Ông Biden tìm cách lập "đường dây nóng" với Trung Quốc nhưng chưa rõ Bắc Kinh có mặn mà hay không
Chính quyền Biden đang xem xét khả năng thiết lập đường dây nóng khẩn cấp với Trung Quốc, tương tự như cái gọi là "điện thoại đỏ" mà Mỹ và Liên Xô đã thiết lập trong chiến tranh lạnh.
Trong quá khứ, đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin là cách thức ngăn chặn chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Với Trung Quốc, mục đích mà Chính quyền Biden muốn lập đường dây nóng nhằm làm giảm nguy cơ xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một nguồn thạo tin cho hay.
Với đường dây nóng này, Tổng thống Joe Biden hoặc các quan chức hàng đầu trong bộ máy an ninh quốc gia của ông có thể liên lạc ngay lập tức với phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc các quan chức an ninh hàng đầu của nước này. Các thông tin này được mã hóa để bảo mật. Các thông tin được trao đổi bao gồm những hoạt động quân sự đột ngột hoặc các thông điệp về những vụ tấn công mạng.
Ý tưởng này có từ thời Tổng thống Barack Obaba nhưng nó chưa thực sự được định nghĩa cụ thể cho tới năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Hiện tại, Chính quyền Biden đang tiếp tục theo đuổi ý tưởng này nhưng vẫn còn nhiều thông tin cần làm rõ, bao gồm việc người Trung Quốc có đồng ý thiết lập đường dây nóng này hay không.
Các quan chức và cựu quan chức Mỹ nói rằng từng có những vấn đề trong việc thiết lập phương thức liên lạc nhanh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ và Washington có một đường dây nóng nhưng nó chỉ được sử dụng cho những vấn đề quân sự "hiếm khi xảy ra".
Những vấn đề hiện tại cùng việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng ảnh hưởng quân sự khiến các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về "những tính toán sai lầm". Chính vì vậy, họ cho rằng cần tăng cường giao tiếp ở cấp lãnh đạo để có thể ngăn chặn những sự cố bất ngờ leo thang thành xung đột quy mô lớn giữa 2 quốc gia.
"Có một sự thiếu hụt đáng lo ngại về các công cụ quản lý sự cố trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Việc Chính phủ Mỹ theo đuổi các đường dây liên lạc khẩn cấp cho phép họ đối phó hoặc ngăn chặn khủng hoảng là điều khá cấp thiết. Chúng tôi cần một tổng đài 911 cho tình huống như vậy", Danny Russel, cựu trợ lý thư ký tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Một quan chức cấp cao của Chính quyền Biden, người từ chối trả lời câu hỏi về đường dây nóng, nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nên được diễn ra một cách "có trách nhiệm". Điều quan trọng nhất là đảm bảo cuộc cạnh tranh này không được phép trở thành xung đột giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc.
Trong khi đó, một nguồn tin khác của CNN cho biết phía Mỹ đang nghiên cứu cơ chế hoạt động của thiết bị này về mặt kỹ thuật. Bước tiếp theo, họ sẽ xây dựng khái niệm tổng thể trước khi đưa nó vào chương trình hoạt động của Chính quyền Biden trước khi được trao đổi với Trung Quốc. Nó cần được cả hai bên chấp nhận trước khi có thể được triển khai.
Trong quá khứ, cái gọi là "điện thoại đỏ" đã giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn khủng hoảng giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ hoài nghi về công cụ của nó trong mối quan hệ với Trung Quốc nói riêng và các mối quan hệ khác ở thời điểm hiện tại.