Ôm hận vì 'mắc bẫy' quả lừa bán đất ngân hàng thanh lý
Rao bán đất ngân hàng thanh lý là chiêu thức mà các môi giới sử dụng từ lâu nhưng thời gian qua vẫn không ít người “mắc bẫy”.
Thị trường chững lại, nguồn cung khan hiếm khiến nhiều môi giới bất động sản lao đao vì không có thu nhập. Trong bối cảnh này, những chiêu thức lừa bán đất tinh vi lại được nhiều môi giới tung ra để câu kéo khách hàng. Trong đó, một trong những chiêu phổ biến nhất là lừa bán đất do ngân hàng thanh lý giá rẻ.
Mỗi khi đi trên đường, mọi người đều dễ dàng bắt gặp các nhân viên kinh doanh bất động sản đứng ở các điểm dừng đèn đỏ phát tờ rơi bán đất do ngân hàng thanh lý. Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng liên tục xuất hiện những bài quảng cáo bán đất do ngân hàng phát mãi với những lời giới thiệu hấp dẫn như “Ngân hàng thanh lý lô đất ở khu vực… với giá cực rẻ. Anh chị liên hệ ngay qua số điện thoại… để nhanh tay chớp lấy cơ hội”.
Những bài quảng cáo bán đất ngân hàng thanh lý xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội
Chiêu thức dễ nhận thấy nhất ở những bài quảng cáo này thường là bán đất nền ở các quận vùng ven như Quận 9, Quận Bình Tân, Thủ Đức, Huyện Bình Chánh, Củ Chi… Tuy nhiên, mức giá bán lại rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Giá bán chỉ bằng 1 nửa hoặc 1/3 so với thị trường mà theo giải thích của các nhân viên môi giới này là do đất ngân hàng thanh lý nên rẻ. Đây không phải là cách thức lừa đảo mới nhưng thời gian gần đây lại tiếp tục rộ lên do thị trường khan hiếm nguồn cung. Nhiều môi giới đã áp dụng cách này hòng lừa khách mua phải những lô đất vướng quy hoạch, đất bị làm giả sổ đỏ hoặc đất nông nghiệp ở những khu vực xa TP.HCM.
Anh Trần Tấn N. (ngụ Quận Tân Bình) là một trong những khách hàng đã mắc phải chiêu lừa như trên của các môi giới. Anh N. kể lại, vào một ngày giữa tháng 10 khi đang lướt Facebook thì anh N. vô tình nhìn thấy một bài quảng cáo đất ngân hàng Vietcombank thanh lý với giá rẻ ở quận 12 với giá dao động từ 500-700 triệu/1 nền khoảng 90m2. Từng nghe một người bạn kể rằng may mắn hốt được vố lãi đậm khi mua đất do ngân hàng thanh lý, anh N. vội vàng liên lạc với số điện thoại trên để chớp lấy cơ hội trúng mánh.
Tiếp anh N. là một nhân viên nữ với lời giới thiệu nhanh nhảu chèo kéo: “Lô đất này hiếm lắm mới có anh ạ. Bọn em phải canh mãi, chờ lúc ngân hàng họ bung ra là mua lại số lượng lớn nên mới có giá này để bán lại. Chứ anh thấy đất ở Quận 12 giờ đã trên 2 tỷ 1 nền cả rồi. Nếu anh tin tưởng thì ngày mai đúng 8 giờ anh có mặt tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh gần nhất, em sẽ làm thủ tục cho anh đặt cọc ngay tại ngân hàng luôn”.
Nhiều người ôm hận vì mắc bẫy quả lừa bán đất ngân hàng thanh lý |
Khi anh N. yêu cầu dẫn đi xem đất trước thì môi giới trên lại sắp xếp một cuộc hẹn ở quán cà phê để nói rõ hơn về dự án đang bán. Sau khi gặp mặt, anh N. cố gắng gặng hỏi thông tin về những lô đất mình sắp mua thì môi giới này chỉ lòng vòng diễn thuyết về những khoản lợi nhuận hấp dẫn của khách hàng khi mua đất ngân hàng thanh lý. Đồng thời người này liên tục trình cho anh N. xem danh sách một loạt dài 4-5 trang về các khách hàng đã mua đất để tăng thêm sự tin tưởng. |
Sau một hồi bị nhân viên này quay như chong chóng, anh N. đã định rút ra 30 triệu đặt cọc để mua 2 lô đất với giá 500 triệu cho lô 90m2 và 700 triệu cho lô 120m2 ở phường Thạnh Xuân và phường Thới An. Tuy nhiên, để chắc chắn thì anh N. yêu cầu nhân viên này dắt đi xem đất. Sau khi không thuyết phục thành công khách đặt cọc, nhân viên trên đã dẫn anh N. đi lòng vòng khắp quận 12 rồi dắt ra tận một khu vực sâu xa ở huyện Củ Chi. Quá bức xúc vì bài quảng cáo ghi rõ là đất thanh lý ở Quận 12 nhưng cuối cùng lại bị dắt ra tận Củ Chi, anh N. ôm cục tức quay về.
Trường hợp của anh N. may mắn không bị rơi vào “ma hồn trận” của nhân viên sale và rút lui kịp thời. Nhưng theo chia sẻ của anh N. thì đã có rất nhiều trường hợp mắc bẫy. Sau khi mua phải những lô đất đó, nhiều người không thể bán được do đất nằm ở khu vực sâu và ngập nước vào mùa mưa, hoặc đất nằm trong dự án “ma” do một công ty nào đó tự vẽ lên. Một số khác là đất của dân nhưng các nhân viên này tự nhận là đất của gia đình mình rồi lừa giao dịch bằng sổ đỏ giả.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định khi thanh lý tài sản, các ngân hàng thường phải đăng tải thông tin trên website và các phương tiện truyền thông chứ không sử dụng hình thức phát tờ rơi dọc đường, dán cột điện hoặc thông qua cò đất. Do đó có thể khẳng định, thông tin trên tờ rơi, tin nhắn rao bán đất là tài sản thanh lý của ngân hàng đều là mạo danh và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Các cò đất hoặc công ty môi giới sử dụng chiêu này để dễ dụ được người mua hơn. Họ đánh vào tâm lý của khách hàng như dùng từ “thanh lý” giá rẻ.
Thực tế đây chỉ là kỹ thuật quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng. Bằng thuật ngữ tài sản ngân hàng thanh lý, người môi giới nhà đất đánh vào tâm lý người dân rằng, cái gì thanh lý đều có giá rẻ và có ngân hàng đứng đằng sau thì sẽ an tâm hơn. Trên thực tế, đa phần nền đất này đều ở xa, thuộc loại kén người mua hoặc là miếng đất lớn, nay được phân lô, tách thửa để đẩy hàng nhanh hơn. Do đó, Khách hàng cần cẩn trọng với các thông tin dưới dạng này, xem xét tính pháp như như đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa, có thế chấp hay không, có bị vướng quy hoạch hay không….
“Làm gì có chuyện đất ngân hàng thanh lý mà rao bán rầm rộ như bán rau. Năm nay thị trường khó khăn nên môi giới sẽ có rất nhiều chiêu để chiêu dụ khách hàng. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng hết mức với những bài quảng cáo đất đai giá rẻ hơn nhiều lần so với thực tế thị trường”, Luật sư Cường nhận định.
Vietnamnet