MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tôi đặc biệt thích thị trường giai đoạn này, nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng "long mạch"

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tôi đặc biệt thích thị trường giai đoạn này, nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng "long mạch"

Đứng trên cương vị của người đầu tư và quản lý tài sản, ông Huỳnh Minh Tuấn đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Bởi đây là giai đoạn có thể lựa “hàng” tốt và lợi thế hoàn toàn thuộc về người mua.

Sau nhịp phục hồi, VN-Index lại gặp áp lực điều chỉnh trước những thông tin vĩ mô kém cực. Hiện tại câu chuyện Fed nâng lãi suất và nguy cơ suy thoái đang “bao trùm” tâm lý của giới đầu tư toàn cầu. Tại Việt Nam, dù vĩ mô vẫn duy trì ổn định, song tâm lý nhà đầu tư vẫn đang lo ngại trước động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do VietnamBiz và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức, ông Huỳnh Minh Tuấn Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT nhận định, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu thì bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn xám màu. Mặc dù GDP quý 3 có thể tăng mạnh, song đó là so trên mức nền thấp của của năm trước.

Dù bức tranh vĩ mô còn khá nhiều yếu tố khó lường, song trên cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản, ông Tuấn đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Bởi đây là giai đoạn có thể lựa “hàng” tốt và lợi thế hoàn toàn thuộc về người mua. Nếu lựa đúng “long mạch”, nhà đầu tư có thể đổi đời. Tuy vậy, chuyên gia cho rằng điều này cũng tùy khẩu vị rủi ro của mỗi người. Việc quan sát bối cảnh vĩ mô quốc tế cũng rất cần thiết để phòng ngừa rủi ro.

Nhận định về bối cảnh vĩ mô thế giới, ông Tuấn cho rằng việc đồng USD trở nên mạnh hơn là dễ hiểu. Bởi khi các chính sách của Fed chưa rõ ràng thì sẽ có sự trục lợi (đầu cơ, short tỷ giá…), nhưngthực tế là thời gian qua Chủ tịch Fed Jerome Powell đã vạch ra đường lối chính sách rất rõ ràng. Fed nhìn vào các dấu hiệu lạm phát để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với Việt Nam, chuyên gia cho rằng các nhà điều hành khá khéo léo trong điều hành chính sách. Theo đó, lợi thế của nước ta là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy.

Động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này là đầu tư công. Nhìn về bức tranh trung hạn của nước ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao, mức dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022.

Theo FIDT dự báo VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý 4 năm nay.

Bàn về các nhóm ngành phòng thủ trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia gợi ý nhà đầu tư có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế,BĐS khu công nghiệp …

Đối với một số nhóm ngành ảnh hưởng khi lãi suất tăng, chuyên gia cho rằng các ngành như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may…. sẽ chịu tác động tiêu cực bởi xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm. Đồng thời, khi giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư.

Cũng tại hội thảo, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research đánh giá xu hướng thị trường thời gian tới tiếp tục khó lường khi bối cảnh vĩ mô chưa thuận lợi. Thị trường vẫn có những nhịp tăng giảm và sự phân hóa giữa các nhóm ngành, song các nhịp sóng tăng giảm sẽ ngắn hơn giai đoạn trước.

Đồng thời, khi các yếu tố cơ bản không đủ mạnh, dòng tiền sẽ không đủ để kéo nhiều nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành với năng lực tài chính tốt sẽ có sự chống chịu tốt hơn khi môi trường kinh doanh suy giảm. Đây cũng là thời điểm tốt để mua cổ phiếu nắm giữ dài hạn, nhưng cần định giá hợp lý.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên