MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ nhắn nhân viên lười: "Hãy lười biếng để thành công. Đừng lười biếng để trở thành kẻ ăn xin"

05-05-2019 - 23:49 PM | Sống

Lười biếng không hẳn đã là một điều quá xấu và tồi tệ. Tôi vẫn sống chung với nó và gặt hái thành công cùng nó mỗi ngày. Có điều bạn cần ghi nhớ, nếu lười biếng tay chân thì bạn phải chịu khó động não. Nếu lười biếng động não thì bạn phải chịu khó tay chân. Chứ bạn không thể nào vừa lười biếng tay chân mà lại vừa lười biếng động não được.

Tôi muốn thú nhận với bạn một điều, đã từ rất lâu rồi. Tôi là một kẻ lười biếng. Thực sự lười biếng!

Nhưng tôi cũng muốn được thành công…

Sự lười biếng có lẽ đến từ giáo dục. Từ bé, mẹ đã chả bao giờ để tôi phải động tay vào việc gì. Bởi, động vào là hỏng. "Thôi thì mình tự làm còn nhanh hơn." Mẹ nghĩ bụng.

Tôi phát hiện ra mình không biết làm gì khi còn học lớp 11. Trong một lần nhìn giỏ xách, tôi gọi nhầm tên hành với tỏi. Rồi sau đó rau muống với rau lang, gừng với giềng...

Tôi phát hiện ra mình vô dụng khi học năm đầu đại học. Tôi có đấu lại điện cho dây nguồn máy tính, nhưng sau cùng cả phòng phải ăn cơm trong bóng tối.

Tại sao tôi lại không biết làm gì? Tại sao tôi động vào cái gì cũng hỏng như vậy?

Tất cả đều đến từ sự lười biếng. Tôi không dành thời gian cho những việc đó. Tôi còn bận dành thời gian để giải trí, để hưởng thụ. Để có thể tiếp tục lười biếng.

Ông chủ nhắn nhân viên lười: Hãy lười biếng để thành công. Đừng lười biếng để trở thành kẻ ăn xin - Ảnh 1.

Tại sao tôi yêu thích sự lười biếng trong mình?

Tôi không phải kiểu người lập tức sắn tay áo phụ giúp khi đến nhà bạn gái chơi. Tôi không phải nhân viên được giao việc gì đó là cắm đầu cắm cổ làm. Tôi cũng không phải người học được thứ gì đó là áp dụng i xì đúc.

Thay vào đó, tôi thường dừng lại quan sát. Tôi thích tìm ra phương án để làm ít đi, đỡ mệt hơn, nhưng HIỆU QUẢ CAO HƠN.

Ví dụ có thời gian tôi còn làm bài viết về công nghệ. Một nhân viên thông thường làm được khoảng 6-7 bài/ngày. Nhưng tôi làm được khoảng 15 bài/ngày. Tại sao tôi lại làm được nhiều như vậy?

Đó là bởi tôi lười biếng. Tôi thấy họ làm mệt quá, vậy là tôi tìm cách khác để làm đỡ mệt hơn. Khi thấy nhàn quá mà vẫn đạt được hiệu quả như các nhân viên khác, tôi đẩy số lượng công việc lên và tìm cho mình mức lương cao hơn.

Hoặc khi tập Gym cũng vậy, nhiều người tập tuần 6, 7 buổi, ăn ngày 5, 6 bữa. Tôi thấy khổ quá nên chỉ tập tuần 5 buỗi, mỗi buổi 30 phút, ăn thì 3 bữa chả khác gì bình thường. Nhưng quan trọng là kết quả tuyệt vời!

Thậm chí, hiện tại tôi đang theo chương trình 1 tuần chỉ tập duy nhất 3 buổi. Và sẵn sàng đạt mục tiêu mỡ 8% tới cuối năm.

Ông chủ nhắn nhân viên lười: Hãy lười biếng để thành công. Đừng lười biếng để trở thành kẻ ăn xin - Ảnh 2.

Lười biếng mà thành công, bạn phải động não nhiều hơn

Tôi rất thích khái niệm "tweak" trong công nghệ, hoặc phổ biến hơn là "hack". Cùng một công việc đó, cùng một lịch trình đó, nhưng bạn sẽ "biến hóa" sao cho phù hợp với tính cách, sở thích, và điểm mạnh của mình.

Lại nói chuyện đi làm ngày xưa, bên cạnh việc động não xem mình nên làm gì để nhanh hơn và hiệu quả hơn, tôi cũng tận dụng những gì là điểm mạnh của mình. Ví dụ phần mềm này giúp tôi công việc này, phần mềm kia giúp tôi công việc kia, tất cả đều tự động. Thế nên một nửa công việc tôi để máy lo. Tôi chỉ cần lo nửa còn lại và vẫn được trả lương cho phần máy làm. Miễn sao công việc của bạn vẫn giá trị và được cấp trên thừa nhận thì chả có gì phải bàn cãi cả.

Dưới đây là những quy tắc để vận dụng sự lười biếng, mà tôi muốn chia sẻ với bạn để thành công hơn.

Thời gian hứng thú của bạn: Trong một ngày sẽ có những thời điểm bạn hứng thú làm việc gì đó. Ví dụ tổng thống Donald Trump cứ 2 giờ sáng là viết Twitter, CEO Tim Cook trả lời mail vào 4 giờ sáng, hay như tôi thường viết bài cho blog vào lúc 9 giờ.

Hãy tìm ra thời gian hứng thú của mình và từ bỏ mọi thứ gây sao nhãng xung quanh. Có vậy thì bạn mới vừa lười biếng vừa thành công được.

Tìm cách nhanh hơn và hiệu quả hơn để làm một việc gì đó: Như Bill Gates từng nói, ông luôn muốn thuê người lười biếng để thực hiện những công việc khó khăn tại Microsoft. Bởi những người đó sẽ biết cách hoàn thành công việc nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Hãy tìm cách giải quyết vấn đề nhanh hơn và hiệu quả hơn. Thời gian còn lại, hãy tận hưởng sự lười biếng của mình.

Tận dụng mọi thứ có thể: Nếu làm việc bằng máy tính, hãy cố gắng tận dụng toàn bộ phần mềm, công cụ, hay tiện ích để chúng làm việc giúp mình. Đó là lý do tại sao tôi thích online. Nếu bán hàng offline, bạn sẽ phải giới thiệu từng sản phẩm cho từng người. Nhưng nếu kiếm tiền online bạn chỉ cần giới thiệu 1 lần duy nhất, mà hiệu quả bán hàng đôi khi còn cao hơn.

Đừng chỉ tận dụng lợi thế máy móc, hãy tận dụng cả con người. Chia sẻ bớt công việc cho người khác. Ví dụ bạn thấy người này có kinh nghiệm chạy quảng cáo, hãy thuê họ vận hành các chiến dịch của mình. Bạn thấy người kia có kỹ năng viết bài, hãy tuyển họ vào team của mình để cùng viết, v.v…

Khi bạn tận dụng mọi thứ xung quanh, bạn sẽ lại rảnh rang, thư giãn, và có thời gian để suy nghĩ xem mình nên làm gì để đem lại nhiều thu nhập hơn và thành công hơn.

Bạn thấy đấy, lười biếng không hẳn đã là một điều quá xấu và tồi tệ. Tôi vẫn sống chung với nó và gặt hái thành công cùng nó mỗi ngày. Có điều bạn cần ghi nhớ, nếu lười biếng tay chân thì bạn phải chịu khó động não. Nếu lười biếng động não thì bạn phải chịu khó tay chân. Chứ bạn không thể nào vừa lười biếng tay chân mà lại vừa lười biếng động não được. Bởi như ngạn ngữ Pháp có khẳng định: "Kẻ lười biếng là ông anh ruột của kẻ ăn xin."

Hãy lười biếng để thành công. Đừng lười biếng để trở thành kẻ ăn xin!

(Chinhem, Lai.H)

Theo Lai H.

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên