MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ôm hận' mỹ phẩm online

02-01-2018 - 15:00 PM | Thị trường

Buôn bán, mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử đã trở thành xu hướng của xã hội. Trong thế giới ảo đó, không thiếu những chiêu trò lừa đảo khách hàng; còn người tiêu dùng ham rẻ lãnh trọn… quả lừa.

Hàng xịn, giá bèo

Tại website myphamchinhhang chuyên hàng xách tay có chi nhánh ở Hà Nội, TPHCM, chúng tôi tìm được rất nhiều mỹ phẩm hàng nhập ngoại nhưng giá chỉ dao động từ 45.000 đồng - 260.000 đồng. Chẳng hạn muối tắm trắng Abonne giá 45.000 đồng, bùn khoáng dưỡng trắng da 7 Princesses nhập khẩu giá chỉ 86.000 đồng, kem dưỡng trắng da Doleme Hàn Quốc giá 110.000 đồng, tắm trắng Charm Xanh 130.000 đồng…

Một số website mỹ phẩm khác như hangnhatnoidia; hangmy; shopdep… còn có chính sách giảm giá rất ưu đãi ở tất cả các mặt hàng, có những mặt hàng giảm tới hơn một nửa. Tại fanpage girlxinh chuyên về hàng giảm giá loại mỹ phẩm đều được giảm giá rất ưu đãi: kem trị mụn Youth Dew Gell – Cream giá gần 1,3 triệu đồng giảm xuống còn 499.000 đồng, bộ 5 sản phẩm Maybelline New York gồm má hồng, phấn phủ, kẻ mắt nước, macara, kem lót giá chỉ 165.000 đồng, hay bộ mỹ phẩm OHUI Hwa Hyun Special Gift Set Whoo 6 món trị giá 2.100.000 đồng giảm xuống 1.050.000 đồng… Gọi đến số zalo, người bán hàng cam kết: “Hàng chính hãng do người nhà mình ở nước ngoài gửi về. Rất nhiều người mua đều tin tưởng về sản phẩm”.

Tại một trang mạng trực tuyến địa chỉ tại TPHCM có giới thiệu một loại thuốc da toàn thân của Thái Lan với những câu mời chào rất “kêu”: thuốc uống trắng da toàn thân Gluta Plus giúp da trắng hồng từ bên trong; không cần tắm trắng hay thoa kem, bạn vẫn có làn da như mong ước; dùng 2-3 hộp thấy ngay kết quả; giá sản phẩm bảo đảm rẻ nhất thị trường kèm với hình ảnh livestream thu hút hàng ngàn người theo dõi. Chúng tôi gọi cho chủ cửa hàng theo số ghi trên website 098 775…, đầu dây bên kia niềm nở: “Sản phẩm chính hãng em nhé, em có thể chuyển tiền vào tài khoản trước, bọn chị sẽ chuyển hàng tới tận tay”.

Sập bẫy

Cầu cứu báo Tiền Phong, chị Trịnh Thị Hiền (ngụ quận Tân Bình) kể, mình bị lừa gần 40 triệu đồng tiền mua mỹ phẩm qua mạng. Theo đó, ngày 2/12/2017, chị Hiền liên lạc với facebook “kho buôn mỹ phẩm” và zalo Yến Yến để mua son 3CE Velvet Lip Tint, giá 215.000 đồng/cây. Người bán cam kết hàng thật từ Hàn Quốc, nếu khách chứng minh hàng giả sẽ được đền bù gấp đôi. Tin lời, Hiền đặt 50 cây son, tổng tiền gần 11 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản của người tên Yến. Ngày 5/12, Yến báo có lô hàng 500 cây son xách tay vừa về, chị Hiền chuyển tiếp hơn 32 triệu đồng để mua 150 cây son. Chị Hiền cho hay, đã chuyển toàn bộ số tiền gần 40 triệu đồng vào tài khoản 1930219035011 – Ngân hàng Techcombank do Nguyễn Đức Khánh ở Gia Lâm (Hà Nội) làm chủ. Sau khi nhận đủ tiền, Yến chặn số điện thoại, facebook của chị Hiền, đến nay “khổ chủ” này vẫn chưa nhận được hàng đã đặt mua.

Cũng với thủ đoạn trên, chị Ngụy Mỹ Linh (19 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cũng vào facebook Nguyễn Trang mua son 3CE Velvet Lip Tint giá 220.000 đồng/cây. Người bán xưng tên Trang, khẳng định sản phẩm là hàng thật nhập từ Hàn Quốc.

Để tạo lòng tin, Trang gửi cho chị Linh xem nhiều cuộc giao dịch online với các khách hàng khác. Sau đó, chị Linh chuyển tiền vào tài khoản 101004813190 – Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Gia Lâm – Hà Nội do Nguyễn Thị Trang đứng tên với số tiền gần 12 triệu đồng để mua son. Sau đó, cũng với chiêu thức có hàng mới vừa về, Trang dụ chị Linh mua thêm 47 cây son nữa cho tròn… trăm cây. Tin lời, chị Linh đã chuyển vào tài khoản của Trang với tổng số tiền 22 triệu đồng cho 100 cây son.

“Kiểm tra lại, tôi thấy có nhiều thông tin phản ánh người này bán mỹ phẩm giả. Tôi gọi lại họ vẫn khẳng định là hàng thật, nhưng sau đó họ chặn số điện thoại của tôi. Khi nhận được hàng, tôi yêu cầu người giao khui hàng để kiểm tra, quay phim làm bằng chứng. Quả thật lô mỹ phẩm mình đặt mua đều là hàng giả. Nhưng sau đó tôi không thể nào liên lạc được với người bán. Tôi cũng không biết họ ở đâu để đòi lại tiền” – chị Linh bức xúc.

Theo tìm hiểu, facebook Nguyễn Trang còn lừa bán mỹ phẩm giả cho nhiều sinh viên khác ở Hà Nội trị giá hàng triệu đồng.

Theo các nạn nhân, có thể nhận ra hai kẻ lừa đảo là Yến và Trang có địa chỉ khá gần nhau, thủ đoạn lừa cũng tương tự nhau nên có khả năng đây là băng nhóm. Chị Hiền đặt nghi vấn: “Khi tôi bảo gửi hàng thì Yến gửi mã vận đơn mà Trang đã cho Linh vào TPHCM. Vì thế chúng tôi nghi ngờ Yến và Trang có liên hệ với nhau. Mặt khác, chủ số tài khoản mà cả 2 dùng để chuyển tiền đều ở Gia Lâm – Hà Nội. Tiền tôi chuyển cho Yến cũng là của khách hàng, giờ tôi không biết phải làm sao”.

Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM nhận định, hành vi của những người bán hàng này là gian dối, bán hàng không đúng chất lượng, lấy tiền mà không giao hàng, đủ yếu tố để cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Người bị lừa cần gửi đơn ngay đến công an Hà Nội, ngân hàng nơi chuyển khoản yêu cầu cung cấp địa chỉ, nơi ở của tài khoản bán hàng. Sau đó có thể khởi kiện đối tượng theo quy định pháp luật” – bà Thu tư vấn.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên