Ông chủ dự án nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay vừa có năm kinh doanh 'bết bát' nhất từ trước đến nay, lỗ lũy kế 'ăn mòn' 3/4 vốn công ty
Ông chủ dự án nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay vừa có năm kinh doanh 'bết bát' nhất từ trước đến nay, lỗ lũy kế 'ăn mòn' 3/4 vốn công ty
Công ty cổ phần bất động sản du lịch Ninh Vân Bay là công ty bất động sản du lịch, chuyên về đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Việt Nam và khu vực.
Ninh Vân Bay tạo ra các sản phẩm cao cấp chất lượng 5 sao, nổi bật nhất là dự án Six Sense Ninh Vân Bay Khánh Hòa được khởi công từ năm 2002 và chính thức hoạt động từ cuối năm 2005. Dự án có 58 biệt thự cao cấp, từ Beach-pool villas, top-hill villas hay rock-villas với nhiều vẻ đẹp riêng và được đánh giá là một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất tại Việt Nam. Năm 2016, khu nghỉ dưỡng này đón tiếp 31.830 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 54,91%, doanh thu 220 tỷ đồng và lợi nhuận gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ninh Vân Bay còn có khu nghỉ dưỡng Emeralda Ninh Bình Resort & Spa. Dự án này có tổng diện tích đất 16,2ha, bao gồm 2 khu riêng biệt là khu nghỉ mát và khu dịch vụ giải trí. Dự án được xây dựng vào tháng 11/2008, được đưa vào khai thác một phần từ tháng 6/2011 và khai thác toàn bộ từ tháng 5/2013. Năm 2017, doanh thu từ dự án khoảng 84 tỷ đồng.
Nắm trong tay các dự án nghỉ dưỡng cao cấp với kết quả kinh doanh cao, nhưng bản thân Ninh Vân Bay lại kinh doanh ngày càng bết bát. Doanh thu của công ty gần như không tăng trưởng, chỉ trong khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm và lợi nhuận thất thường, khi lãi khi lỗ. Đáng chú ý, năm 2017 vừa qua Ninh Vân Bay báo lỗ tới 440 tỷ đồng.
Ninh Vân Bay cho biết, trong năm 2017, công ty tiếp tục đứng trước những khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là những hạng mục đầu tư không đạt hiệu quả, các khoản nợ phát hành trái phiếu đáo hạn trong năm và yêu cầu trích lập các khoản phải thu khói đòi đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.
Ninh Vân Bay cũng lý giải nguyên nhân khiến công ty thua lỗ nặng nề trong năm vừa qua. Theo đó, Ninh Vân Bay đã chuyển nhượng toàn bộ giá trị khoản đầu tư tại Công ty Hai Dung và công nợ phải thu về cho vay và lãi vay phải thu với Công ty du lịch Tân Phú, đồng thời chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP TM&DV Danh Việt với tổng giá trị chuyển nhượng 265 tỷ đồng. Toàn bộ số lỗ từ các giao dịch chuyển nhượng này đã được ghi nhận vào báo cáo tài chính 2017. Việc bán lỗ nhằm lấy tiền tất toán nghĩa vụ thanh toán của khoản trái phiếu đến hạn trả trong tháng 11/2017 với số nợ gốc là 230 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh bết bát trong bối cảnh các khu nghỉ dưỡng vẫn hoạt động tốt, đại hội cổ đông của Ninh Vân Bay đã diễn ra không mấy suôn sẻ. Tại đại hội, một cổ đông Ninh Vân Bay đã đề nghị thêm vào tờ trình nội dung: "Trong bất kỳ trường hợp nào công ty không bán dự án Six Senses Ninh Vân Bay" để phòng ngừa rủi ro với tài sản của công ty. Nội dung này đã được thông qua ngay lập tức, nhưng đây chỉ là 1 trong 3 nội dung được thông qua tại đại hội, còn lại có tới 9 nội dung không được thông qua.
Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Ninh Vân Bay là 690 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ công ty là 905 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế đã ăn mòn 3/4 vốn của công ty. Giá trị tài sản của công ty chỉ còn 535 tỷ đồng so với mức hơn 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Ninh Vân Bay thuộc nhóm "trà đá", với mức giá chỉ khoảng 4.500 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, Ninh Vân Bay dự kiến đạt doanh thu 245 tỷ đồng và có lãi trở lại khoảng 35 tỷ đồng.
Trí thức trẻ