Ông bố kể chuyện con học cấp 1 được IELTS 6.0 gây tranh cãi
'Nếu là giỏi tự nhiên và sẵn sàng bỏ ra 5 triệu để biết trình độ con ở đâu thì không sao. Nhưng nếu là lao theo các lớp luyện thi để cố thi được ngần đó điểm với một đứa trẻ 11 tuổi thì là rất có vấn đề', một ý kiến nói.
- 27-04-2023Đã tìm thấy lớp "nhà người ta" trong truyền thuyết: 100% HS được 10 điểm ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT, điểm IELTS trung bình 7.5
- 27-04-2023Nữ sinh chia sẻ kinh nghiệm đạt IELTS 8.0
- 18-04-2023Ngôi trường chuyên nức tiếng "đất học" Nghệ An: Tỷ lệ chọi đầu vào lên đến 1/10, hơn 50% học sinh được miễn thi tiếng Anh nhờ sở hữu IELTS cao
Mới đây, một ông bố ở Hà Nội đã gây tranh cãi khi chia sẻ chuyện học tập của con mình. Cụ thể, trên nhóm mạng xã hội, anh này bày tỏ lòng biết ơn vì vợ đã tận tâm kèm cặp con học hành trong khi mình bận rộn, ít có thời gian cho con: "Một ngày thình lình mình nhận ra hai con chơi đàn hay quá và thình lình con gái 11 tuổi được 6.0 IELTS... Tôi mong các ông bố đừng thờ ơ như tôi, đừng phản đối khi 'nóc nhà' đầu tư giáo dục cho con kẻo lại đến lúc ngỡ ngàng bật ngửa như tôi nhé", anh viết.
Dưới bài đăng, bên cạnh những lời chúc mừng anh này có người vợ quan tâm đến giáo dục, con cái sớm đạt những thành tích đạt nể là không ít những ý kiến bất đồng, phản đối. Một số người chú ý đến chi tiết "con gái 11 tuổi được 6.0 IELTS" mà anh này khoe: "Nhiều người đọc được bài này sẽ có hiểu lầm rằng việc một đứa trẻ 11 tuổi được 6.0 IELTS là điều gì đó vô cùng đáng ngưỡng mộ. Bài thi IELTS là bài thi Tiếng Anh học thuật với những nội dung dành cho người trưởng thành, Những câu hỏi trong đề bài nói và viết hỏi về quan điểm của cá nhân đối với những vấn đề xã hội đòi hỏi vốn sống và kinh nghiệm phong phú. Nó không phải là bài thi dành cho người dưới 16 tuổi.
Nếu là giỏi tự nhiên và sẵn sàng bỏ ra 5 triệu để biết trình độ con ở đâu thì không sao. Nhưng nếu là lao theo các lớp luyện thi để cố thi được ngần đó điểm với một đứa trẻ 11 tuổi thì là rất có vấn đề đó", một ý kiến nói.
Một số khác lại cho rằng, mục đích của phụ huynh này chỉ nhằm "cảnh tỉnh" những ông bố đang có phần thờ ơ khi giáo dục con cái, hoặc đẩy hết trách nhiệm cho người vợ chứ không nhằm "khoe" điểm IELTS. Và cũng có thể, con gái anh không hề luyện thi IELTS sớm, chỉ là có khả năng tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ để xem năng lực hiện tại của mình đang ở đâu.
Trên thực tế, sự lo lắng của nhiều phụ huynh về việc cho con vào "lò luyện IELTS" sớm không phải là không có cơ sở. Vài năm gần đây nhiều trường có chính sách tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có điểm IELTS cao từ cấp THCS, THPT cho tới đại học. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ cho con đi ôn luyện từ rất sớm mà quên đi rằng, IELTS chỉ là một trong nhiều chứng chỉ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh. Nó không phải là chìa khóa vạn năng. Bên cạnh đó, việc luyện chứng chỉ này quá sớm, từ cấp tiểu học cũng gây ra nhiều hệ lụy khác.
Luyện IELTS sớm - lợi ít hại nhiều
Theo chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm, không nên cho trẻ luyện IELTS từ sớm do tuổi nhỏ các em cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đấy là lý do trong môn Language art, Creative writing (viết sáng tạo, viết tự do) luôn được dạy trước khi dạy Academic writing (viết hàn lâm).
"Cái hại mà là tổn thương suốt đời của nhóm trẻ bị ép đọc viết hàn lâm quá sớm là việc suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc viết. Nội động lực không còn, chỉ còn ngoại động lực là thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ bên ngoài (outside validation) vốn là những thứ không bền. Trẻ dễ gặp vấn đề tâm lý như trầm cảm hơn khi dựa quá nhiều vào các ngoại động lực.
Các chủ đề trong các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với format, còn các khảo sát đều chỉ ra là trẻ không có, hoặc rất ít cảm xúc với cái mình viết. Lâu dần, năng lực nắm bắt tâm lý khán giả khi giao tiếp trong đời thật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá quen với viết theo dạng đề mà không để tâm đến cảm xúc, đối tượng cần giao tiếp. Luyện IELTS cũng là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế nên đừng thần thánh hóa quá chức năng thực tế của thang đo này", ông nói.
Là một người đã học và thi IELTS Academic, hiện đang làm việc tại một trung tâm tiếng Anh, chị Nguyễn Thảo (Hải Dương) cho rằng, bài thi IELTS tập trung vào rất nhiều vấn đề đời sống, xã hội hoặc học thuật mà học sinh tiểu học hoặc đầu THCS chưa đủ kiến thức và hiểu biết để thấu hiểu được.
Ví dụ: Trong bài thi đề cập đến các vấn đề như: Các nhà khoa học đang tìm cách làm sống lại loài voi Ma Mút đã tuyệt chủng từ lâu; lý giải tại sao sự thiếu trật tự trong các công ty lại thúc đẩy năng suất lao động. Hoặc trong bài Writing, thí sinh phải biết cách mô tả các biểu đồ tăng giảm dân số, tăng giảm sinh viên đại học... Hoặc thí sinh đưa ra ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm: tăng giá xăng dầu, nhiên liệu là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường...
Nhìn chung, các kiến thức này là quá sức với các em. Việc để các em ôn thi và thi các bài kiểm tra này chẳng khác nào cho học sinh tiểu học luyện thi đại học cả. Không phủ nhận việc có nhiều em có kỹ năng tiếng Anh rất tốt và hoàn toàn có thể thi được IELTS điểm cao. Nhưng điểm số các em đạt được lúc này chủ yếu là học các kỹ thuật, các tips làm bài thi chứ không hẳn là có hiểu biết và có tư duy về vấn đề nêu trong kỳ thi.
Theo chị Thảo, cha mẹ muốn tạo ra lợi thế tốt hơn cho con mình trong tương lai nên định hướng cho con dùng tiếng Anh là 1 công cụ để học kiến thức và kỹ năng.
Các con tuổi còn nhỏ thì có thể dùng tiếng Anh để mở rộng kiến thức trên lớp. Giả sử các con học về vòng đời của mưa hay chuyện thụ phấn ở hoa, thay vì chỉ đọc sách tiếng Việt và nghe cô giáo giảng, các con có thể dùng tiếng Anh để đọc thêm và tìm hiểu sâu về các kiến thức này. Các tài liệu bằng tiếng Anh có rất nhiều nguồn miêu tả sinh động và dễ hiểu.
Phụ nữ Việt Nam