MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ đứng sau chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh: Khủng hoảng là cơ hội để bật lên, nên có bao nhiêu tiền chúng tôi 'tất tay' mang ra đầu tư hết!

22-01-2021 - 10:15 AM | Doanh nghiệp

Ông chủ đứng sau chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh: Khủng hoảng là cơ hội để bật lên, nên có bao nhiêu tiền chúng tôi 'tất tay' mang ra đầu tư hết!

Những kinh nghiệm trong quá khứ mà AA Corporation từng trải qua cho thấy, sau khủng hoảng là thời cơ tốt để doanh nghiệp bật lên nếu dám dũng cảm ‘tất tay’ trước đó. Thế nên, bên cạnh việc rốt ráo sáng tạo những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, AA mang hết tiền đang có ra đầu tư mở rộng nhà xưởng cũng như tìm kiếm cơ hội M&A.

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch AA Corporation đã có nhiều chia sẻ đáng ngạc nhiên trong một sự kiện gần đây do Endeavor Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, những kinh nghiệm của ông thì các startup thật khó mà học theo, vì họ không có cả hai thứ mà ông Nguyễn Quốc Khanh và AA đang có: kinh nghiệm thương trường dày dạn và tiềm lực tài chính vững mạnh.

AA thành lập năm 1993, tức cho tới thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Khanh đếm sơ sơ đã trải qua thời đại SARS, dịch cúm gia cầm và vài cuộc đại suy thoái kinh thế thế giới; thế nên, trước Covid-19, ông mới có thể có thái độ "khi có bất cứ khủng hoảng nào xảy ra, hãy luôn lạc quan, làm tất cả những gì có thể, còn nhiều khi người tính không bằng trời tính".

Hơn nữa, trong khi hầu hết doanh nghiệp chọn hoạt động cầm chừng và thu hẹp sản xuất, thì AA Corporation vẫn có một năm khá tưng bừng: mở rộng quy mô sản xuất lên 3 lần, đưa AKA Furniture Group về dưới trướng, thành lập AA Interior Thailand, ra mắt các thương hiệu cao cấp mới như là Adamos – George Bensley – AVA Creations hay ArtA… AKA Furniture Group – chuyên về bán lẻ nội thất với các thương hiệu như Nhà Xinh, Boconcept, Calligaris, Bellavita Luxury vốn được thành lập bởi ông Nguyễn Quốc Khanh.

Hiện AA Corporation có khoảng 3.000 công nhân viên, với 13 công ty đang hoạt động ở 7 quốc gia là Myanmar, Campuchia, Bhutan, Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan; xuất khẩu sản phẩm nội thất ra 40 quốc gia trên khắp thế giới.

"AA Corporation là tập đoàn chuyên về trang trí nội thất – sản xuất bàn ghế, hoạt động trong lĩnh vực truyền thống ít ứng dụng công nghệ. Chúng tôi quản lý khoảng 3.000 cán bộ công nhân viên, chủ yếu là thành phần ‘cổ cồn xanh’.

Trong đó, có 6 công ty chuyên thi công lắp đặt nội thất cho các khách sạn khắp châu Á và thế giới. 80% đến 90% khách hàng của chúng tôi là các nhà đầu tư của các khách sạn 4 đến 5 sao.

Nên khi Covid-19 bùng nổ, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngành lữ hành bị ‘chết lâm sàng’, kéo theo các khách sạn đóng cửa, khiến hầu hết công trình của chúng tôi đều phải tạm thời ngừng lại. Chúng tôi quả thật không ngờ đến một ngày mình lâm vào cảnh: chẳng có việc gì để làm.

Hơn nữa, với đặc thù ngành nghề, những người thợ thủ công giỏi là ‘báu vật’ của doanh nghiệp, kể cả khi họ không có việc để làm chúng tôi vẫn phải trả lương cao. Do, nếu họ nghỉ thì kiếm người khác có trình độ tương đương sẽ rất khó khăn", ông Nguyễn Quốc Khanh hồi tưởng tình cảnh của AA trong những ngày đầu đối mặt cùng đại dịch.

Ông chủ đứng sau chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh: Khủng hoảng là cơ hội để bật lên, nên có bao nhiêu tiền chúng tôi tất tay mang ra đầu tư hết!  - Ảnh 1.

Phòng họp tích hợp nhiều công nghệ MIT BOX của AA Corporation.

Tất nhiên, như mọi doanh nghiệp khác, trước diễn biến bệnh dịch và thị trường ngày càng tệ hại, AA Corporation cũng phải tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp để tìm cách gỡ rối.

Chủ yếu, ban lãnh đạo của doanh nghiệp này phải trả lời cho 3 câu hỏi chính sau.

Đầu tiên: Hành động của chúng ta trong ngắn hạn, bao gồm các câu hỏi như "trong ngắn hạn phải làm gì ngay lập tức để tồn tại"?, "Nếu mình không có thêm nguồn thu nữa sẽ trụ lại bao lâu?", "Nếu không thể thi công các khách sạn 4 đến 5 sao, có thể thi công những công trình ít sao hơn hay làm cái khác?".

Thứ hai: Trong dài hạn chúng ta phải làm gì? Tất nhiên, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn không mâu thuẫn với nhau. Cuối cùng: Cơ hội của chúng ta ở đâu?

Về ngắn hạn: AA Corporation có 2 hành động, ra mắt thương hiệu Adamos – chuyên về văn phòng điện tử và ‘tất tay’ đầu tư để phục vụ nhu cầu nội thất trong nhà đang lên ở 2 thị trường quan trọng là châu Âu và Bắc Mỹ.

