MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông già" 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật

24-08-2021 - 22:10 PM | Sống

Bộ tâm sự: "Giới trẻ bây giờ có nhiều thứ để quan tâm hơn như công nghệ số, trào lưu văn hóa, còn mình thì hơi giống người đang lùi xa thời đại, tìm về những làng quê còn đang may mắn hiện hữu"

Trong kí ức của nhiều người, quê hương Việt Nam gắn với cây đa, bến nước, sân đình... Cuộc sống ngày càng hiện đại, khung cảnh làng quê cũng thay da đổi thịt thưa dần những ngôi nhà 3 gian, 5 gian. Đó cũng là lúc nhiều người mong muốn tìm lại một miền ký ức đã bị bỏ quên. Để hồi đáp những mong ước tưởng chừng khó có thể thực hiện đó, một thanh niên 23 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội đã làm tiểu cảnh về những ngôi nhà cổ, làng cổ, đình chùa Bắc Bộ xưa với mong muốn lưu giữ những giá trị truyền thống.

Đó là Trương Văn Bộ - một chàng trai 9X nhưng có đam mê đặc biệt với kiến trúc nhà cổ, làng cổ, công trình tôn giáo như đình, chùa Bắc Bộ.

Ghé thăm khu xưởng nhỏ của Bộ, nhiều người không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh thân thuộc về mái đình làng Việt, ngôi nhà 5 gian, 2 chái, hiện hữu trên mô hình thu nhỏ nhưng sống động như thật.

Trương Văn Bộ cho biết, các tiểu cảnh được bán với giá 1 triệu, những chiếc đòi hỏi công phu hơn, bán giá 5- 6 triệu. Có mô hình Bộ phải làm từ 1 - 3 tháng mới xong. Nếu tính thu nhập trung bình từ niềm đam mê này, 1 tháng Bộ làm được 10 triệu đồng.

Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 1.

Trương Văn Bộ đang tạo tác tiểu cảnh cổng làng

Khi được hỏi về ngôi đình làng đặc trưng của Bắc Bộ đang được hoàn thiện trong khu vườn tiểu cảnh Bộ chia sẻ: "Đây là mô hình về đình làng Mông Phụ được lấy cảm hứng từ những lần mình ghé thăm làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội".

Đình làng Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm và là nơi thờ phụng Sơn Thánh Tản Viên – một trong tứ thần bất tử của người Việt.  Ngôi đình có kiến trúc đặc sắc và ấn tượng. Theo các nhà sử học, đình Mông Phụ được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ 14), dưới thời vua Lê Thần Tông. Đến đời vua Tự Đức thứ 12 (1859), đình được mở rộng và giữ nguyên trạng kiến trúc từ đó đến nay. Ngôi đình có kiến trúc hình chữ Công với hai bên Tả hữu mạc. Nhà Tả mạc là nơi thờ tổ tiên, các dòng họ trong làng. Nhà Hữu mạc là nơi thờ phụng những người có công với làng, quan đương niên".

Để có thể hoàn thiện được ngôi đình làng Mông Phụ, Bộ đã phải mất 3 tháng từ khi đặt nền móng xi măng đầu tiên, cho đến lúc dựng cột kèo, đắp những chi tiết nhỏ nhất như đầu đao, lợp ngói...

Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 2.

Tiểu cảnh mô phỏng Đình làng Mông Phụ

Bộ cho biết: "Mình thường chụp lại những bức ảnh với nhiều góc khác nhau. Có những vị trí cần chi tiết thì mình sẽ chụp cận cảnh. Khi về nhà mình sẽ đối chiếu lại những bức ảnh đó, thậm chí lên mạng internet tìm kiếm thông tin để làm sao ngôi đình Mông Phụ bên ngoài khi được thu nhỏ kích cỡ sẽ giống như thật, và tỉ lệ cân đối để hài hòa cảnh quan trong tiểu cảnh của mình".

Bộ nhớ lại năm 7 tuổi, khi xem trên ti vi về Chùa Một Cột, Bộ đã không thể rời mắt trước kiến trúc độc đáo của ngôi chùa này. Từ một cậu bé, nhờ sự trợ giúp của ông nội, Bộ đã tự tay hoàn thiện tác phẩm Chùa Một Cột để làm đồ chơi.

Khi làm xong, mọi người khen, cậu bé Bộ phấn khởi và cứ thế, tình yêu với kiến trúc đình chùa cổ, làng cổ Bắc Bộ đã thôi thúc đôi chân Bộ lên đường tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo mới. Bộ đã dành nhiều thời gian để ghé thăm kiến trúc nổi tiếng của những làng quê Bắc Bộ như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, hay ghé thăm Khuê Văn Các – Văn Miếu Quốc Tử Giám để có được bộ sưu tập tiểu cảnh đa dạng về kiến trúc đình làng Bắc Bộ.

Theo Bộ, trong quá trình thực hiện mỗi tác phẩm, tỉ lệ giữa công trình thật và đưa về mô hình thu nhỏ là khâu khó khăn nhất. Thời gian đầu khi thử sức với những công trình tiểu cảnh, Bộ thường xuyên làm hỏng chi tiết nhỏ như mái đao, hay cửa ra vào. Bên cạnh đó, việc lợp ngói cho những tác phẩm tiểu cảnh cũng gặp nhiều khó khăn do Bộ không hiểu hết kiến trúc của những ngôi nhà cổ, hay đình làng Bắc Bộ. Ông nội luôn là người đứng sau, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn để Bộ từng bước hoàn thiện tác phẩm một cách chỉn chu nhất.

Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 3.
Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 4.
Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 5.
Ông già 9X tái hiện chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đình làng Mông Phụ tí hon sống động như thật - Ảnh 6.

Các tác phẩm của Trương Văn Bộ

Bộ chia sẻ: "Ông nội mình năm nay đã ngoài 70. Ông là thế hệ đi trước, đã từng trải qua những giai đoạn thăng trầm của làng quê. Ông luôn chỉ dạy tận tâm cho mình từng chi tiết mái ngói của nhà cổ 5 gian được lợp ra sao, chi tiết đầu đao, cổng làng phải thực hiện như thế nào. Từ những chỉ dạy của ông, mình đã học được rất nhiều điều".

Hiện tại, Bộ đã tốt nghiệp Khoa Cơ khí – trường Đại học Thủy Lợi. Nhờ ngành học Cơ khí, Bộ đã kiểm soát được bản vẽ chi tiết, từ đó, những tác phẩm tiểu cảnh về đình làng, nhà cổ Bắc Bộ được hoàn thiện một cách cân đối, hài hòa hơn.

Tiếng lành đồn xa, những tác phẩm tiểu cảnh Bộ làm ra đã lan tỏa và chạm tới trái tim của những người yêu kiến trúc Việt trên cả nước. Có những người khi nhìn những tiểu cảnh của Bộ rưng rưng xúc động, muốn đặt mua để hồi tưởng lại kí ức đã xa. Khách hàng của Bộ là những cô, bác trung niên muốn tìm về tuổi thơ với cây đa, bến nước, sân đình, với gian nhà 5 gian, 3 gian có vườn cây, có bếp, có ao cá, có chú trâu, chú bò, đàn gà, đàn vịt…và đặc biệt, nơi đó lưu giữ hồn quê của một thời không bao giờ trở lại.

Từ những mô phỏng trong trí nhớ của khách hàng, Bộ đã làm theo đơn đặt hàng và nhận được những lời ngợi khen tấm tắc. Mỗi lần nghe khách tả cảnh quê nhà, Bộ lại hóa thân vào từng vị khách để có thể cảm nhận được bằng cả trái tim, kết nối quá khứ với hiện tại, làm nên hồn cốt mỗi tác phẩm. Bởi vậy, cái tâm với nghề làm tiểu cảnh là điều vô cùng quan trọng làm nên bàn tay tài hoa người thợ. Tùy từng tiểu cảnh, độ khó dễ khác nhau, thu nhập trung bình của Bộ đều đặn mỗi tháng 10 triệu đồng. Không chỉ đem đến khoản tiền nhất định, công việc này đã giúp Bộ nuôi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước từ những lần thả hồn, sáng tạo nên mỗi tác phẩm.

Bộ tâm sự: "Giới trẻ bây giờ có nhiều thứ để quan tâm hơn như công nghệ số, trào lưu văn hóa, còn mình thì hơi giống người đang lùi xa thời đại, tìm về những làng quê còn đang may mắn hiện hữu để lưu giữ lại thông qua những tiểu cảnh của mình. Mình cũng mong muốn được lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam mình đến với nhiều bạn trẻ hơn".

Sắp tới, Bộ có dự định sẽ thành lập một câu lạc bộ những người yêu kiến trúc Việt để trao đổi, học hỏi lẫn nhau và lan tỏa những giá trị văn hóa được hun đúc từ ngàn đời kết tinh trong mỗi tác phẩm.

Theo Ngọc Mai

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên