MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Andy Ho: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ do các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt

Ông Andy Ho: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ do các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt

Trong bối cảnh lãi suất thấp được duy trì tiếp tục như hiện nay, chứng khoán và bất động sản vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và đem lại lợi nhuận hấp dẫn...

Trả lời phỏng vấn VnEconomy về dự báo trong 6 tháng cuối năm 2021, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital nhận định rằng: "Trong bối cảnh lãi suất thấp được duy trì tiếp tục như hiện nay, đầu tư chứng khoán và bất động sản vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và đem lại lợi nhuận hấp dẫn. Lạm phát tại Việt Nam sẽ được chính phủ kiểm soát tốt trong năm 2021 và rủi ro tăng lãi suất sẽ không cao. Trong bối cảnh lạm phát không nhiều, cùng với nhu cầu kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, mức lãi suất trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ duy trì ở mức thấp".

Sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời điểm cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 bất chấp diễn biến khó lường của Covid-19 được lý giải do làn sóng của các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (hay còn gọi là các nhà đầu tư F0). Ông có đồng tình với nhận định này không?

VN-Index đã tăng 15% trong năm 2020 và tăng hơn 27% tính từ đầu năm 2021 đến ngày 30/06/2021, đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực Châu Á.

Theo chúng tôi, lý do của sự tăng trưởng ấn tượng này đến từ thành công trong phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 (+2,9%) và quý 1/2021 (+4,48%), tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

VN-Index đã tăng 15% trong năm 2020 và tăng hơn 27% tính từ đầu năm 2021 đến ngày 30/06/2021, đưa Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực Châu Á.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chứng kiến sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư mới trong nước vào thị trường chứng khoán gần đây với giá trị giao dịch của sàn HOSE đã vượt 30.000 tỷ VND/ngày. Đây là một kỷ lục về giá trị giao dịch của sàn HOSE từ lúc thành lập đến hiện nay.

Tính riêng trong tháng 5 đã có 114.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, và luỹ kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam có hơn 480.000 tài khoản mở mới, số liệu này cao hơn 20% số lượng tài khoản chứng khoán được mở trong cả năm 2020. Hiện tại Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán đang giao dịch trong đó có 3,2 triệu tài khoản là của nhà đầu tư trong nước (chiếm gần 3% dân số của Việt Nam).

Với những số liệu trên, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ được dẫn dắt bởi quyết định mua bán của các nhà đầu tư trong nước và vẫn sẽ diễn biến tích cực cho đến cuối năm với niềm tin rằng Chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát và giữ lãi suất ở mức như hiện tại.

Theo ông, việc có nhiều nhà đầu tư F0 ồ ạt tham gia thị trường chứng khoán liệu có phải do các kênh đầu tư khác kém hiệu quả hay do "lòng tham chiến thắng nỗi sợ"?

Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0 vào thị trường chứng khoán là xu hướng chung trên toàn cầu trong hơn 1 năm qua, không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong bối cảnh lãi suất thấp, các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền gửi tiết kiệm để đầu tư vào các tài sản khác, trong đó có chứng khoán niêm yết để đa dạng hóa danh mục và tăng khả năng sinh lợi.

Nhìn chung, nếu lãi suất tăng, thị trường chứng khoán sẽ bớt sôi động hơn và dòng tiền chảy vào ngân hàng sẽ nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy dòng tiền đã ở chiều ngược lại trong 12 tháng vừa qua khi lãi suất giảm.

Các nhà đầu tư F0 chưa từng chứng kiến sự “khủng hoảng” của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008 và kéo dài mãi nhiều năm sau. Nguyên nhân cũng xuất phát từ sự tăng trưởng “bong bóng” của thị trường. Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhất là các nhà đầu tư F0 không?

Các nhà đầu tư F0 thường có ít thông tin và kinh nghiệm hơn so với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Hơn nữa, tại Việt Nam cũng như ở hầu hết các quốc gia và thị trường trên thế giới, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường là các đối tượng gặp nhiều thách thức và dễ tổn thương hơn khi thị trường diễn biến xấu.

Với nguyên tắc đầu tư “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”, chúng tôi cho rằng sự đa dạng hóa danh mục đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau vẫn ưu tiên hàng đầu. Đối với các nhà đầu tư không chuyên, chúng tôi khuyến nghị nên đầu tư vào các quỹ mở, ETFs cổ phiếu và trái phiếu được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, uy tín vì sẽ có mức độ an toàn cao hơn, giảm thiểu rủi ro.

