Ông chủ Việt Á lấy hàng triệu USD ở đâu để hối lộ, "cảm ơn" 2 cựu bộ trưởng?
Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai đã phải mượn tiền bạn bè rồi đổi sang tiền USD để hối lộ, "cảm ơn" 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cùng nhiều quan chức khác
- 03-01-2024Xét xử vụ Việt Á: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đứng đầu danh sách nhận hối lộ từ Việt Á với 55 tỷ đồng
- 03-01-2024Vụ án Việt Á: Các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng khai rành mạch, rõ ràng
Chiều 3-1, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, và Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), cùng 36 bị cáo khác tiếp tục với phần xét hỏi.
Trước khi bước vào phần xét hỏi, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội cho cách ly 4 bị cáo, gồm: Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN); Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý phó thủ tướng; Nguyễn Huỳnh, cựu phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục quản lý dược (Bộ Y tế).
Là người đầu tiên bị thẩm vấn, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai Công ty Việt Á được thành lập 2007. Doanh nghiệp này chủ yếu mua bán sinh phẩm, thiết bị y tế.
Cuối tháng 1-2020, bị cáo Trịnh Thanh Hùng có gọi điện cho bị cáo đề nghị Việt Á tham gia cùng với Học viện Quân y để nghiên cứu bộ kit chẩn đoán COVID-19. Qua đó, phục vụ công tác chống dịch "vì thời điểm đó rất cấp bách".
Về lý do Hùng mời Việt Á, theo bị cáo Phan Quốc Việt, bởi doanh nghiệp của bị cáo là doanh nghiệp duy nhất có chứng chỉ của Bộ Y tế. Thời gian này rất cấp bách, cơ quan chức năng yêu cầu chỉ trong vòng 1 tháng phải vừa nghiên cứu và vừa sản xuất ra sản phẩm kit test.
Phiên tòa xử đại án Việt Á
Trong quá trình phối hợp Học viện Quân y đã chuyển cho Việt Á một số tài liệu, có chứa quy trình và doanh nghiệp của bị cáo đã tối ưu hoàn thiện để có 1 kit thử nghiệm. Sau đó, đến ngày 14-2-2020, Việt Á đã nghiên cứu ra kit test, đồng thời đưa qua Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm nghiệm.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm "đạt", Bộ Y tế yêu cầu phải có nghiệm thu giai đoạn 1 của Bộ KH-CN. Sau đó, Việt Á phải hoàn thiện 2 quy trình này thì đến ngày 4-3-2020, kit test được Bộ Y tế cấp phép tạm thời. Đến ngày 14-12-2020, kit test mới được Bộ Y tế cấp phép chính thức.
Lý giải về thời gian cách nhiều tháng mới được cấp phép chính thức, Phan Quốc Việt khai bởi do gây ra dịch COVID-19 là loại virus mới, các đơn vị cấp phép rất "thận trọng" để có 1 bộ kit test tốt.
Chủ tọa hỏi: Vì sao dùng tài liệu của Học viện Quân y để tối ưu ra sản phẩm song khi cấp phép lại của Việt Á? Bị cáo Việt trả lời không đúng trọng tâm về việc này "về luật bị cáo không nắm được song khi cấp phép thì kit là của Việt Á".
Phan Quốc Việt cũng khai trong quá trình kit test được cấp phép chính thức, bị cáo đã nhờ bị cáo Nguyễn Huỳnh và bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).
Theo bị cáo này, tình hình khi đó rất khó khăn, áp lực trong chống dịch rất lớn nên cần có kit test để chống dịch. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 mới nên cả hệ thống cấp phép rất thận trọng. Do đó, bị cáo đã nhờ bị cáo Nguyễn Huỳnh tác động để sớm có bộ kit test.
Bị cáo Việt khai quen bị cáo Nguyễn Huỳnh năm 2017 và sau đó rất thân với nhau. Trong thời gian dịch COVID, Huỳnh chia sẻ kinh tế gặp khó khăn và "cần tiền đưa cho ông Long". Sau đó, bị cáo đã đưa cho Nguyễn Thanh Long hơn 2,2 triệu USD thông qua Huỳnh và 4 tỉ đồng cho Huỳnh.
Về nguồn gốc số tiền tiền hối lộ, ông chủ Việt Á khai đã mượn tiền Việt Nam của bạn bè, đổi sang USD, vì thời điểm đó chưa có nguồn thu. Sau khi đổi tiền từ TP HCM, bị cáo ra Hà Nội và đưa cho các bị cáo khác trong vụ án.
Ngoài ra, bị cáo Việt cũng khai 2 lần đưa tiền với tổng cộng 350.000 USD cho Trịnh Thanh Hùng vì bị cáo này đã "rất trách nhiệm giúp Công ty Việt Á" nên "Chia sẻ với nhau theo tinh thần Á Đông". Bị cáo Việt còn đưa cho Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD, Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Vụ kế hoạch, tài chính (thuộc Bộ Y tế), 100.000 USD. Ngoài ra, Việt khai đã chi tiền cho Chu Ngọc Anh 200.000 USD và Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ KH-CN 50.000 USD; Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Hải Dương 100.000 USD.
Đối với CDC Hải Dương, Việt khai quá trình bán kit xét nghiệm đã đưa Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) 27 tỉ đồng. "Đây là khoản chia sẻ bởi 30 nhân viên của Việt Á về Hải Dương chống dịch xuyên Tết, được quan tâm tâm nên rất muốn cảm ơn" - Phan Quốc Việt trình bày tại tòa.
Hội đồng xét xử chất vấn lý do Việt chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của Phạm Duy Tuyến chứ không phải CDC Hải Dương, Phan Quốc Việt khai bị cáo hiểu hối lộ là sai nhưng chia sẻ lợi nhuận là không sai, nếu biết sai bị cáo không chuyển khoản. Theo Việt, ở Việt Nam vấn đề này rất nhạy cảm.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về tội "Nhận hối lộ". Cựu bộ trưởng Bộ KH-CN, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ KH-CN, cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ".
VKSND Tối cao truy tố Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
Người lao động