MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Olympic Tokyo: Từ 'cục cưng' thành 'cục nợ' 20 tỷ USD của Nhật Bản

23-07-2021 - 18:19 PM | Tài chính quốc tế

Olympic Tokyo: Từ 'cục cưng' thành 'cục nợ' 20 tỷ USD của Nhật Bản

Gần 2/3 người dân Nhật phản đối Olympic Tokyo bởi tiền có thể kiếm lại, nhưng sức khỏe và mạng sống thì không.

Trong vài thập niên trở lại đây, nền kinh tế Nhật Bản đã phải vất vả đối phó với tình trạng giảm tốc, dân số lão hóa nhanh, giới trẻ không có việc làm và gánh nặng an sinh xã hội cho người già. Bởi vậy, việc tổ chức Olympic Tokyo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế, du lịch, tiêu dùng và việc làm cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trớ trêu thay, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã khiến giấc mơ này đổ vỡ. Giờ đây, người dân Nhật Bản chỉ muốn sự kiện này nhanh chóng chấm dứt, thậm chí không tổ chức được càng tốt dù đã đổ hàng chục tỷ USD đầu tư.

Olympic Tokyo: Từ cục cưng thành cục nợ 20 tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 1.

Khảo sát cho thấy 2/3 người dân Nhật Bản phản đối Olympic Tokyo

Tiền không quan trọng bằng mạng sống

Thế vận hội thể thao Olympic Tokyo sẽ được khai mạc vào tối nay theo giờ Việt Nam, thế nhưng những sân vận động và khu thi đấu được xây mới với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD tại Nhật Bản lại bị cấm khán giả.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tự tin tuyên bố rằng những biện pháp cấm khán giả như trên là nhằm ngăn chặn dịch bệnh, nhưng Olympic vẫn sẽ đem về lợi nhuận lớn từ tiền quảng cáo trên truyền hình.

Thế nhưng người dân Nhật Bản thì chẳng còn quan tâm đến sẽ thu được bao nhiêu tiền từ Olympic nữa. Việc tụ tập quá đông khiến đại dịch lây lan mới là điều mọi người lo ngại. Rất nhiều vận động viên đến tham dự Olympic lần này đã bị xét nghiệm dương tính và phải cách ly.

Theo hãng tin Fox, một trong những hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản là KNT-CT cho biết họ không thể cung cấp dịch vụ vì đại dịch. Vậy là mảng du lịch đáng ra phải được hưởng lợi nhiều nhất từ Olympic Tokyo thì lại phải đứng ngoài trong sự kiện tốn kém này.

Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng chịu thiệt hại khi dồn tiền đầu tư để rồi mất trắng vì sự kiện thể thao này. Bà Yoshiko Tobe, chủ một khu nghỉ dưỡng gần Asakusa-Tokyo đã đầu tư hơn 1 triệu USD để tân trang lại cơ sở năm 2019 nhằm đón tiếp làn sóng du khách cho Thế vận hội

Giờ đây, hy vọng về làn sóng du khách đến xem Olympic sẽ giúp bà hồi vốn đã tan vỡ, nhưng điều đáng ngạc nhiên là bản thân bà Tobe lại ủng hộ việc ngừng sự kiện hơn là tổ chức nó. Khảo sát của tờ Mainichi cho thấy 2/3 số người Nhật Bản không muốn tổ chức sự kiện thể thao này dù rất nhiều người đã đổ tiền đầu tư trước đó.

"Tốt hơn là chúng ta nên hủy bỏ Olympic, ít nhất thì chúng ta cũng có thể ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch bệnh", bà Tobe thừa nhận.

Rõ ràng, người Nhật hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe bởi tiền thì có thể kiếm lại được nhưng sức khỏe và mạng sống thì không.

Olympic Tokyo: Từ cục cưng thành cục nợ 20 tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 2.

Từ cục cưng hóa cục nợ

Trước đây, những nhà nghiên cứu dự đoán Thế vận hội có thể đem lại 2 tỷ USD nguồn thu nhờ hoạt động ăn uống, chi tiêu, du lịch của du khách. Thậm chí hàng tỷ USD cũng sẽ đổ về Nhật Bản sau đó nhờ làn sóng cổ động viên quảng bá cho du lịch, tiêu dùng tại xứ sở mặt trời mọc.

Tin tưởng vào nhận định này, cả chính phủ lẫn người dân đã đổ hàng tỷ USD đầu tư tân trang, xây dựng cơ sở hạ tầng để đón du khách. Thậm chí khi đại dịch diễn ra, Nhật Bản cũng tự tin tuyên bố sẽ khống chế dịch để tổ chức thành công Thế vận hồi trong mùa hè năm 2021.

Vậy nhưng chẳng có phép màu nào diễn ra như dự tính cả. Ngay trước khi Olympic khai mạc, biến thể Delta của dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu bao gồm cả thủ đô Tokyo. Thành phố này đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong thời gian gần đây.

Thậm chí đến ngày 19/7/2021, chỉ khoảng 22% dân cư thủ đô là đã tiêm vaccine và chính quyền Tokyo phải tiếp tục gia hạn lệnh giãn cách đến 22/8/2021.

Theo Fox, các ca dương tính đã xuất hiện hầu hết ở mọi nhóm người có liên quan đến Olympic, từ vận động viên cho đến huấn luyện viên hay các quan chức phòng chống dịch cho Thế vận hội. Ngay cả các phóng viên truyền thông cũng đã xuất hiện người nhiễm bệnh.

Thậm chí tại làng thể thao, nơi các vận động viên phải trải qua nhiều cuộc xét nghiệm và khử khuẩn cũng đã xuất hiện ca dương tính đầu tiên.

Dù số lượng vận động viên đến tham dự giải lần này đã giảm đến 2/3 nhưng vẫn có hơn 50.000 người nhập cảnh vào Nhật Bản, qua đó biến Olympic thành sự kiện tụ tập đông người nhất tại đây kể từ khi đại dịch bùng phát.

Việc chính quyền Tokyo vẫn tổ chức Olympic khiến nhiều người bất ngờ bởi theo khảo sát của đài truyền hình NHK, gần 2/3 người dân không muốn tiếp tục sự kiện thể thao này.

Thậm chí nhiều người còn cho rằng ban tổ chức cố tiến hành sự kiện vì để thu hồi vốn đầu tư. Khoảng 73% số tiền tài trợ ngân sách cho ban tổ chức Olympic Tokyo đến từ tiền bán quảng cáo và họ sẽ phải bồi thường nếu sự kiện này không diễn ra.

Ban đầu, Nhật Bản dành 15,4 tỷ USD ngân sách cho sự kiện này nhưng cơ quan kiểm toán nhà nước cho biết con số chi tiêu thực tế đã lên tới 20 tỷ USD. Số tiền này nhiều gấp 3 lần so với mức 7,4 tỷ USD dự kiến của Nhật Bản khi mới tham gia đấu thầu đăng cai Olympic với những nước khác.

Ngoài ra, các công ty Nhật Bản cũng đã đổ 3 tỷ USD tiền tài trợ cho sự kiện, con số cao nhất bởi các doanh nghiệp địa phương trong các kỳ Olympic.

Trong kịch bản xấu nhất mà các chuyên gia dự đoán, Nhật Bản có thể sẽ mất gần 1% GDP vì tốn tiền đầu tư nhưng thất thu cho Olympic.

Theo Băng Tâm

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên