Ông giáo về hưu mang đến những bức tranh mùa xuân mới trong con hẻm nhỏ bình dị ở Sài Gòn
Nhờ bàn tay điệu nghệ của ông giáo về hưu, những bức tường cũ kỹ, hoen ố trong con hẻm nhỏ Sài Gòn được khoác lên mình tấm áo mùa xuân rực rỡ.
- 05-02-2019Sáng mùng 1 Tết Hà Nội: Vắng thế mà sao yêu thế!
- 05-02-2019CNN bầu chọn 12 hình ảnh Tết Nguyên Đán trên khắp thế giới, Việt Nam góp mặt với khung cảnh giản dị thân quen
Nếu ai đó hỏi tôi đặc sản của Sài Gòn là gì, thì tôi sẽ không do dự mà trả lời dõng dạc: đặc sản của Sài Gòn là những con hẻm.
Sẽ chẳng tìm ở đâu trên đất nước này một thứ văn hoá hẻm dễ cưng và gây thương nhớ như những con hẻm ở Sài Gòn. Hổng biết có phải vì hẻm chật quá nên cái tình vẫn kẹt lại không trôi tuột như cách mà nó đã phai nhanh trên những đại lộ hay những dãy nhà cao tầng hiện đại.
Trong con hẻm cũ kỹ, người Sài Gòn đối đãi với nhau tình nghĩa mà chân phương. Như cái cách mà ông giáo già ngày ngày cặm cụi xách thùng sơn tô điểm từng góc tường hoen ố cho nhà hàng xóm, khoác lên một tấm áo mới để con hẻm đón xuân.
Hẻm 64 Nguyễn Khoái (quận 4, Tp.HCM) từ nhiều năm nay được biết đến là Hẻm bích hoạ của Sài Gòn, bởi những bức tranh trên từng vô cùng sinh động.
Chủ nhân của những bức tranh ngẫu hứng này là ông Nguyễn Văn Minh (74 tuổi) - ông giáo đã về hưu. Nhiều năm trước khi nhìn tường hoen ố, ông Minh đã suy nghĩ rất nhiều về việc sẽ làm mới chúng. Bằng một cách nào đó? Và vì sao không phải là những bức tranh?
Và thế là người đàn ông đến từng nhà hàng xóm thuyết phục họ cho phép ông vẽ những bức tranh làm mới tường đã cũ. Và dĩ nhiên mọi người đều rất hào hứng với ý tưởng của ông.
Ngày Tết đến từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy cũng xúng xính trong những bộ đồ mới, vậy nên những ngôi nhà đã cũ nay cũng khoác lên mình tấm áo mới đón xuân.
Những bức tranh đầy màu sắc của ông giáo bằng một cách nào đó đưa mùa xuân đến với con hẻm, giúp con người ta gần nhau hơn.
Ban đầu ông giáo tự bỏ tiền túi ra mua sơn, cọ để vẽ tranh miễn phí cho người dân, sau này người góp một ít, người phụ một chút để ông Minh có thêm kinh phí vẽ nhiều tranh hơn. Con hẻm nhờ vậy mà rực rõ hơn nhiều.
Tách hẳn với những ồn ào, náo nhiệt của ngoài phố thị, không khí mùa xuân trong con hẻm xinh xắn này luôn trôi qua nhẹ nhàng, như cái tình mà con người ở đây đối đãi với nhau.
Tết trong hẻm Sài Gòn dễ mến như cái đòn bánh tét mà con nhỏ hàng xóm chạy qua gửi: "Nhà con làm, má dặn con đem qua cho cô chú ăn Tết", Tết ngọt ngào như cọng mứt dừa phơi trước sân để ngày 30 đem cho mỗi nhà một ít.
Tết ở ngoài phố, người ta đóng cửa đi du lịch, nhà nào lo nhà nấy, chứ ở đây rộn ràng từ mấy bữa tất niên. Không rào cao, không cổng lớn người trong hẻm sống thân thương như cái lời nhắc nhở nhau: "Ê, hẻm chật, chạy xe chậm thôi nhen!".
Những bức tường của ông giáo không chỉ có tranh, mà còn là những lời hay ý đẹp, để tụi con nít trong hẻm lỡ có đọc cũng học được điều hay.
Không biết từ bao giờ người ta chỉ giận Sài Gòn vì cái lừa lọc, cái chật chội, nóng nực, kẹt xe, khói bụi, mà quên đi rằng Sài Gòn vốn dĩ rất đáng yêu, chỉ là vì cách mà người ta đối đãi với mảnh đất này hơi "thô bạo".
Dẫu vậy Sài Gòn vẫn ở đó, chỉ là nép mình trong những con hẻm, để âm thầm giữ cái tình mộc mạc của mình.
Như một nốt trầm tinh tế giữa muôn vàn hào nhoáng thị thành, những bức tranh của ông giáo Sài Gòn đã đem đến một mùa xuân thật đẹp.
Trí thức trẻ