Ông chủ Indochina Junk: Lập đội thuyền buồm bằng đam mê, 2 lần suýt phá sản và lối thoát từ tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn
Thuyền buồm Đông Dương (Indochina Junk) là đội tàu có tiếng tăm ở sông Sài Gòn. Thành lập từ năm 2005, Thuyền buồm Đông Dương đã đưa đón hàng triệu lượt hành khách trong và ngoài nước dọc theo sông Sài Gòn.
- 03-09-2023Phạm Ngọc Quốc Cường - Doanh nhân dẫn ca sỹ Jack đi gặp siêu cầu thủ Messi - là ai?
- 03-09-2023Sầu riêng "cực nóng" trên thị trường nông sản, Hoàng Anh Gia Lai đã lập công ty chuyên về sầu riêng?
- 03-09-2023Intimex Group: Tập đoàn kín tiếng xuất khẩu cả triệu tấn gạo, cà phê mỗi năm, thu về cả tỷ đô
Tham gia chương trình Doanh nhân chính truyện của Kinh tế Sài Gòn Online, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thuyền buồm Đông Dương chia sẻ về hành trình gần 20 năm làm ăn trên con sông nổi tiếng của TP.HCM.
Bén duyên với nghề du lịch và hành trình xây dựng nên Thuyền buồm Đông Dương
Trở về nước sau gần 10 năm học nghề và làm việc tại Đức, ông Lâm gặp khó khăn trong việc tìm việc làm vì khi đó, không có nhà máy, xí nghiệp nào nhận lực lượng lao động được đào tạo ở Đức.
Tình cờ, một hôm thành phố Hồ Chí Minh bất chợt mưa rào, ông phải trú nhờ tại một mái hiên, ở đây, trong số những người đang trú mưa, ông thấy một người nước ngoài và có linh cảm đó là người Đức nên lại bắt chuyện. Anh người Đức này cảm thấy rất bất ngờ vì ông Lâm nói tiếng Đức rất tốt và khuyên ông Lâm nên đi làm hướng dẫn viên du lịch.
Ông Lâm suy nghĩ về lời khuyên của anh này thì nhìn thấy một công ty lữ hành đang tuyển hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức nên ông tìm hiểu rồi đến phỏng vấn. Sau một thời gian ngắn đào tạo tại trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, ông Lâm đã được nhận vào công ty làmhướng dẫn viên cho những nhóm khách lẻ từ 2-3 người và dần dần được giao cho những đoàn lớn hơn.
Từ việc chỉ dẫn khách đi ở khu vực miền Nam, ông Lâm cũng được giao cho những chuyến đi xuyên Việt. Ông cho biết, khi đó, ông ấn tượng nhất là Hạ Long giai đoạn trước năm 2000 là có rất nhiều thuyền buồm, tàu bằng gỗ và kéo cánh buồm nâu. Ông chia sẻ “Tôi thích lắm, nhìn nói thật sự là mê luôn.” Từ thích cho đến ao ước rồi ông Lâm quyết định đầu tư thuyền buồm.
Nhờ số vốn tích lũy được trong thời gian bên Đức và lương của hướng dẫn viên du lịch khi đó cũng rất tốt, sau khoảng 10 năm từ khi thành lập, đến năm 2015, Thuyền buồm Đông Dương đã đóng được 3 con tàu và 7 chiếc ghe.
Những khách hàng đầu tiên của ông Lâm cũng chính là những khách hàng ông Lâm dẫn đoàn du lịch. Ông Lâm kể lại, nhiều khách hỏi ông là khi làm hướng dẫn viên như thế này thì những lúc không có khách, ông làm gì? Ông mới trả lời là tôi có công việc riêng, đi làm hướng dẫn viên chẳng qua là vì yêu nghề rồi hẹn họ về đến TP.HCM sẽ biết ông làm gì. Khi ông dẫn họ đến tàu nhiều khách còn không tin.
Chia sẻ về giai đoạn mới thành lập công ty, ông Lâm cho biết, khi đó ông cũng không đặt kỳ vọng quá cao nên khi khi được thị trường chấp nhận nhanh vậy ông cũng rất bất ngờ, “Chẳng qua là mình làm theo đam mê rồi là gặp thời”.
Tuy nhiên, thành công của thuyền buồm Đông Dương không chỉ là “gặp thời” mà còn nhờ chiến lược đúng đắn – tạo ra sự khác biệt. Thứ nhất là sản phẩm bắt mắt. Thứ hai, vì không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, nên giá rẻ chỉ từ 300.000-500.000 đồng cho mỗi chuyến đi du thuyền. Thứ ba, trong các bữa ăn kết hợp với âm nhạc dân tộc đàn tranh sáo bầu. Thứ tư, thuyền chạy chậm để khách có thời gian ngắm cảnh và chụp ảnh. Theo ông Lâm, những yếu tố đó rất nhỏ nhưng khi làm cùng lúc nó tạo ra sự khác biệt lớn.
Hai lần khó khăn nhất của Thuyền buồm Đông Dương
Đầu tiên là vào cuối năm 2015, thành phố không cho hoạt động bến Bạch Đằng nữa, chỉ trong vòng 1 tuần là dẹp, doanh nghiệp không xoay xở kịp. Bến Nhà Rồng là cảng hàng hải và có nhiều tiêu chuẩn cao nên chỉ có con tàu lớn là vào được. Ông Lâm kể “Đội tàu nhỏ chỉ có neo đậu ở trên sông, mấy tàu cánh ngầm đi qua đi lại xong va vào nhau, méo mó mái đi nên phải bán đổ, bán tháo, bán như cho người ta”.
Thứ hai là giai đoạn Covid-19, ngành du lịch gần như đóng băng. “Mình hy vọng rằng không có sự kiện nào giống như giai đoạn Covid đó nữa. Mình nhớ là khách đang book rất đều đặn rồi tự nhiên là coi như cắt hết luôn. Trong một tuần, tất cả các đơn hàng cắt hết, tất cả các booking cũng hủy hết.”
“Trong giai đoạn đó, mình phải bán hai con tàu, đóng rất nhiều tiền. Cả năm trời không làm ăn gì, có đồng nào tiêu hết đồng nấy, quỹ dự phòng cũng hết sạch, ngoại trừ mấy con tàu thì là tay trắng không có tiền.”
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn Covid đó, ông Lâm đã nhận ra tiềm năng của khách thành phố. Khi đó, ông mở ra tour ngắm hoàng hôn cho khách TP.HCM được khách khen rất nhiều và không biết ông đã tổ chức bao nhiêu chuyến đi ngắm hoàng hôn như thế.
Ông Lâm bày tỏ, mong muốn của ông là thương hiệu phải vươn tầm ra Đồng Dương chứ không phải chỉ ở TP.HCM. Ông dự dịnh trong tương lai sẽ đầu tư những con tàu có cabin, đi dọc sông Sài Gòn rồi sông Mê Kông lên Campuchia.
Nhịp sống thị trường