OilPrice: Kỷ nguyên dầu giá rẻ đã "kết thúc vĩnh viễn", OPEC đang hụt hàng triệu thùng mỗi ngày và điều đó sẽ không thay đổi
Thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động do những ảnh hưởng địa chính trị lớn trong thời gian gần đây.
- 21-12-2022Trung Quốc hoàn thiện nhà máy thủy điện lớn thứ hai trên thế giới
- 21-12-2022Hậu World Cup: Không tham gia, không tài trợ nhưng quốc gia châu Á này vẫn thu về hàng chục triệu USD
- 21-12-2022Lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga: Kinh tế không sụp đổ, nhưng đây mới là hậu quả tồi tệ
Không đủ chỉ tiêu
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất của mình, OPEC tiết lộ một lần nữa rằng nhóm đã không sản xuất được nhiều dầu như đã cam kết trong lần cuối cùng thảo luận về sản lượng.
Đáng lưu ý, sự thiếu hụt không phải là vài nghìn thùng mà tới khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày. Quan trọng hơn cả, việc không đạt được mục tiêu của OPEC đã dần trở thành một điều "bình thường mới".
Trong khi đó, chính phủ liên bang Mỹ đang cần mua một ít dầu để bổ sung vào kho dự trữ xăng dầu chiến lược sau khi giải phóng gần 200 triệu thùng trong năm nay như một phương án chống lại lạm phát giá nhiên liệu. Tuy nhiên, các công ty khai thác dầu của Mỹ lại không vội vàng tăng sản lượng. Ngược lại, có vẻ như tăng trưởng sản xuất đã không còn là ưu tiên hàng đầu của các công ty này.
Tất nhiên, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng ảnh hưởng tới sản lượng dầu thế giới. Trên thực tế, theo tác giả bài viết tại OilPrice.com, các biện pháp trừng phạt dầu mỏ - dưới hình thức áp trần giá xuất khẩu hàng hải và cấm vận xuất khẩu sang EU - không có tác dụng đối với các lô hàng dầu mỏ rời khỏi Nga. Ít nhất là cho tới hiện tại.
Các ngân hàng đầu tư kỳ vọng giá dầu cao hơn, bất chấp sự sụt giảm gần đây do kỳ vọng về suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Các kỳ vọng phần lớn được dựa trên việc Trung Quốc có dấu hiệu đảo ngược chính sách Zero Covid. Nhưng các ngân hàng cũng có thể tính đến thực tế là dầu vẫn là một mặt hàng không thể thiếu. Và kỷ nguyên của dầu giá rẻ có thể sẽ kết thúc mãi mãi.
Ngân hàng Morgan Stanley thông báo trong tuần này: "Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về giá dầu do nhu cầu phục hồi (Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành hàng không phục hồi) trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do mức đầu tư thấp, rủi ro đối với nguồn cung của Nga, việc ngừng xả kho dầu dự trữ chiến lược và hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ chậm lại".
Nguồn cung giảm sút
Tuy nhiên, tình hình có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều đối với nguồn cung, như được nhắc tới trong một bài bình luận thị trường gần đây của Chủ tịch kiêm Giám đốc danh mục đầu tư của TortoiseEcoFin, Matt Sallee.
"Tồn kho dầu toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004, Bộ Năng lượng Mỹ đã giải phóng 200 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong năm nay, OPEC tiếp tục đấu tranh để sản xuất theo hạn ngạch đã nêu và các nhà sản xuất Mỹ cũng giúp tăng sản lượng nhưng đó là điều duy nhất họ có thể làm."
Đây là một mô tả khá ngắn gọn về tình hình cung cấp dầu mỏ toàn cầu. Nhưng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho tình hình thị trường hiện tại.
Ví dụ, OPEC không có động lực để tăng sản lượng. Nhóm này sẽ chỉ làm như vậy nếu biết chắc dầu sẽ duy trì trên 100 USD/thùng trong một thời gian dài hơn, nhưng không có cách nào để chắc chắn về điều đó trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, có những hạn chế đối với sản xuất của OPEC, bằng chứng là nhóm này thường xuyên không đạt được các mục tiêu sản xuất— mặc dù đã giảm—của chính mình. Hầu hết các thành viên OPEC đều có kế hoạch tăng trưởng sản lượng đầy tham vọng, nhưng họ vẫn giữ nguyên kế hoạch trong khi sản lượng thực tế vẫn thấp vì những lý do như cạn kiệt tài nguyên tại các mỏ lâu năm và cuối cùng là không đủ vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia, OPEC đã không sản xuất liên tục hơn 30 triệu thùng/ngày kể từ năm 2015-2018 khi họ cố tình làm như vậy trong nỗ lực "hạ gục" dầu đá phiến của Mỹ và ở một mức độ nào đó, họ đã có một số thành công tạm thời.
Đầu tư không đủ cũng đang trở thành một vấn đề đối với đá phiến của Mỹ, ít nhất là từ quan điểm của Nhà Trắng. Theo chính quyền ông Biden, tất cả những gì các nhà sản xuất Mỹ cần làm là chi nhiều hơn cho việc tăng cường sản xuất. Theo chính các nhà sản xuất Mỹ, triển vọng dài hạn đối với nhu cầu dầu không quá chắc chắn để đầu tư vào sản xuất nhiều hơn.
Vấn đề về các mỏ khai thác cũng khiến các chuyên gia đưa ra cảnh báo. Theo đó, các khu vực mỏ tốt nhất đã được khai thác, ngành cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động do nguồn tài chính hạn chế.
Sản lượng dầu của Mỹ khó có thể một lần nữa ghi nhận tốc độ tăng sản lượng hàng năm từ 1 triệu thùng/ngày trở lên như đã từng xảy ra trong thời gian gần đây. Các chuyên gia tin rằng tốc độ tăng trưởng từ 500.000 đến 750.000 thùng/ngày có nhiều khả năng hơn. Và đó không phải là tin tốt cho người tiêu dùng bởi vì nhu cầu, mặc dù là mục tiêu của chương trình chuyển đổi năng lượng, sẽ không sớm giảm xuống.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một trong những thành viên tích cực nhất của phong trào chuyển đổi năng lượng, trong Báo cáo Thị trường Dầu mới nhất đã điều chỉnh dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới do mức tiêu thụ tăng bất ngờ trong năm nay.
Rất có thể đây là một xu hướng bền vững trong trường hợp không có các lựa chọn thay thế khả thi cho các sản phẩm dầu mỏ. Và điều này có nghĩa là cung và cầu sẽ ở trạng thái cân bằng bấp bênh trong tương lai, liên tục ở bên bờ vực thiếu hụt hoặc thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng, nếu các quốc gia tiếp tục xoay trục sang năng lượng carbon thấp, vì điều đó buộc họ phải giảm sản lượng dầu của mình để đạt được mức carbon thấp như cam kết. Tất cả những điều này có nghĩa là kỷ nguyên của dầu thô giá rẻ có thể đã kết thúc vĩnh viễn.
Nhịp sống thị trường