MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: "Chủ tịch UBCK nói với tôi, nguyên tắc là khi tải hệ thống đạt 30% công suất thiết kế thì phải nâng cấp ngay"

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: "Chủ tịch UBCK nói với tôi, nguyên tắc là khi tải hệ thống đạt 30% công suất thiết kế thì phải nâng cấp ngay"

Quyền Tổng giám đốc VNDirect Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết tình trạng nghẽn lệnh không chỉ xảy ra tại hệ thống của Sở mà với tổ chức trung gian như VNDirect cũng có thời điểm xảy ra nghẽn lệnh do các tài khoản mở mới quá nhiều.

Tại hội thảo trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp" do CLB Nhà báo tổ chức cuối tuần qua, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, quyền Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VnDirect đã có những chia sẻ của người trong cuộc về vấn đề nghẽn lệnh xảy ra tại Sở GDCK TP.HCM thời gian qua.

Ông Quỳnh cho biết tình trạng nghẽn lệnh không chỉ xảy ra tại hệ thống của Sở mà với tổ chức trung gian như VNDirect cũng có thời điểm xảy ra nghẽn lệnh do các tài khoản mở mới quá nhiều. 

"Ai đi làm kinh doanh và quản lý cũng mong thị trường phát triển. Chúng ta mong muốn phục vụ nhiều hơn nhà đầu tư, khi thị trường phát triển sẽ khơi thông kênh huy động vốn và giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội được tham gia đầu tư trên thị trường, làm cho dòng vốn trong nền kinh tế được lưu thông hiệu quả nhất. Đấy là mong muốn chân chính của tất cả mọi người", ông Quỳnh chia sẻ với những áp lực của lãnh đạo ngành chứng khoán trong 6 tháng qua.

Ông Quỳnh cho biết VNDirect ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo công ty (bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT) đã có một tầm nhìn rất xa, đó là lấy slogan của công ty là "go online, go direct", giao dịch digital ngay từ những năm 2006. VNDirect đã chuẩn bị và đầu tư công nghệ trong hơn 1 thập kỷ, đến năm 2020 thì công ty vẫn gặp phải tình trạng số lượng lệnh đổ về công ty quá lớn khi Covid xảy ra và các tài khoản mở mới quá đông. 

"Chúng tôi tăng gấp 3 lượng lệnh chỉ trong 3 tháng, dẫn đến tình trạng chính VND cũng bị nghẽn, không phải nghẽn ở Sở mà nghẽn ở ngay CTCK, lúc đầu nghẽn ở cổng vào là nhắn tin OTP, sau là cổng ra đổ về HoSE, chúng tôi nhận thấy rằng lượng lệnh vượt qua ngoài sức tưởng tượng của mình", ông Quỳnh kể lại.

"Tôi lúc đấy mới về VNDirect và báo cáo anh Dũng, để trả lời câu hỏi tại sao hệ thống HNX lại làm tốt như vậy, khi đó anh Dũng đã chia sẻ một ý mà tôi rất tâm đắc. Khi anh Dũng còn làm CEO HNX, nguyên tắc của anh khi tải hệ thống đạt 30% công suất thiết kế thì anh phải nâng cấp ngay. Vì giữa mức thấp và mức cao của công suất vận hành hệ thống giao dịch biến động rất cao. Do đó, tôi cũng nói với anh em phải có tầm nhìn công nghệ 3-5 năm trước thị trường", ông Quỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên không phải CTCK nào cũng làm được điều đó. Ý thức là một chuyện nhưng việc tổ chức theo dõi đánh giá, quản lý vận hành để có giải pháp kịp thời và mạnh dạn đầu tư hay không lại là chuyện khác. Theo quyền Tổng giám đốc VNDirect, đó là bài toán cân đối chi phí ở từng năng lực đầu tư của mỗi công ty. 

"Tôi nói đùa với các anh em, nghẽn lệnh ở góc độ tích cực là tín hiệu rất vui, lần đầu tiên doanh số giao dịch 1 tỷ USD, là niềm mơ ước của tất cả những con người làm nghề chứng khoán chân chính. Chúng ta nhìn thị trường phát triển, đất nước phát triển và hưng thịnh. Nhưng nhìn từ góc độ hạn chế, phải thừa nhận rằng chúng ta có hạn chế về tầm nhìn và chưa có sự chuẩn bị phù hợp với sự phát triển của thị trường", ông Quỳnh nhận định.

VnDirect đã có thời gian làm việc sát sao với UBCK và Sở GDCK TP.HCM, đưa ra các ý kiến đóng góp. Một trong những hành động cụ thể của VND là tiên phong chuyển cổ phiếu sang HNX để giảm bớt tải cho giao dịch của HoSE. "Chúng ta đã có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, cùng một chuẩn niêm yết thôi, chỉ tốn mỗi cơ chế để các công ty chuyển sàn, sẽ giúp giảm tải hệ thống của HoSE", ông Quỳnh nói. 

Tuy nhiên, lãnh đạo VNDirect vẫn phải đứng giữa một bên là cơ quan quản lý và bên còn lại là khách hàng và nhà đầu tư. "Chúng tôi phải minh bạch với nhà đầu tư, và chúng tôi phải truyền thông được nội dung đó. Tôi rất thông cảm với vai trò của lãnh đạo ngành chứng khoán rất khó khăn. Chúng ta nói gì thì nói, với yếu tố lịch sử, thực tế đó không thể thay đổi được, chúng ta chỉ chọn cách tối ưu trong các điều kiện cụ thể thôi".

Sau khi VnDirect chuyển sàn, tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục xảy ra bởi số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng đông. Khi đó các giải pháp đưa ra từ tăng lô và đặc biệt là giải pháp dừng sửa huỷ lệnh đã khiến không chỉ nhà đầu tư bức xúc mà bản thân những người trong ngành cũng cảm thấy bức xúc. "Khi đó tôi đã nói với anh Dũng, nếu dừng sửa huỷ lệnh thì tất cả các công ty phải làm giống nhau, còn khuyến khích thì em không biết giải thích với nhà đầu tư như thế nào cả. Tôi cũng cần một sự minh bạch cho các nhà đầu tư", ông Quỳnh nhớ lại.

Tuy nhiên, sau khi các CTCK họp lại, thì có một sự thật là hệ thống công nghệ của các cty khác nhau và năng lực kiểm soát và xử lý lệnh sửa huỷ khác nhau, nhiều cty không có khả năng kiểm soát được. Dẫn đến tình trạng nếu ra công văn yêu cầu tất cả cty làm như nhau thì có những không ty không làm nổi, kể cả ép, dẫn đến tình trạng công văn không khả thi. Do đó, HOSE yêu cầu các cty hỗ trợ nỗ lực cùng triển khai thực hiện. "Chúng tôi có may mắn đi trước thị trường nên hệ thống công nghệ của VNDirect rất là linh hoạt và chúng tôi có thể kiểm soát và xử lý được".

Theo ông Quỳnh, hệ thống của VND khá linh hoạt nhưng có một điểm công ty không xử lý được. Đó là khi hệ thống của HOSE có tình trạng qúa tải là tốc độ trả lệnh của HOSE về CTCK rất chậm. "Chúng tôi chiếm 30% lệnh toàn thị trường, khi lệnh mà chúng tôi đẩy lên HOse mà bị trả chậm thì lượng lệnh bị chờ ở cổng thường xuyên dồn ứ, có thời điểm lên tới vài ngàn lệnh. Số lệnh đó nếu thoát ra được, thì không biết trong số lệnh chờ đấy có bao nhiêu lệnh sửa huỷ sẽ tạo ra lỗi 2G. Mỗi CTCK chỉ được giới hạn lỗi 2G thôi, nếu vượt qúa quy định của Hose thì lập tức Hose sẽ ngắt giao dịch của VND. Đó là lí do vì sao thực hiện chủ trương vận động chuyển sàn để giữ an toàn hệ thống thì bản thân VNDirect cũng phải chủ động trong việc sửa huỷ vì nếu không hệ thống của chúng tôi sập trước khi hệ thống của HSX", ông Quỳnh chia sẻ.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên