

Khoản nợ gia tăng này sẽ tạo gánh nặng tối thiểu là 13 nghìn USD/người trong 1,3 tỷ dân ở các quốc gia thành viên OECD. Thậm chí, mức nợ có thể còn tăng cao hơn nữa nếu sự hồi phục của nền kinh tế từ đại dịch chậm chạp hơn dự đoán của nhiều nhà kinh tế.

Randall Kroszner – đến từ trường Kinh doanh Chicago Booth và cựu chủ tịch Fed, cho biết tình hình hiện tại làm dấy lên câu hỏi về tính bền vững của mức nợ công và tư nhân cao. Ông nói rằng: "Chúng ta phải đối mặt với một thực tế khó khăn, và sự hồi phục hình chữ V sẽ không diễn ra."

OECD: Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công 17 nghìn tỷ USD sau Covid-19 - Ảnh 1.

OECD cho biết nợ công của các quốc gia thành viên đã tăng 28 điểm phần trăm GDP trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, với tổng cộng là 17 nghìn tỷ USD. Tổ chức này dự đoán: "Năm 2020, tác động kinh tế của Covid-19 có thể còn tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính."

Theo OECD, dù nhiều chính phủ đã đưa ra những biện pháp kích thích tài khóa trong năm nay, từ mức 1% GDP ở Pháp và Tây Ban Nha cho đến 6% ở Mỹ, nhưng những nước này vẫn có thể đối mặt với sự gia tăng của nợ công bởi doanh thu từ thuế có xu hướng giảm nhanh hơn hoạt động kinh tế trong một cuộc suy thoái sâu sắc.

Một thập kỷ trước, tư duy kinh tế hiện đại cho rằng với mức hơn 90%, mức nợ của chính phủ sẽ trở nên không bền vững. Dù hầu hết các nhà kinh tế hiện nay không cho rằng giới hạn đó có tồn tại, thì nhiều ý kiến vẫn tin rằng việc cho phép nợ công tăng không ngừng nghỉ có thể sẽ khiến chi tiêu của khu vực tư nhân yếu đi và tạo lực cản cho đà tăng trưởng.

OECD: Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công 17 nghìn tỷ USD sau Covid-19 - Ảnh 2.

Angel Gurría – tổng thư ký OECD, đã cảnh báo rằng mức nợ tăng lên sẽ trở thành một vấn đề trong tương lai, dù ông cho biết các nước không nên lo lắng về tình hình tài chính hiện tại khi đang ở trong cuộc khủng hoảng. Ông nói: "Đôi cánh của chúng ta đang chịu áp lực bởi chúng ta cố gắng bay và đã mang theo khoản nợ rất lớn, trong khi giờ đây lại có thêm nợ."

Do đó, nhiều quốc gia khác sẽ phải đối mặt với môi trường kinh tế tương tự như những gì Nhật Bản đã trải qua khi "bong bóng tài chính" vỡ tung vào đầu những năm 1990. Lo ngại về nợ công và thâm hụt ngân sách đã trở thành một đặc điểm rõ ràng của nền kinh tế chính trị kể từ thời điểm đó, với khoản nợ cuối cùng đã ổn định ở mức 240% GDP dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Hiện tại, nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhật Bản đã gióng hồi chuông cảnh báo về những gói chi tiêu mới nhằm đối mặt với hậu quả của khủng hoảng Covid-19. Hiroaki Nakanishi – chủ tịch điều hành của Hitachi và đứng đầu tổ chức vận động hành lang lĩnh vực kinh doanh Keidanren, cho biết: "Chiến lược kinh tế của chúng tôi đã tiêu tốn một khoản tiền khá lớn và thật sự thì điều đó sẽ trở thành một vấn đề lớn về tài chính trong tương lai."

Việc các NHTW mua trái phiếu chính phủ có thể giúp giảm gánh nặng nợ bằng cách đảm bảo khu vực tư nhân không phải tiếp nhận tài sản công để hỗ trợ cho khoản thâm hụt ngân sách của chính phủ và còn giúp giảm chi phí lãi suất.

Tuy nhiên, gần đây, chia sẻ trên Financial Times, Willem Buiter – giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia, cho biết có những giới hạn đối với khoản thâm hụt mà chính phủ có thể sử dụng trong khi được các NHTW hỗ trợ mà không dẫn đến tình trạng lạm phát. Các chính phủ có thể trả nợ bằng cách tăng thuế hoặc giảm chi tiêu công, nhưng lại ít nhà hoạch định chính sách muốn thực hiện hướng đi này sau gần 1 thập kỷ chi tiêu công bị thắt chặt.

Một lần nữa, các nước OECD đã có được bài học từ Nhật Bản. Dù ông Abe nổi tiếng với những biện pháp kích thích kinh tế, nhưng đã có 2 lần thuế tiêu dùng tăng mạnh trong nhiệm kỳ của ông, từ 5% lên 8% và năm 2014 và sau đó là lên 10% vào năm ngoái. Cả 2 yếu tố này đã phần nào đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Adam Posen – trưởng Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đã nói với các nghị sĩ Anh trong tuần này điều quan trọng là họ phải tránh thực hiện những động thái tương tự. Ông cho biết: "Điều quan trọng là kiểm soát nền kinh tế để đà tăng trưởng diễn ra nhanh hơn tốc độ tăng lên của nợ."

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Tổ Quốc

Trở lên trên