Ôm trăm triệu USD đau đớn chết bất ngờ, đại gia nổi nhanh lụi sớm
Rầm rộ khai trương rồi âm thầm đóng cửa, nhiều chuỗi kinh doanh ẩm thực lụi tàn trong bối cảnh cuộc cạnh tranh của ngành này ngày càng khốc liệt.
- 22-10-2019Tỷ phú Masayoshi Son: Softbank thu về lợi nhuận tốt từ các khoản đầu tư tại Việt Nam
- 19-10-2019"Ông lớn" Singapore hợp tác với Tập đoàn T&T đầu tư trung tâm logistics tại Vĩnh Phúc
Những cái chết bất ngờ
Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, nhận hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, có thời điểm ông chủ của chuỗi Món Huế là một trong những cái tên hấp dẫn nhất trên thị trường chuỗi nhà hàng.
Tháng 4/2015, Huy Việt Nam, chủ thương hiệu Món Huế đã gọi vốn thành công serie C với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Khoản tiền này được rót từ quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý. Thời điểm đó, doanh nghiệp này sở hữu 70 cửa hàng trong hệ thống chuỗi của mình. Sau nửa năm nhận vốn đầu tư, con số này là 90.
Người đứng đầu Huy Việt Nam, ông Huy Nhật, là một cái tên khá nổi tiếng trong giới kinh doanh nhà hàng. Có hơn 20 năm kinh nghiệm lĩnh vực F&B, ông Huy Nhật đã thành công ở Trung Quốc với chuỗi nhà hàng Huy Long Viên.
Món Huế bất ngờ đóng cửa toàn bộ hệ thống trên toàn quốc
Lựa chọn các vị trí mặt phố, trung tâm thương mại, Món Huế mở rộng thị trường từ TP.HCM ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, Món Huế đã không đi được xa hơn khi mới đây loạt cửa hàng này dừng hoạt động, doanh nghiệp bị tố nợ lương, chậm thanh toán cho các nhà cung cấp, cùng với khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng mỗi năm trong 2 năm gần nhất...
Trước đó, hệ thống trà sữa Ten Ren cũng phát đi thông báo về việc sẽ ngưng hoạt động trong vòng 1 tháng tới, tức từ ngày 15/8. Toàn bộ nhân sự và đối tác của hệ thống Ten Ren sẽ được tạo điều kiện để chuyển đổi và sáp nhập vào hệ thống The Coffee House.
Theo thông báo của Ten Ren, lý do chuỗi cửa hàng trà sữa này đóng cửa là do là mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng, đồng thời chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Trước đó, chuỗi cửa hàng The KAfe liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác. Đến tháng 8/2016, The KAfe bị tố cáo chây ì, không chịu thanh toán khoản nợ lên tới hàng tỷ đồng cho một công ty thực phẩm. Và đến tháng 10/2016, Đào Chi Anh không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của KAfe Group. Doanh nghiệp chuyển thành 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 10/2015, start-up của Đào Chi Anh từng huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông, trong đó bao gồm nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments
Liên tiếp sau đó là sự mở rộng phạm vi kinh doanh của 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box, với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên mọi chuyện không hề suôn sẻ khi người tiêu dùng bắt đầu quay lưng do thực đơn của quán không quá đặc sắc, trong khi có nhiều lựa chọn khác xuất hiện trên thị trường.
Hay như Tonkin, chuỗi cà phê ở Hà Nội cũng đã đóng cửa hàng loạt với nghi án nợ nần. Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà và Cà phê Bắc Bộ - chủ sở hữu thương hiệu và chuỗi cà phê Tonkin Coffee - được thành lập năm 1997. Công ty này có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trong đó bà Nga làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nắm giữ 80% cổ phần và ông Bùi Ngọc Hà, Phó giám đốc (chồng bà Nga) nắm 20% cổ phần còn lại.
Rời bỏ cuộc chơi
Nhìn vào ngành kinh doanh ăn uống ẩm thực, chuỗi nhà hàng luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là bởi hiện nay, 99% nhà hàng ở Việt Nam là mở theo dạng riêng lẻ, ít theo dạng chuỗi. Quanh đi quẩn lại, thị trường chỉ một vài tên tuổi tự phát triển nhà hàng theo mô hình này (không kể nhà hàng nhượng quyền).
Theo một thống kê về ngành F&B của Việt Nam, xét ở khu vực dịch vụ ăn uống, nước ta có trên 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 nhà hàng cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bài bản.
Đầu tư triệu đô, cái chết bất ngờ: Kinh doanh chuỗi khó |
Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm một hệ thống cà phê, thừa nhận kinh doanh chuỗi cà phê không hề dễ. Theo đó, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thức uống mới, xu hướng thiết kế mới vì thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh.
Việc quản trị phải thực hiện sát sao, từng chi tiết để đảm bảo chất lượng phục vụ, thức uống đồng nhất ở tất cả các cửa hàng. TP.HCM được đánh giá là nơi đông dân cư, nhưng có một thực tế là lượng khách hàng mới vẫn ít hơn so với nguồn cung chuỗi cửa hàng cà phê hiện nay.
Ông Lý Quí Trung, nhà đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, trong một quyển tự truyện của mình đã chia sẻ: “Khi bành trướng hệ thống một cách nhanh chóng như vậy, chúng tôi phải đối mặt với một thử thách vô cùng to lớn, đó là làm thế nào để giữ được chất lượng cho đồng bộ. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Tuy đã tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa tất cả các quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng thiếu xót vẫn cứ xảy ra. Thử thách tiếp theo là "bộ máy quản trị của công ty đột nhiên phải nở phình ra để gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ do mình tự biên tự diễn".
Để nhận được vốn đầu tư, chủ nhân start-up thường "gật đầu" chấp nhận các chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra, mà không để ý đến tính khả thi. Kết quả là họ phải gồng mình lên để cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu.
Các chuyên gia khuyến cáo, phát triển hệ thống kinh doanh chuỗi không nên làm theo phong trào, mà cần có sự phân tích kỹ càng mọi vấn đề và làm ăn bài bản để tạo ra sự khác biệt trong tâm trí khách hàng nhằm cạnh tranh bền vững với hệ thống của nước ngoài. Bởi hệ thống chuỗi có thể suy sụp rất nhanh do hiệu ứng dây chuyền.
Kinh doanh chuỗi không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đường trải hoa hồng chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài.
Vietnamnet