Ốm nặng một trận, giúp tôi nhận ra ai "bạn", ai "bè": Sự thật đôi khi quá bẽ bàng!
Không cần có quá nhiều bạn, ít thôi, nhưng chân thành với nhau là đủ. Tôi đã thấm thía câu này khi lâm trọng bệnh.
Dưới đây là lời tâm sự của một anh chàng 28 tuổi, làm giám đốc trong một công ty tài chính:
Tôi đột nhiên xét nghiệm ra mình bị mắc bệnh ung thư gan.
Những người bạn mà tôi cho là "bạn tốt" lúc trước, ngay cả đứng ở cửa cũng không dám tới. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của tôi đều bị đảo lộn. Tôi gọi điện nói, tôi bị ung thư gan rồi. Câu đầu tiên họ đáp lại tôi không phải là "Cậu có ổn không?", mà là "Thế bệnh đó có lây truyền cho tôi không?"
Từ khi làm đến chức giám đốc, bạn bè trong danh bạ tôi chợt trở nên đầy ắp, bạn thời đi học, bạn hàng xóm, bạn cùng phòng, bạn công ty, bạn làm ăn,... Tôi đều chấp nhận hết tất cả lời mời kết bạn của họ.
Mỗi khi tan sở hay lễ tết, họ cũng thường đến nhà tôi chơi, ăn nhậu, tụ tập, nói chung nói chuyện với nhau rất hợp, cũng rất vui vẻ. Nhưng giờ đây tôi thực sự tuyệt vọng. Người nhà vì tôi tất bật gom tiền chạy chữa. Còn họ, xa lánh cứ như tôi là người mắc bệnh truyền nhiễm.
Một hôm, có một người bạn đến thăm tôi, tôi thực sự rất vui mừng. Vì anh ta cũng là người tôi thân thiết và giúp đỡ nhiều nhất. Nhưng hóa ra tôi đã lầm, sau khi đến thăm và gọt hoa quả cho tôi ăn, anh ta nói vòng vo một hồi rồi hỏi tôi xem có thể để con trai anh ta vào công ty tôi làm hay không?
Quá đáng hơn nữa là: "Con trai tớ tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế bên Anh đấy, nên cậu có thể sai nó thay thế vị trí hiện tại của cậu cũng được, còn cậu có thể yên tâm dưỡng bệnh được rồi,..." Anh ta nói nhiều lắm, nhưng tôi không thể nghe nổi nữa rồi.
Tôi nói tôi mệt, bảo anh ta về trước, và tôi đã được thấy vẻ mặt xấu xí nhất mà trước giờ anh ta chưa từng lộ ra trước mặt tôi. Hơn nữa, tôi còn thấy anh ta xuống bồn rửa tay công cộng dưới lầu chà rửa rất nhiều lần, như thể tôi là thứ đồ dơ bẩn gì đó không bằng.
Thực ra, bệnh ung thư gan không thuộc nhóm bệnh gây lây nhiễm, căn bệnh này không hề lây qua đường ăn uống và tiếp xúc.
Thỉnh thoảng, cũng vẫn có người gọi điện cho tôi, nhưng là để hỏi mượn tiền, nhờ vả hoặc hỏi khéo xem bệnh tôi có chữa khỏi được không.
Người bên cạnh tôi, chỉ còn lại gia đình.
Cho đến một ngày, khi tôi mới vừa tỉnh giấc sau một đêm dài mệt mỏi, liền nhìn thấy một người xa lạ nhưng cũng rất quen thuộc. Người bạn đã từng rất thân thiết với tôi thời cấp ba. Hiện tại cậu ấy chưa có gia đình, và vẫn đang lập nghiệp ở Mỹ. Nghe nói, cậu ấy thông qua một người bạn biết được tin tôi bệnh nặng nên đã vội về thăm.
Thực ra, tôi và cậu ấy không hề cãi nhau, chỉ là lớn dần rồi, môi trường sống khác nhau lại cách xa, những cuộc gặp mặt và trò chuyện ngày càng ít, mối quan hệ cũng dần nhạt. Tôi đã sớm quên cậu ấy là ai rồi. Nhưng không ngờ, người thực tâm bỏ công việc còn dang dở và thật lòng đến thăm tôi lại là cậu ấy.
Chỉ những câu hỏi thăm bình thường, chỉ vài câu đơn giản kể về cuộc sống hiện tại, cậu ấy thật sự khiến tôi cảm thấy thẹn và cảm động. Tôi cứ nghĩ chuyện thế này chỉ có trên phim, không ngờ tôi lại được trải nghiệm rồi.
Bạn đương nhiên dễ kiếm, nhưng bạn tốt thì rất khó tìm. Tôi đã lầm, nhưng tôi sẽ cố gắng thay đổi.
Thế nên mọi người hãy nhớ trân trọng những người từng giúp đỡ và bên cạnh mình những lúc khó khăn, vì họ, mới thực sự là những người bạn đúng nghĩa.
Trí thức trẻ