Hiện nay, VinaCapital cung cấp đầy đủ và đa dạng các sản phẩm đầu tư nêu trên, phù hợp với tất cả các nhà đầu tư, cụ thể như Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF), Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ sáng VinaCapital (VIBF), Quỹ Đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), Quỹ ETF VinaCapital VN100...

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông thấy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua có thật sự là tăng trưởng bền vững?

VN-Index đã tăng trưởng hơn 27% từ đầu năm. Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng này hoàn toàn có cơ sở hợp lý và được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE.

Cụ thể, trong quý 1 tổng lợi nhuận của các công ty trong VN-Index tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Trong cả năm 2021, chúng tôi dự báo tổng lợi nhuận của VN-Index sẽ tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng lợi nhuận này, VN-Index hiện tại đang được giao dịch hợp lý tại mức PE 2021 là 17x, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (18,5x), Thái Lan (19,4x) và Phllippines (19x). Chúng tôi kỳ vọng rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục bứt phá để đạt đến mức định giá trung bình trong khu vực.

Đi kèm với các cơ hội là rủi ro. Nhận định của ông về cơ hội cũng như rủi ro của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2021?

Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi và trái phiếu giảm đã dẫn đến việc người dân có tiền tiết kiệm phải tìm kiếm và chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản và chứng khoán. Giá trị của các tài sản này đã tăng lên đáng kể vì dòng tiền tương lai của chúng được định giá dựa trên mức chiết khấu thấp hơn.

Trong bối cảnh lãi suất thấp được duy trì tiếp tục như hiện nay, đầu tư chứng khoán và bất động sản vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và đem lại lợi nhuận hấp dẫn.

Chúng tôi dự báo rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn sẽ được chính phủ kiểm soát tốt trong năm 2021 và rủi ro tăng lãi suất sẽ không cao trong bối cảnh lạm phát không nhiều cùng với nhu cầu kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, tôi cho rằng mức lãi suất trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ duy trì ở mức thấp.

Trong thời gian dài vừa qua, sàn HOSE liên tục gặp sự cố nghẽn lệnh gây bức xúc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này được đổ lỗi cho hệ thống quá tải bởi lượng lớn nhà đầu tư F0. Theo ông đây có phải là nguyên nhân chính? VinaCapital có bị ảnh hưởng gì bởi sự cố nghẽn lệnh của thị trường không?

Tính thanh khoản luôn là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, dù là nhà đầu tư ngoại hay nhà đầu tư trong nước. Số tài khoản mở mới kỷ lục mỗi tháng và lượng tài khoản giao dịch đều cho thấy đây là nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn hệ thống.

Việc gia tăng số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường là yếu tố tích cực giúp thị trường phát triển hơn cả về chiều sâu và chiều rộng. Đây là vấn đề về kỹ thuật, lạc quan mà nói thì là vấn đề tích cực. Vấn đề này có thể giải quyết được, tương tự như cách mà các sàn giao dịch khác trong khu vực Châu Á trong giai đoạn mới hình thành đã gặp phải.

VinaCapital có tầm nhìn dài hạn hơn đối với các hoạt động đầu tư của quỹ, chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi vấn đề này và có thể thực hiện các khoản đầu tư của mình ở những phiên giao dịch tiếp theo.

Hoạt động đầu tư của các quỹ do VinaCapital quản lý đến thời điểm này như thế nào? Ông có thể cho biết danh mục đầu tư của Vina Capital đang nắm giữ hiện tại?

Quỹ VOF, cũng như các quỹ khác thuộc sự quản lý của VinaCapital đã có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Chúng tôi hy vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm nay, danh mục cổ phiếu niêm yết của Quỹ VOF đã đạt mức tăng trưởng ròng lên mức trên 40% trong khi VN-Index chỉ tăng trên 22%. Các quỹ khác do VinaCapital quản lý như VESAF và VEOF cũng tăng tương ứng trên 38% và 34%.

Chúng tôi cho rằng thị trường từ nay đến cuối năm sẽ có những biến động nhất định, một số nhà đầu tư sẽ có động thái chốt lời, đồng thời cũng sẽ có những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong dài hạn, chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là rất khả quan và hấp dẫn.

Hiện tại danh mục của chúng tôi vẫn đang tập trung nắm giữ cổ phiếu của các công ty tăng trưởng tốt như HPG, KDH, ACB, PNJ... Gần đây nhất, chúng tôi đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng vào công ty Đất Xanh Services (DXS) đến từ nhận định nhóm ngành bất động sản và dịch vụ bất động sản sẽ phục hồi tích cực và hưởng lợi trong thời gian tới do Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công và hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, và ban hành các chính sách để tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản, giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung của thị trường.

Theo Minh Tú

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên