Ông chủ Sunhouse khuyên startup đầu tư vào công nghiệp phụ trợ
Công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đang có dư địa rất lớn. Với cái nhìn của một “cá mập đầu tư” ông chủ Sunhouse cho rằng đây là cơ hội lớn cho các startup Việt Nam.
- 25-04-2016Nút thắt về chính sách gây khó khăn cho công nghiệp phụ trợ
- 19-04-2016Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ thu hẹp sản xuất vì thiếu vốn
- 18-12-2015Thêm DN Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ
- 10-10-2015Công nghiệp phụ trợ Việt Nam tăng cường nội địa hoá để giảm chi phí
Hiện nay, số lượng nhà cung cấp hàng hoá phụ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động ở Việt Nam là khá khiêm tốn, chỉ mới cung ứng được khoảng 20% nhu cầu. Các doanh nghiệp chen chân vào chuỗi cung ứng thường là các doanh nghiệp liên doanh, bởi chỉ có như thế mới đủ khả năng để cung cấp chuỗi cho các công ty lớn, cạnh tranh về giá cũng như tiến độ giao hàng.
Với bối cảnh hội nhập nhanh, mạnh, kèm theo đó là các dự án tỷ USD đổ vào Việt Nam, như LG Display Hải Phòng (tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD); dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung (300 triệu USD), nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh giai đoạn 2 (247,6 triệu USD)... dư địa của ngành công nghiệp phụ trợ càng lúc càng được mở rộng.
Thị trường đầy tiềm năng khiến cho ngành công nghiệp này được đánh giá là cơ hội ngàn vàng cho các nhà đầu tư.
Trước thời cơ đó, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse trong buổi chia sẻ Angel Showdown cho rằng đây là cơ hội vàng mà các startup nên thử sức.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, doanh nghiệp startup nên đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ vì vốn đầu tư không quá lớn. Ông Phú lấy ví dụ về một nhà cung cấp của mình, trước đây là một công nhân lành nghề, sau đấy tách ra mở công ty và chuyên sản xuất và cung cấp quai, sau đó người này đã tìm đến ông để hợp tác.
Các doanh nghiệp startup khi đầu tư vào lĩnh vực này, chỉ cần nghiên cứu sâu một cái nhỏ, làm thật tốt nó thì sẽ có cơ hội “chen” được vào chuỗi cung ứng, ông cho hay.
“Đừng tham giàu nhanh, phải làm từ từ và vượt trội, để không ai làm bằng mình sẽ thành công. Ngoài ra, cần biết cách quan hệ với các nhà máy chính, câu chuyện của nhà cung ứng quai cầm của công ty chúng tôi là một ví dụ”.
Ông Phú cho rằng các doanh nghiệp statup cần hiểu rất rõ hiểu sản phẩm mình cần cung cấp, nên bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ, nhưng phải nghĩ lớn, thay vì làm một cái ống bô to, thì phải làm ra được con ốc vít cung cấp được cho tất cả các hãng.
Trước cách nhìn không mấy lạc quan của nhiều người về việc doanh nghiệp bình thường chen chân vào chuỗi công nghiệp phụ trợ đã khó, huống gì những doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu “khởi nghiệp”, chưa có vốn, chưa có kinh nghiệm, ông chủ của Sunhouse cho biết: “Trên thế giới, đã có những minh chứng cho thấy những công ty lâu đời có vốn, có kinh nghiệm nhưng vẫn phải chịu thua những công ty trẻ, mới thành lập. Nhiều khi, chính bởi những kinh nghiệm mà các công ty này đã bị ràng buộc, trì trệ. Chúng ta có lợi thế cạnh tranh, chúng ta cần tận dụng nó!”.
Dù vậy, ông Phú cũng nhấn mạnh việc cơ hội lớn nhưng muốn vào không dễ. Ông cho hay chính quan điểm đầu tư và phương pháp tư duy đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thất bại. “Đa phần chúng ta khi đầu tư thì muốn được lợi ngay”, tuy nhiên, cần nhìn thoáng hơn một chút, giai đoạn đầu có thể lỗ, nhưng khi làm ổn định, khấu hao xong thì sẽ có lãi rất nhanh bởi có đầu ra đều đặn, có đơn vị “bảo kê” cho.
“Hãy kinh doanh như người Trung Quốc, bán hàng gì là bán suốt đời”. Với quan điểm đó, có thể lúc đầu doanh nghiệp không phải là người làm tốt nhất, nhưng cái gì tồn tại lâu nhất cũng sẽ thu được kết quả tốt. “Nguyên tắc nhìn thấy tiềm năng, chỉ cần kiên trì, nhất định sẽ thành công”, ông Phú khẳng định.
Cơ hội là rất lớn, bởi dư địa của lĩnh vực này còn đến tận 80% chưa kể những mở rộng trong tương lai, tuy vậy việc hiện thực hoá cơ hội đó lại là câu chuyện phụ thuộc vào cách nghĩ, tư duy của các doanh nghiệp. Dù vậy, ông chủ của Sunhouse nhấn mạnh, hãy tin rằng đấy là cơ hội mình, cơ hội đến và chúng ta hiện thực hoá nó.