Ông Đặng Văn Thành: Ngành mía đường toàn thế giới đang đứng trước thách thức lớn mang tính chu kỳ
Công suất từ các dự án đồng phát điện của Việt Nam khoảng 200 MW nhưng mức giá chỉ bằng nửa Thái Lan. Đây là mức thấp nhất trong tất cả nguồn điện năng lượng sinh khối nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, hiện Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang đề xuất nâng mức giá mua điện sinh khối nối lưới trong nhà máy đường.
Ngày 17/6, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4. Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group cho biết, ngành mía đường thế giới và khu vực đang đứng trước các thách thức và những tác động lớn do chu kỳ ngành, do sự thay đổi cung cầu, biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước bối cảnh này, Chính phủ các nước Đông Nam Á đã sớm có những động thái hỗ trợ và định hướng trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp ngành mía đường giữ được lợi thế cạnh tranh hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo được giá trị hữu ích, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác, người trong cuộc đồng thuận nêu quan điểm. Thực tế, các cường quốc mía đường như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đều đã có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà máy đường bán điện ra lưới điện quốc gia.
Riêng với Thái Lan, đại diện nước này cho biết, kế hoạch phát triển năng lượng thay thế được điều chỉnh năm 2015 nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải sản xuất điện của quốc gia, giảm 19 triệu MW điện từ khí ga, sinh khối… Gần đây, Chính phủ Thái Lan điều chỉnh lại kế hoạch này, giảm năng lượng tái tạo từ 50% xuống 20% tổng sản lượng điện.
Song song, sản xuất điện sinh khối Thái Lan cũng ghi nhận đang tăng lên. Các nhà máy đường ở Thái Lan đều có nhà máy đồng phát để sản xuất điện tiêu thụ trong nhà máy.
Hiện tại, Thái Lan có 83 dự án xây dựng nhà máy điện đồng phát độc lập thuộc sở hữu của các nhà máy đường. Trong đó, lợi nhuận từ đồng phát, ethanol chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận của ngành mía đường cho thấy vai trò quan trọng của các nhà máy điện đồng phát nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Đại diện Thái Lan cho biết, nhà nước mua lại điện từ công ty đường giá 2,5 bath và bán ra với giá 3 bath.
Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 tổ chức ngày 17/6.
Với Việt Nam, đại diện Hiệp hội mía đường cũng đồng tình các dự án đồng phát năng lượng tại các nhà máy mía đường có tiềm năng lớn, tuy nhiên vị này nhìn nhận vẫn còn bỏ ngỏ. Việt Nam đang có 41 nhà máy đường, với quy mô tiêu thụ 155.000 tấn mía/ngày. Bã mía có thể sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối, phục vụ nhu cầu sử dụng điện của chính nhà máy và hòa lưới quốc gia.
Công suất từ các dự án đồng phát điện của Việt Nam khoảng 200 MW nhưng mức giá chỉ bằng nửa Thái Lan. Đây là mức thấp nhất trong tất cả nguồn điện năng lượng sinh khối nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, hiện Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang đề xuất nâng mức giá mua điện sinh khối nối lưới trong nhà máy đường.
Mặc dù hiện tại còn nhiều khó khăn, tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực. Đây sẽ là cơ hội của các công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường, đặc biệt với những đơn vị đang sở hữu thị phần lớn, quy mô cánh đồng lớn.
Trí Thức Trẻ