Ông chủ TBS Group: Một nhà máy của Nike chỉ có 16 lao động làm ra 1 triệu sản phẩm/năm, doanh nghiệp Việt thì sao?
Trước làn sóng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư đúng mức, thậm chí, nhiều ngành hàng vẫn không biết cụ thể 4.0 là gì, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, CEO TBS Group. Ông Thuấn đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso).
Chia sẻ tại một diễn đàn gần đây, ông Thuấn bày tỏ cảm nhận rất rõ nét sự thay đổi trong kinh doanh trong làn sóng công nghiệp 4.0. Ông nhấn mạnh, những doanh nghiệp trong ngành da giày nói riêng và các ngành khác nói chung, nếu muốn ăn sâu vào chuỗi toàn cầu, buộc phải thay đổi.
Điều cần thay đổi ở đây là phương thức bán hàng. Bởi, trước công nghệ phát triển đã khiến cho cách bán hàng truyền thống không còn hấp dẫn. Sự ra đời của các tập đoàn thương mại điện tử lớn, đơn cử Alibaba đã khiến hành vi mua sắm người tiêu dùng chuyển biến.
"Thay vì vào siêu thị để mua từng món hàng, người tiêu dùng có thể hưởng thụ mua sắm từ cây kim, sợi chỉ đến những sản phẩm có giá trị một cách nhanh chóng", ông Thuấn nói và cho biết đấy là thách thức đối với các doanh nghiệp phải tìm kiếm sự liên kết trong cách thức bán hàng.
Sự biến chuyển này được ông cho rằng diễn ra trong 3 – 4 năm nữa. So sánh với việc điện thoại di động thay thế điện thoại để bàn, CEO TBS Group cho rằng doanh nghiệp Việt muốn tiếp tục phát triển xuất khẩu hàng hoá, ăn sâu vào chuỗi toàn cầu, cần bắt kịp xu hướng.
"Đầu năm, tôi báo cáo Chính phủ là ngành chúng tôi có thể đạt được 20 tỷ USD xuất khẩu một cách dễ dàng, tuy nhiên, đến nay lượng đơn hàng xuống chậm", ông cho biết và nói thêm "Phải thay đổi ngay từ các trung tâm nghiên cứu phát triển tổ chức sản xuất, phải tìm cách đưa 4.0 vào".
Hiện Việt Nam chưa có nhiều trung tâm nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp cũng chưa có sự đầu tư đúng mức. Thậm chí, ông Thuấn nói rằng nhiều doanh nghiệp dù nhắc nhiều đến công nghiệp 4.0 nhưng thực sự không hiểu cụ thể nó là gì, trong khi, thế giới đang đi rất nhanh.
Ví dụ, trong chuyến đi vòng quanh Mỹ, ông Thuấn quan sát một nhà máy của Nike, dù chỉ có 16 công nhân nhưng tạo ra 1 triệu sản phẩm/năm. Nghĩa là, tự động hoá, robot đang làm thay công việc người lao động một cách vượt trội hẳn.
Do đó, ông đề nghị, cách mạng 4.0 tại các doanh nghiệp Việt Nam nên phát triển trên 4 trụ cột: Dữ liệu (Data) doanh nghiệp – Trí tuệ nhân tạo – Đường truyền – Robot.
"Vừa qua, chúng tôi đã họp hội đồng chiến lược ngành da giày, theo đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển, phải được phải thực hiện quản trị trên nền tảng số tích hợp tự động hoá. Áp dụng sản xuất tự động càng nhanh càng tốt", ông nói.
Bởi, trong 2 – 3 năm nữa, nếu không tối ưu được sản xuất (thời gian, chất lượng...) doanh nghiệp Việt sẽ bị đẩy lùi.
Nhưng, doanh nghiệp có chủ động đến đâu thì cũng phải có sự vào cuộc của Chính phủ, ông Thuấn nhấn mạnh. Ví dụ nhưng những nghiên cứu sâu hơn của Bộ KHCN đối với công nghệ ứng dụng cho 20 ngành cơ bản hay sự thay đổi của modun dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH... Tất cả những giúp đỡ này, phải được cụ thể hoá thay vì chung chung, bởi những thay đổi nhanh chóng, tính theo ngày, tháng thì "chung chung mãi là chết".