MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ Greensill Capital từ 'hero' thành 'zero': Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse 'chống lưng' và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD

01-04-2021 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Ông chủ Greensill Capital từ 'hero' thành 'zero': Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse 'chống lưng' và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD

Greensill Capital đã sụp đổ hồi tháng 3 và trở thành một trong những bê bối lớn nhất của ngành tài chính trong những năm gần đây. Vụ việc này cho thấy rõ những rủi ro trong chiến lược đầu tư của Masayoshi Son.

Ông chủ Greensill Capital từ hero thành zero: Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse chống lưng và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD  - Ảnh 1.

Vào tháng 2/2020, nhà sáng lập của SoftBank - Masayoshi Son, đã đến Indonesia để đề nghị khoản đầu tư hàng tỷ USD cho một thành phố mới. Trong nhóm cộng sự của Son khi đó có Lex Greensill – một người mà Son rất quý mến. SoftBank đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào công ty tài chính cùng tên của Greensill. Trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vị tỷ phú đã giới thiệu Greensill là "money guy" (nhà quản lý quỹ).

1 năm sau, "money guy" bỗng trở thành "money pit" (hố đen hút tiền). Greensill Capital đã sụp đổ hồi tháng 3 và trở thành một trong những bê bối lớn nhất của ngành tài chính trong những năm gần đây. Sự việc này gây ra cú sốc lớn cho 1 ngân hàng Thụy Sĩ, 2 trong số các công ty lớn nhất của Nhật Bản và đế chế công nghiệp của 1 nhà tài phiệt Anh.

Theo đó, Son đã buộc phải bút toán giảm khoản đầu tư của mình, khiến đây trở thành một trong những khoản đầu tư tồi tệ nhất trong lịch sử của Quỹ Vision, cùng với bê bối WeWork. Theo đó, vụ việc của Greensill cho thấy rõ những rủi ro trong chiến lược đầu tư của Masayoshi Son, đó là nắm giữ cổ phần lớn trong các startup, sau đó khuyến khích các công ty trong danh mục đầu tư hợp tác với nhau.

Mối quan hệ của Son và Greensill được bắt đầu khá ngẫu nhiên. Theo nguồn tin thân cận, một nhân sự điều hành cấp trung ở Quỹ Vision đã liên hệ để giới thiệu công ty này. Đến tháng 5/2019, SoftBank đã đầu tư 800 triệu USD vào Greensill và thêm 655 triệu USD vào tháng 10 năm đó.

Ngay sau đó, 2 bên đã liên hệ thường xuyên, dù SoftBank đã đầu tư vào hơn 80 startup và Greensill không phải là công ty nhận được nhiều vốn nhất, theo nguồn tin thân cận với các giám đốc điều hành. Những người này cho biết, Son thậm chí còn chủ động chào Greensill tại các sự kiện của SoftBank, cho thấy sự kỳ vọng của ông đối với công ty này.

Ông chủ Greensill Capital từ hero thành zero: Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse chống lưng và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD  - Ảnh 2.

Thậm chí, Greensill còn được đối xử như "ngôi sao", tương tự với cựu CEO của WeWork – Adam Neumann và gần đây là Ritesh Agarwal – CEO của OYO. Trong bài thuyết trình tại đại hội cổ đông của SoftBank năm 2019, hình ảnh 3 người đàn ông này đã xuất hiện, công ty cho biết họ là những doanh nhân có trí tuệ nhân tạo trong "cuộc cách mạng lớn nhất của lịch sử nhân loại."

Greensill là một phần quan trọng trong chiến lược mà Son gọi là "Chuỗi số 1" (Cluster of No.1), trong đó họ sẽ mua cổ phần không nắm quyền kiểm soát tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới và khuyến khích họ hợp tác. Về lý thuyết, các startup sẽ khai thác mạng lưới không gian làm việc chung của WeWork, hoặc tuyển dụng tài xế của Uber để giao hàng. Trong khi đó, vai trò của Greensill là giúp các startup đang gặp khó khăn của SoftBank dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính mà không cần tài sản thế chấp.

Greensill (44 tuổi) là một cựu banker. Ông thành lập công ty cùng tên vào năm 2011, tập trung vào việc phát triển mảng cho vay ngắn hạn có đảm bảo hóa đơn (invoice). Tuy nhiên, một số khoản tài trợ cho các công ty của SoftBank được đưa ra dựa trên dự báo doanh thu trong tương lai, chứ không phải hóa đơn thực tế.

Theo các tài liệu marketing và nguồn tin thân cận, các khoản vay này – được chứng khoán hóa và trở thành những công cụ như trái phiếu, được giới thiệu đến các nhà đầu tư dưới hình thức đảm bảo bằng các giao dịch. Nhà đầu tư sẽ cho rằng họ đang ôm các khoản nợ ngắn hạn.

Nhiều khoản vay trong đó được thực hiện thông qua các quỹ tại Credit Suisse – vốn thu hút 10 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Trong số những người đi vay có OYO, công ty phần mềm di động Fair Financial Corp. và startup xây dựng mô-đun Katerra.

Kirk Boodry – nhà phân tích tại Redex Research, nhận định: "Việc hợp tác bên trong Quỹ Vision giúp các startup dễ dàng tăng thanh khoản có thể không phải là ý tưởng hay". Ông gọi các khoản vay từ Greensill là sự hợp tác không có hiệu quả.

Để tìm kiếm sự hợp tác đó, Son đã đề nghị đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia và thành phố mới mà Thái tử Mohammed bin Salman đang xây dựng tại Biển Đỏ của Ả Rập Xê Út. Ông kỳ vọng rằng các công ty trong danh mục đầu tư như Katerra, OYO, Ola, Grab và SenseTime sẽ giành được hợp đồng tại đó, còn Greensill sẽ hỗ trợ họ về mặt tài chính.

Nguồn tin thân cận tiết lộ, cái tên Greensill liên tục xuất hiện trong các cuộc họp và thuyết trình của Quỹ Vision. Khi các đối tác quản lý đặt câu hỏi về ý tưởng kinh doanh của "deal team" (nhóm hỗ trợ các giám đốc điều hành thực hiện các thỏa thuận), nội dùng thường tập trung vào tính thanh khoản – một vấn đề phổ biến với các startup. Và câu trả lời thường hướng đến Greensill.

Ông chủ Greensill Capital từ hero thành zero: Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse chống lưng và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, 1 tháng sau chuyến đi Indonesia, mối quan hệ giữa Son và Greensill bắt đầu rạn nứt. Đại dịch gây khó khăn cho chuỗi cung ứng và nhà đầu tư rút hàng tỷ USD ra khỏi các quỹ của Credit Suisse – nguồn tài trợ lớn nhất cho Greensill.

Greensill sau đó phải tìm đến sự hỗ trợ của Son, cho biết ông có thể phải lấy lại khoản tiền đã cung cấp cho các công ty trong danh mục đầu tư của SoftBank. Đột nhiên, những cuộc điện thoại vốn diễn ra hàng tuần lại kết thúc.

Colin Fan – cựu giám đốc điều hành của Deutsche Bank đã quản lý khoản đầu tư cho Quỹ Vision, không còn tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của Greensill tại khách sạn Savoy. 2 giám đốc điều hành khác vẫn có mặt nhưng không đặt nhiều câu hỏi.

Đó cũng là thời điểm dù những vấn đề của Greensill ngày càng căng thẳng, nhưng một trong những công ty bảo hiểm của họ là Tokio Marine Holdings Inc. chi nhánh tại Úc cho biết họ sẽ không gia hạn bảo hiểm với các trái phiếu đã bán cho nhà đầu tư, bao gồm Credit Suisse.

Vào tháng 12/2020, khi Greensill cần tiền, SoftBank đã đầu tư thêm 400 triệu USD để công ty này hủy bỏ khoản nợ của Keterra. Ngoài ra, mục đích của họ là Greensill có thể mua lại các khoản trái phiếu trong các quỹ của Credit Suisse.

Ông chủ Greensill Capital từ hero thành zero: Cuộc hành trình có Masayoshi Son, Credit Suisse chống lưng và sự sụp đổ trong vài ngày của đế chế 7 tỷ USD  - Ảnh 4.

Boodry nhận định: "Sau WeWork, SoftBank hứa hẹn rằng sẽ không chi tiền cho những khoản đầu tư tồi tệ. Nhưng một lần nữa chuyện đó lại xảy ra. Họ biết Greensill có vấn đề nhưng vẫn rót thêm tiền. Điều này giống như họ muốn tự mình giải quyết sự thất bại của các công ty này."

Tính đến cuối năm ngoái, SoftBank sở hữu khoảng 25% cổ phần của Greensill. Hiện tại, công ty đang đóng vai trò là chủ nợ của Greensill với 1,15 tỷ USD. Công ty tài chính đã nộp đơn xin vỡ nợ tại Anh vào ngày 8/3.

Ông Fan – người quản lý các khoản đầu tư của Quỹ Vision vào Flexport và Fair, đã rời vị trí đối tác quản lý hồi tháng 1 và trở thành cố vấn cấp cao. Trong khi đó, Credit Suisse đang cân nhắc về vai trò của các thành viên ban điều hành trong cuộc điều tra về các giao dịch với Greensill. Ngoài ra, tại Đức, cơ quan quản lý đã yêu cầu công tố viên kiểm tra mối liên hệ với tỷ phú Sanjeev Gupta.

Đối với Indonesia, Son vẫn chưa thực hiện lời hứa đầu tư vào thủ đô mới. Ông mới chỉ hậu thuẫn việc sáp nhập công cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Tokopedia – nằm trong danh mục đầu tư của Softbank, với Gojek.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên