MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Andy Ho: Cơ hội trên thế giới không có nhiều nên Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn

Khá thận trọng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động của đồng USD, song ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng so sánh với các nước Đông Nam Á, cơ hội đầu tư ở Việt Nam vẫn hấp dẫn.

Bên lề hành lang Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VIEF 2018) chuyên đề thị trường vốn - tài chính, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital đã trả lời phỏng vấn NDH về góc nhìn thị trường chứng khoán thời gian tới và giải pháp để doanh nghiệp có thể huy động vốn.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2018?

Ông Andy Ho: Thị trường nửa đầu năm biến động mạnh. 3 tháng đầu chứng khoán tăng nhiều nhưng 3 tháng tiếp theo xóa sạch khoản lợi nhuận đó. Hiện tại, thị trường vẫn dưới mức 1.000 điểm.

Thị trường quốc tế có nhiều thách thức: lãi suất tăng, đồng USD mạnh lên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela khiến nhà đầu tư thoái vốn từ nhóm phát triển.

Tất cả những điều này gây ảnh hưởng đến Việt Nam. Vì USD mạnh, giá trị của tiền đồng giảm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền và chuyển sang Mỹ. Lãi suất Mỹ tăng khiến lãi suất Việt Nam tăng. Tối qua, trái phiếu 2 năm lên 4,4%/năm. Nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các tài sản an toàn này thay vì cổ phiếu.

Trong khi đó, chiến tranh thương mại không mang lại lợi ích cho ai khi khiến các nước nâng rào cản, gây khó khăn cho xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm, những vấn đề này vẫn chưa thể kết thúc. Tháng 11, Mỹ cũng tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ, tạo ra thay đổi khiến kinh tế chậm lại và USD yếu đi. Khi đó, Việt Nam sẽ có lợi.

Lạm phát cũng cao, nếu lên 4-6%, thúc đẩy Chính phủ tăng lãi suất và tăng khả năng nợ xấu vì người vay không đủ tiền để trả.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một số dấu hiệu tích cực. Lợi nhuận mạnh, trung bình 20%, sẽ đẩy thị trường lên.

Ông Andy Ho: Cơ hội trên thế giới không có nhiều nên Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn - Ảnh 1.

Ông Andy Ho

Góc nhìn của ông về năm 2019 như thế nào? Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài còn thấy Việt Nam hấp dẫn không?

- Tôi hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng 15-20%. Việt Nam vẫn hấp dẫn vì kinh tế tăng trưởng tốt, tiền tệ ổn định, dự trữ USD tương đối lớn. Quan trọng là nhà nước muốn làm gì, còn yếu tố kinh tế không ảnh hưởng. Cơ hội như vậy trên thế giới không nhiều nên Việt Nam vẫn là nơi nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia. So sánh với các nước Đông Nam Á, cơ hội đầu tư ở đây vẫn mạnh.

Ông có lo ngại về việc tiền đồng giảm giá ảnh hưởng đến lợi nhuận của các quỹ, vậy ông đánh giá thế nào về tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm?

- Tôi không rõ vì Việt Nam có một số điểm mạnh. NHNN Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn, hơn 60 tỷ USD, để bảo vệ giá trị của tiền đồng. Câu hỏi đặt ra là VND có nên mất giá không? Những nước láng giềng như Philippines, Indonesia hay Thái Lan làm mất giá đồng nội tệ để làm hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn. Vì vậy, nếu không giảm giá trị, chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu giảm giá tiền đồng, những người vay bằng ngoại tệ sẽ khó trả nợ và thúc đẩy lạm phát. Việc này có cả lợi và hại nên Chính phủ phải cân bằng và đưa ra quyết định. Là nhà đầu tư, chúng tôi muốn tiền đồng ổn định, có thể giảm một chút nhưng phải ổn định.

- "Khẩu vị" của VinaCapital có thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra?

- Có thể chúng tôi sẽ thay đổi một ít. Hiện tại trong danh mục chúng tôi đầu tư nhiều vào ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, chúng tôi phần lớn tập trung vào mảng tiêu dùng của nền kinh tế như trường học, ngân hàng, F&B, bệnh viện. Và các doanh nghiệp có ban lãnh đạo có thể tin tưởng được để đầu tư.

Ông Andy Ho: Cơ hội trên thế giới không có nhiều nên Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn - Ảnh 2.

Ông Andy Ho. (Nguồn: Deal Street Asia)

- Nhiều doanh nghiệp "than" gặp khó khăn để tiếp cận vốn. Ông nghĩ nguyên nhân ở đây là gì?

- Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh, 6-7%/năm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thấy cơ hội để đầu tư cũng như bán sản phẩm và dịch vụ. Nhu cầu về vốn để phát triển rất cao trong khi cung lại hạn chế, dẫn đến nhận xét huy động vốn khó.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cái gì cũng có giá của nó. Khi doanh nghiệp có thể trình bày rủi ro thấp, họ có thể đến ngân hàng để vay với một mức lãi suất hợp lý.

Đối với quỹ đầu tư, nhu cầu đầu tư vào doanh nghiệp rất cao. Mặc dù vậy, chúng tôi tìm doanh nghiệp có cơ hội tốt, ban điều hành có thể tin tưởng được thì sẽ đầu tư. Chúng tôi cũng mong thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư vì chúng tôi cũng quản lý tiền của người khác, những người muốn lợi nhuận xứng đáng với rủi ro.

- Theo ông, điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn là gì?

- Tôi không nhận xét đây là điểm yếu hay điểm mạnh. Mỗi doanh nghiệp có rủi ro riêng. Ví dụ ban điều hành yếu, doanh nghiệp cần nâng cấp ban điều hành. Báo cáo tài chính không mình bạch, doanh nghiệp cần làm rõ. Mọi doanh nghiệp đều đi qua giai đoạn này và phải biết cách làm, thuê nhà tư vấn giúp công ty để có thể huy động vốn dễ dàng.

- Các quỹ đầu tư như VinaCapital có gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp không?

- Theo kinh nghiệm của tôi từ 2004 đến bây giờ, cơ hội rất nhiều. Ví dụ năm 2017, chúng tôi ngiên cứu hơn 100 công ty tư nhân nhưng cuối cùng chỉ đầu tư dưới 5. Tôi không thấy khó khi tìm cơ hội đầu tư, quan trọng là chất lượng doanh nghiệp có đáp ứng tiêu chuẩn hay không.

VinaCapital cũng không có chiến lược thâu tóm mà chỉ định đầu tư vốn. Vì vậy, chúng tôi muốn dựa vào ban điều hành để phát triển công ty do đó ban điều hành phải bày tỏ họ có khả năng phát triển công ty đó, và chúng tôi mong muốn doanh nghiệp niêm yết để quỹ có cơ hội bán cổ phần lấy lại vốn trả cho nhà đầu tư.

Ông nói là không khó để tìm cơ hội. Tuy nhiên vừa qua, VinaCapital rất nổi tiếng với thương vụ "chia tay" Ba Huân sau một thời gian ngắn ngủi. Bài học quỹ rút ra là gì và chiến lược đầu tư vào doanh nghiệp có thay đổi không?

- Thứ nhất, chiến lược đầu tư không thay đổi, vẫn rót khoảng 20-50 triệu USD vào doanh nghiệp tư nhân giúp họ phát triển. Như đã nói, chúng tôi muốn tìm doanh nghiệp trong ngành phát triển tốt và ban điều hành có thể tin tưởng được giống như An Cường, Vinamilk, Hòa Phát...

Chúng tôi đầu tư vào gần 200 công ty và lần nào cũng rút ra kinh nghiệm. Thương vụ nào cũng có khó khăn, đầu tư không dễ nên quỹ mong có lợi nhuận tương đương rủi ro. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp này, tôi hy vọng nhà đầu tư khác, khi nhìn vào kinh tế Việt Nam, sẽ không đánh giá rủi ro cao quá.

Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt muốn gọi vốn bền vững?

- Tôi có rất nhiều lời khuyên. Tóm lại, doanh nghiệp nên thuê nhà tư vấn kinh nghiệm, thuê luật sư để làm việc với nhà đầu tư nước ngoài. Làm việc với nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp cần đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần thay đổi nhiều về cơ cấu hoạt động, ban điều hành vì mình huy động vốn bên ngoài họ có yêu cầu của họ.

Hội thảo hôm nay nói nhiều về huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Theo ông, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là gì?

- Quan trọng nhất là sản phẩm phải có thanh khoản. Nhà đầu tư mua trái phiếu hay cổ phiếu đều mong muốn 5-15 năm sau có thể thoái vốn. Luật pháp liên quan đến sản phẩm phải rõ ràng, áp dụng cho tất cả. Báo cáo tài chính phải minh bạch và nên có bản tiếng Anh cho nhà đầu tư nước ngoài.

- VinaCapital đầu tư vào Zone Startups Việt Nam (chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp). Ông nghĩ thế nào về các công ty khởi nghiệp?

- Chúng tôi rất thích nhóm này. Chúng tôi thu lợi nhuận lớn từ nhiều công ty khởi nghiệp thành công. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư.

Yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công là công nghệ, giải pháp, phần mềm hay ứng dụng do công ty phát triển phải giải quyết được một vấn đề nào đó. Nhiều dự án tạo ra một công nghệ không để giải bài toán nào nên không thể phát triển. Điều thứ 2 là tìm được những người muốn cống hiến, làm việc 100h/tuần vì đó là đứa con tinh thần của họ.

Đây là những gì chúng tôi đang tìm kiếm - những người có khát khao và ý tưởng tốt.

Xin cảm ơn ông.

Theo Lâm Ngọc

Người đồng hành

Trở lên trên