Ông Đặng Huy Đông: Hãy xem Bitcoin như tài sản vì rất khó cấm
Tôi đồng ý với việc không nên sử dụng Bitcoin làm công cụ thanh toán, hãy xem nó như tài sản, hàng hoá để quản lý, ông Đặng Huy Đông nói...
- 05-01-2018LS Trương Thanh Đức: 'Không thể cấm bitcoin'
- 24-12-2017Diễn biến "chóng mặt" từ Uber, Grab, Bitcoin, kinh tế số Việt Nam đuổi theo bằng cách nào?
- 21-12-2017TS. Trương Văn Phước dự báo gì về tăng trưởng, tỷ giá năm 2018 và bitcoin?
2017 là một năm dậy sóng của tiền ảo, mà nổi bật nhất là đồng Bitcoin. Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương pháp thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một điều có thể dễ dàng nhận thấy, là thị trường tiền ảo ở Việt Nam vẫn khá sôi động.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi toạ đàm Cơ hội đầu tư - Kinh doanh 2018 ngày 5/1, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, hiện các nhà đầu tư Bitcoin Việt Nam đang tăng nhanh và tài sản sở hữu rất lớn. Đó là 1 thị trường thanh toán ngầm bằng Bitcoin. Như vậy, Chính phủ nên xem xét lại để quản lý.
"Tôi đồng ý với việc không nên sử dụng Bitcoin làm công cụ thanh toán. Theo quan sát cá nhân tôi, tôi thấy rất khó cấm nên hãy xem nó như tài sản, hàng hoá để thu thuế và quản lý", ông Đông đề xuất.
Cũng theo ông Đặng Huy Đông, 95% người chơi Bitcoin thua và chỉ có 5% là thắng. Như vậy độ rủi ro là rất cao và chúng ta phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Nói đơn giản một ngày anh muốn chuyển Bitcoin sang tiền thì anh có chuyển được không?
"Tôi nghĩ nên tìm hiểu gốc gác của Bitcoin là gì? Gốc của loại tiền này là một hình thức rửa tiền, được tạo ra từ những nhóm rửa tiền không muốn công bố nguồn gốc dòng tiền từ đâu. Nhưng khi Bitcoin ra đời thì tính công nghệ của nó đã vượt lên, trở nên tiện dụng cho thánh toán và nhiều mặt khác.
Xu thế trên thế giới là đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của Bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại. Được biết thời gian tới sẽ có nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý tiền ảo một cách chính thức hơn", ông Đông nói.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO, Bitcoin là ứng dụng công nghệ. Nó không phải là tiền, nó cũng phải là tiền mã hoá. Mọi người hay gọi là tiền ảo nhưng tôi gọi nó là tiền nhái.
Ông Đức cho rằng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch tiền ảo dù nó rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội.
"Nếu chúng ta không công nhận hàng hoá thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau.
Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là đồng tiền thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật", ông Đức bày tỏ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tương tự như cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào.
Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam, theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017.
Vneconomy