Ông hoàng siêu thị Mỹ một thời nhận trái đắng, thứ duy nhất cửa hàng cuối cùng còn mở cửa có thể bán cho khách hàng chỉ là sự thất vọng
Kmart đã từng sở hữu hơn 2000 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, giờ chỉ còn lại 3 địa điểm mang tính biểu tượng.
- 28-05-2022Đế chế 7 tỷ đô sụp đổ chỉ trong vài ngày, công ty được xây dựng trên nợ cuối cùng lại chìm trong cảnh vỡ nợ
- 25-05-2022Biểu tượng “ngân hàng bay” của Thuỵ Sĩ phá sản, danh tiếng của các quốc gia bỗng sụp đổ
- 19-05-2022Thứ khiến nhà Đường suy tàn, nền văn minh Maya sụp đổ đang hiện hữu khắp nơi
Đèn chiếu sáng rực nhưng cửa hàng Kmart lại vắng tanh, ít nhất là không có khách hàng. Dù vẫn mở cửa thêm vài giờ nữa, nhưng những kệ hàng trống trơn không thể đủ khả năng "xoay chuyển tình thế" cho toàn chuỗi siêu thị to lớn.
Qua lớp kính của những cánh cửa bị khóa, Ranie, một khách hàng thân thiết tỏ ra tiếc nuối: "Tôi rất thất vọng. Tôi lớn lên với Kmart nên cảm thấy rất tệ. Nơi này đã bán quần áo từ rất lâu rồi". Như để chứng minh điều đó, Ranie đã diện trang phục Kmart từ đầu đến chân. "Giày, áo khoác và quần jean của tôi, tất cả đều từ Kmart".
"Số đồ bạn mang trên người còn nhiều hơn lượng hàng hoá trong cửa hàng", Ryan, người đã đến cùng lúc với Ranie, cho biết. Anh đang cố gắng sử dụng thẻ quà tặng Kmart trị giá 35 USD. "Tôi đã ‘đào’ nó ra khỏi ví khi nghe tin họ sắp đóng cửa. 10 năm nay tôi đã không mua sắm ở Kmart, chuỗi cửa hàng không có gì đổi mới trong hai thập kỷ qua. Tôi nghĩ rằng nó đang chờ đợi để ‘kết thúc sinh mạng’".
Đối với một người Úc, nghe mọi người than thở về sự sụp đổ của Kmart dường như là chuyện quá đỗi bình thường. Từ Perth đến Parramatta, khách hàng không thể mua đủ tất cả những gì họ muốn từ những cửa hàng bách hoá này. Nhưng không ai có thể cứu vãn tình thế cho Kmart, một công ty đã đưa "siêu cường" thương hiệu của mình đến Úc vào năm 1968.
Tại thời kỳ đỉnh cao vào đầu những năm 1990, Kmart sở hữu 2000 cửa hàng từ bờ biển này sang bờ biển khác ở Mỹ. Việc đóng cửa Kmart ở Avenel, New Jersey, cách New York khoảng 30 km về phía nam, đã khiến chuỗi chỉ còn ba chi nhánh trên toàn quốc.
Chủ sở hữu hiện tại của Kmart Mỹ, tập đoàn TransformCo, đã tuyên bố trọng tâm của nhà bán lẻ. Giờ đây họ sẽ chú trọng "phục hồi hoạt động kinh doanh bằng cách thúc đẩy doanh số bán hàng có lãi, xác định các cơ hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả và giảm chi phí, cũng như đa dạng hoá mặt hàng".
Tuy nhiên, tuyên bố này không thể thành hiện thực. Công ty chị em của Kmart là Sears, cũng từng được đánh giá cao trong lĩnh vực bán lẻ của Mỹ, đã đóng cửa 3500 cửa hàng, khiến sụt giảm hàng trăm nghìn việc làm trong 15 năm qua.
"Đó là một bi kịch", giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Trường Kinh doanh Đại học Columbia của New York, Mark Cohen nói. "Tôi dự đoán đến cuối năm sẽ không còn cửa hàng Kmart nào. Tuy nhiên, tôi không thể lý giải được việc sụp đổ này. Họ bán những thứ đang có nhu cầu rất lớn và cũng được bán tại Walmart hoặc Target. Điều này đáng lý không thể xảy ra".
Giáo sư Cohen quy trách nhiệm về sự sụp đổ của Kmart cho làn sóng quản lý "không đủ năng lực và ngu ngốc" đã liên tiếp "làm đổ bể" một chuỗi cửa hàng đáng tự hào của Mỹ có lịch sử từ năm 1897. Trong năm đó, Sebastian Kresge - họ của anh ấy là chữ "K" trong Kmart - đã đầu tư vào một cửa hàng tạp hóa ở Memphis, Tennessee. Cửa hàng mang thương hiệu Kmart đầu tiên được mở tại San Fernando, California, vào năm 1962.
Giáo sư Cohen nói: "Trở lại thời kỳ hoàng kim vào 20 năm trước, Kmart là công ty hàng đầu ở Mỹ trong lĩnh vực bán lẻ". Nhưng chuỗi siêu thị này dần trở nên tự mãn, ông nói. Họ ngừng đổi mới, các cửa hàng đã "đi nhầm đường" và trở nên "luộm thuộm và bẩn thỉu".
"Trong khi ban lãnh đạo phân tích về tầm quan trọng và sự tuyệt vời của Kmart, những công ty mới nổi như Walmart và sau đó là Target đã ‘vượt mặt’ họ". Kmart đã phải "vật lộn" để cạnh tranh về vấn đề giá cả với Walmart và phong cách giá rẻ của Target.
Các chiến lược tiếp theo từ những năm 1990 trở đi là một loạt sai lầm tài chính, từ mở rộng hệ thống ra nước ngoài đến việc đổi mới cửa hàng nhưng không được yêu thích. Năm 2002, cửa hàng đầu tiên bị phá sản. Vào năm 2004, Kmart đã mua được chuỗi Sears đang gặp khó khăn với giá 11 tỷ USD. Nhưng quyết định này chỉ kéo cả hai thương hiệu vào vũng lầy.
Kể từ năm 2011 trở đi, Kmart trở thành một câu chuyện về việc đóng cửa cửa hàng, phá sản và mua lại. Nếu vẫn muốn tồn tại, hãng chỉ có thể bán online. Nhưng với sức mạnh của các dịch vụ trực tuyến đến từ Amazon và Walmart, cơ hội của Kmart rất mong manh.
Giáo sư Cohen cho biết các doanh nghiệp lớn thường thất bại vì họ "ngu ngốc, tự mãn hoặc bất cẩn". "Các nhà bán lẻ thành công không chỉ chú ý đến những gì họ đang làm mà còn những gì đang diễn ra xung quanh họ, sự cạnh tranh và những đối thủ khác trên thế giới. Họ hành động dựa trên những gì mình quan sát được và họ tái đầu tư", ông nói. "Nhưng thành công đòi hỏi năng lực và sự sáng tạo lại đòi hỏi trí thông minh. Kmart không có".
Các cửa hàng Kmart ở Mỹ và Úc có nhiều điểm chung. Họ đều hướng mục tiêu tới những khách hàng tương tự. Ngay cả logo ở Úc cũng giống với logo được sử dụng ở Mỹ cách đây vài năm. Có lẽ khác biệt nhất là số tiền. Năm 2021, Kmart ở Úc đã giao 693 triệu USD lợi nhuận cho công ty mẹ Wesfarmers, công ty này cũng sở hữu Target Australia và Bunnings.
Giáo sư Cohen cho biết việc "tái sinh" Kmart ở Úc có thể đã giúp Kmart Mỹ tìm ra con đường thoát khỏi tình trạng ảm đạm. "Không tốn kém, sành điệu, táo bạo và phù hợp với các doanh nghiệp có nhãn hiệu tư nhân, mang lại sự độc quyền và khác biệt. Có vẻ như Kmart Úc đã hành xử rất giống với chiến lược của Target ở Mỹ", ông nhận định. Tại Mỹ, Target đạt lợi nhuận 6,9 tỷ USD vào năm 2021 và hiện có 1900 cửa hàng, gần bằng Kmart ở thời kỳ đỉnh cao.
Ở Westwood, New Jersey, cách New York 40km về phía tây bắc là một trong ba cửa hàng Kmart còn sót lại. Bên trong, một khách hàng tên Vince từ từ đẩy chiếc xe đẩy của mình quanh các lối đi. "Thật kinh khủng. Không có ai ở đây. Duy chỉ vỏn vẹn ba, bốn khách hàng", ông nói. "Tôi đã từng dành cả cuộc đời mình ở Kmart. Tôi mua rất nhiều sản phẩm trong những năm qua".
Một lối đi đầy những đĩa DVD bám bụi với giá 5 USD/một đĩa. Việc vẫn còn ở trên kệ cho thấy những sản phẩm này cũng không hấp dẫn người mua lắm. Hàng trăm đĩa DVD có thể sẽ không bao giờ được "về nhà mới" trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển này.
Cửa hàng còn có khăn trải giường và dao kéo, một vài đồ chơi và túi xách. Nhưng không có mặt hàng nào có giá đặc biệt rẻ hơn so với các đối thủ của hãng. Khu vực quần áo vẫn đầy ắp nhưng khi đi sâu hơn vào cửa hàng, lượng sản phẩm đã thưa dần.
Một số gian hàng nhìn bề ngoài có vẻ vẫn được chất đầy, nhưng kỳ lạ thay, chẳng có gì ngoài khăn giấy và dãy xe đẩy hàng màu đỏ. To lớn và cồng kềnh, chúng dường như đang chiếm không gian để che giấu đi sự trống trải.
Tuy nhiên, ngay cả khăn giấy cũng cạn kiệt khiến toàn bộ một bên của cửa hàng gần như trống rỗng. Trong gian hàng cải tạo nhà cửa chỉ còn lại vài chiếc máy giặt và một chiếc ghế bành cũ kỹ. Một quả bóng bay hình ngôi sao đỏ lơ lửng giữa khu vực mà trước đây có thể chỉ toàn tủ lạnh và lò vi sóng.
Vince đã chậm rãi đi lại trên các lối đi trong vòng nửa tiếng, tiếng động duy nhất là tiếng vang bước chân ông. Chiếc xe ông đang đẩy với logo Kmart màu đỏ in trên tay cầm vẫn trống trơn. "Tôi đang tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy bất cứ thứ gì tôi muốn mua".