Ông Lê Chí Phúc: Khi dòng tiền dễ dãi không còn, vẫn có một "biến số lớn" giúp chứng khoán Việt năm 2022 có thể vượt qua 1.800 điểm
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty SGI Capital
"Theo thống kê của SGI, PE của các thị trường mới nổi trong khu vực sẽ dao động từ 20-25 lần. Tất nhiên việc nâng hạng sẽ bao gồm nhiều bước, quy trình và nhiều điều cần phải làm, mất khoảng 2-3 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, dòng tiền sẽ tìm đến và định giá sẽ được nâng dần lên".
Đó là chia sẻ của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty SGI Capital tại chương trình Đầu tư gì năm 2022? Đây là chương trình thường niên do kênh Tài chính Kinh doanh và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam - Vietnam Wealth Advisors (VWA) tổ chức mỗi dịp đầu năm.
Theo ông Lê Chí Phúc năm 2022, thế giới chuyển dịch sang giai đoạn bình thường hoá, chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương, là một trong hai biến số lớn nhất ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu.
Về biến số thứ nhất, ông Phúc cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố giảm quy mô việc mua lại trái phiếu và sẽ tăng lãi suất trong năm 2022. Theo thống kê của SGI, đã có 30% các Ngân hàng Trung ương trên thế giới thắt chặt các gói hỗ trợ, tăng lãi suất trở lại. Xu hướng này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Điều đó sẽ dẫn đến việc dư thừa thanh khoản sẽ không còn nữa và các tài sản hưởng lợi từ dòng tiền dễ dãi sẽ bị ảnh hưởng.
"Cổ phiếu công nghệ, tài sản số là tiền số, tài sản mã hoá, các cổ phiếu vừa và nhỏ, đầu cơ cao đã có đà tăng nóng sẽ nhạy cảm với môi trường lãi suất tăng", ông Phúc đánh giá.
Biến số thứ hai đó chính là khả năng tăng trưởng của kinh tế, thị trường chứng khoán và từng doanh nghiệp Việt. Ông Phúc cho rằng năm 2022, kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo ông Phúc: "VN-Index đã tăng 35,7% năm 2021, trùng hợp với con số tăng trưởng 35% của EPS. Điều đó có nghĩa là VN-Index tăng trưởng bằng đúng sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm qua. P/E của VN-INdex là 16-17 lần dù chỉ số tăng trưởng tới 35,7% năm qua chứng tỏ thị trường chứng khoán đang đi lên bằng yếu tố nội tại đó là tăng trưởng tốt của lợi nhuận doanh nghiệp.
Năm 2022, nhiều tổ chức đã dự báo EPS tăng trưởng khoảng 20-25% vậy thì cuối năm 2022 PE của VN-Index nếu vẫn giữ ở mức 16-17 lần thì sẽ có con số 1.800 điểm. Hiện có rất nhiều định chế tài chính, công ty chứng khoán dự báo VN-Index sẽ dao động ở mức 1.700-1.800 điểm, tức EPS tăng trưởng 20%".
Rất nhiều định chế tài chính dự báo VN-Index đạt mốc từ 1700-1900 điểm năm 2022
Vị chuyên gia này nhấn mạnh năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, đi sau về dịch bệnh so với nhiều nước trên thế giới. Do đó, dựa trên nền tảng thấp của của năm 2021 nên năm 2022 doanh nghiệp tăng trưởng trên 20% là hoàn toàn có thể đạt được. SGI đánh giá con số này còn có thể cao hơn. Nhiều doanh sẽ có tăng trưởng lợi nhuận 30-40% năm 2022.
Biến số lớn nhất đó là thị trường quyết định trả P/E bao nhiêu cho các cổ phiếu. Trong 5 năm vừa qua, PE VN-Index dao động từ 16-17 lần. Với bối cảnh Việt Nam hiện tại, mặt bằng lãi suất thấp, mặt bằng chung có thể duy trì như vậy trong dài hạn.
"Song năm 2022 và những năm tới, VN-Index có một biến số đó là nâng hạng thị trường từ cận biên sang thị trường mới nổi. Khả năng tham gia vào thị trường mới nổi khả năng cao có thể manh nha và bùng nổ vào năm 2022-2023.
Nếu xảy ra điều đó, thì lúc đó chúng ta phải xem xét xem định giá PE của các thị trường mới nổi, theo thống kê của SGI PE của các thị trường mới nổi khu vực sẽ dao động từ 20-25 lần. Tất nhiên việc nâng hạng sẽ bao gồm nhiều bước, quy trình và nhiều điều cần phải làm, mất khoảng 2-3 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, dòng tiền sẽ tìm đến và định giá sẽ được nâng dần lên", ông Phúc cho hay, nếu được nâng hạng thì những kịch bản phía trên sẽ bị vượt qua.
"Rất khó để tìm cổ phiếu giá trà đá bây giờ"
Thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều rủi ro từ các "làn gió ngược" đến từ các Ngân hàng trung ương, có thể nâng lãi suất năm nay. Các tài sản trên thị trường có sự liên thông với nhau rất nhanh giữa các thị trường, khu vực, các quốc gia… Lượng thanh khoản dồi dào trên thị trường thì rất thuận lợi, nhưng khi điều đó không còn nữa thì sự cạnh tranh giữa các kênh tài sản rất cao.
"Khi đồng tiền không còn dễ dãi nữa, việc chọn lựa kênh đầu tư lúc đó đòi hỏi chất xám hơn nữa. Điều đó quyết định hiệu quả đầu tư cao hơn. Năm nào cũng có làn sóng đầu tư vào tài sản năm. Năm 2021, nửa đầu năm, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu cơ bản tốt, từ tháng 6 thì điều chỉnh dồn vào dòng vốn hoá nhỏ và vừa, nhóm đầu cơ, nhóm bất động sản tăng mạnh nhất.
Bây giờ tìm một cổ phiếu trà đá có giá dưới 10.000 đồng trên 3 sàn giờ là rất hiếm trong khi cách đây nửa năm thì hơn 100 cổ. Những cổ phiếu tăng từ vài nghìn lên 25.000-30.000 đồng rất nhiều, có những cổ phiếu tăng 7-10 lần trong 3-4 tháng cuối năm. Không có doanh nghiệp nào có sự tăng trưởng đột phá trong một thời gian ngắn như vậy nên sự tăng giá đó cũng bao gồm rất nhiều phần đầu cơ. Những rủi ro của cổ phiếu đầu cơ đó trong môi trường chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn cũng rủi ro lớn hơn", ông Phúc đánh giá.
Vị chuyên gia này dự báo lạm phát năm 2022 sẽ áp lực hơn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, sức tiêu dùng của nền kinh tế, người dân vẫn rất thấp, sự phục hồi chậm chạp. Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt quản lý chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng. Với lạm phát trên thế giới, ông Phúc cho rằng năm 2021 đã ở mức kỷ lục do giá cả hàng hoá tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu nhưng năm 2022 giá một số hàng hoá đã giảm 20-30% từ đỉnh. Do đó, với Việt Nam dư địa tài khoá, tiền tệ năm 2022 vẫn còn, ít nhất không phải lo trong nửa đầu năm.