"Adamos là thương hiệu về phòng họp hiện đại tích hợp rất nhiều công nghệ có sẵn của thế giới. Tất nhiên, sản phẩm này AA không tự làm mà hợp tác với một công ty công nghệ để cùng thực hiện. Với phòng họp tích hợp của AA, không quan tâm bạn dùng sản phẩm công nghệ nào với thương hiệu nào, bạn cũng có thể dễ dàng đấu nối với các máy móc trong phòng họp. Và chỉ cần set-up máy móc trong phòng 5 phút với đường truyền rõ ràng để bắt đầu cuộc họp. VNG chính là một trong những khách hàng đầu tiên của chúng tôi, họ đã mua 2 MIT BOX", Chủ tịch AA kể.

Trong năm 2019 - 2020, AA đã mở rộng sản xuất gấp 3 lần những năm trước. Còn bao nhiêu tiền, doanh nghiệp này đã mang ra tiêu hết! Lý do: có một vấn đề đầy ngạc nhiên là đồ nội thất nhà ở tại châu Âu và châu Mỹ có nhu cầu tăng vọt trong suốt đại dịch. Thế nên, hiện tại, cả hai thị trường này không còn đủ hàng để bán cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, nguồn cung tương ứng trước đó của họ không còn do vấn đề ‘chiến tranh thương mại’ và Covid-19; mọi còn mắt đang đổ dồn vào Việt Nam. Cụ thể: các doanh nghiệp FDI đang săn hàng ráo riết ở thị trường Việt Nam, hiện đang có rất nhiều đơn hàng dành cho các công ty nội thất Việt.

"Những năm 1997, 1998 đến 2000, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, AA lúc đó có 13 dự án và rút lại chỉ còn 3 cái. Tại thời điểm đó, AA đang chuẩn bị khai trương thêm xưởng sản xuất và chúng tôi đã vay mượn nhiều tiền để xây dựng nhà xưởng mới đó. Tôi hoàn toàn bị động khi vận xui ập đến và vì lúc đó còn trẻ nên bản lĩnh vẫn còn khá yếu, theo quán tính khá là sợ hãi. Bây giờ nghĩ lại, cứ cảm giác như hễ mỗi khi AA vừa mở rộng quy mô sản xuất lớn là lại có khủng hoảng kinh tế ập đến.

Sau khi thấy trong nước khó khăn quá, chúng tôi mới liều mình nhận công trình ở nước ngoài, cụ thể là Sri Lanka sau đến Kuala Lumpur. Nhờ bước đi mạo hiểm này, AA cảm thấy mình có cửa để mở rộng ra thị trường bên ngoài. Sau khi khủng hoảng tài chính kết thúc, từ ‘bàn đạp’ châu Á, chúng tôi đã mở rộng thị trường ra khắp thế giới. Tất nhiên, AA quay lại tiếp tục dẫn đầu Việt Nam trong thị trường ngách của mình khá xa. Trong khủng hoảng, nếu mình có tiềm lực, đáng để đánh cược", ông Nguyễn Quốc Khanh nêu quan điểm.

Ông chủ đứng sau chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh: Khủng hoảng là cơ hội để bật lên, nên có bao nhiêu tiền chúng tôi tất tay mang ra đầu tư hết!  - Ảnh 2.

Một nhà xưởng của AA Corporation tại Long An.

Về dài hạn: trong đại dịch hay khủng hoảng, sẽ có công ty sống và công ty chết. Vậy công ty sống là ai và kẻ chết như thế nào? Sau khi tìm hiểu, chúng ta nên đánh vào dòng sản phẩm hoặc phân khúc mà công ty ‘đã chết’ đó bỏ lại. Trong năm nay, khi thấy các thương hiệu đặc biệt cao cấp có nguồn vốn FDI rút lui khỏi thị trường Việt Nam, AA đã ra một loạt sản phẩm thuộc nhiều thương hiệu cao cấp mới để ‘điền vào chỗ trống’, như George Bensley, AVA Creations hay ArtA.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, George Bensley là thương hiệu chứa đựng giấc mơ cũng như chiến lược phát triển ở tương lai của AA - trong việc đầu tư thiết kế, phát triển sản phẩm riêng (ODM) thay vì chỉ gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM) mà phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang theo đuổi.

Ngoài ra, trong thời điểm sống còn như thế này, các phương án M&A cũng đáng được cân nhắc.

"Hiện tại, chúng tôi đang quản lý từ công nhân trình độ lớp 2 hoặc 3 đến tiến sỹ với công việc kinh doanh trải dài khắp Đông Nam Á. Muốn công việc được chạy mượt mà trong lúc ‘dầu sôi lửa bỏng’ và nhiều trở ngại như thế này, phải tổ chức theo kiểu quân đội cùng kỷ luật của quân đội – tức nói được làm được. Chúng tôi phải chấp nhận thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại và tiến lên phía trước.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm, song ban lãnh đạo cũng sợ đưa ra quyết định sai và thực tế là chúng tôi cũng đã có nhiều quyết định chưa đúng trong suốt đại dịch. Đến nỗi, các quản lý cấp trung thường không ít lần phàn nàn: "Sao ban giám đốc cứ thay đổi hoài!". Tuy nhiên, nhờ kỷ luật quân đội mà chúng tôi có thể ‘sai nhanh – sửa nhanh – thành công nhanh’.

Bên cạnh đó, AA có rất nhiều nhân vật chủ chốt làm việc lâu năm, họ đã cùng chúng tôi đi qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm trong khoảng thời gian dài, nên họ hiểu và tin vào lãnh đạo, sẵn sàng đồng hành cùng công ty trong lúc khó khăn", Chủ tịch AA Corporation kết luận.


Theo Quỳnh Như

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên