MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Đăng Dũng: "Chúng tôi cấm nhau nói Viettel là công ty viễn thông, phải gọi là nhà cung cấp số"

21-02-2019 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Đi lên từ một nhà mạng sở hữu sức mạnh về hạ tầng, Viettel ngày nay hướng đến trở thành nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu tiên phong trong công cuộc xây dựng nền kinh tế số.

Trong khi doanh nghiệp công nghệ phát triển như vũ bão thì các doanh nghiệp viễn thông đang đi xuống.

Tại sao các nhà khai thác dịch vụ số phải dựa trên hạ tầng của công ty viễn thông nhưng lại phát triển mạnh hơn?

Đó là câu hỏi mà ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel đặt ra trong thời gian qua, và bày tỏ trăn trở này tại cuộc họp lớn nhất năm 2018 ngành Thông tin Truyền thông.

Một cách rõ ràng, các doanh nghiệp giá trị lớn nhất thế giới hiện nay như Amazon, Google, Facebook, Alibaba... đều không phải là doanh nghiệp viễn thông. Họ không có mạng lưới truyền dẫn, hoạt động dựa trên hạ tầng mà công ty viễn thông tạo ra nhưng lại có tốc độ phát triển cũng như giá trị thị trường lớn hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, ngành viễn thông thế giới lại chứng kiến sự sụt giảm về mọi chỉ tiêu trong những năm gần đây.

Theo ông Lê Đăng Dũng, không nói đến cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra như vũ bão và tạo nên thế hệ những người khổng lồ công nghệ, thì một trong các lý do chính dẫn đến điều này là các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang hài lòng với việc bán cuộc thoại (voices), bán hạ tầng truyền dẫn, kết nối mạng. Mặc dù doanh thu sụt giảm so với trước, song đó vẫn là những khoản thu lớn đáng mơ ước. "Nhưng cứ để tiếp tục thế thì mấy “ông” khai thác dịch vụ số sẽ “ăn” trên lưng mình" - ông Dũng nói.

Điều đó thôi thúc Viettel phải "tiến hóa". Viettel không chỉ là nhà mạng mà đã và đang chạy rất nhanh trong cuộc chuyển đổi số. "Việc đầu tiên Viettel phải nghĩ đến, đó là không gọi mình là nhà điều hành viễn thông nữa mà là nhà cung cấp dịch vụ số. Nếu mình vừa là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, vừa là nhà cung cấp dịch vụ số như thanh toán số, ngân hàng số, nội dung số... thì chắc chắn sẽ rất mạnh. Đó là bài toán chuyển đổi của năm 2019. Thậm chí chúng tôi cấm nhau nói Viettel là công ty viễn thông, phải là nhà cung cấp dịch vụ số" - Chủ tịch Tập đoàn Viettel khẳng định.

Ông Lê Đăng Dũng: Chúng tôi cấm nhau nói Viettel là công ty viễn thông, phải gọi là nhà cung cấp số - Ảnh 1.

Viettel và cuộc chạy đua với chính mình ở Campuchia.

Campuchia là bước chân đầu tiên của Viettel ra thị trường nước ngoài. 10 năm trước, vào ngày 19/02/2009, mạng di động mang tên Metfone do Viettel đầu tư tại xứ chùa tháp đã chính thức kinh doanh dịch vụ trên toàn bộ 25/25 tỉnh, thành. Từ một mạng di động đến sau, tính đến thời điểm hiện tại, Metfone có 9 triệu thuê bao di động phát sinh cước, 100.000 thuê bao Cố định băng rộng và duy trì vị thế số 1 về thị phần tại Campuchia với thị phần di động chiếm 48%, thị phần cố định băng rộng chiếm 60%.

Không chỉ vậy, sự ra đời của Metfone đã góp phần làm cho giá cước viễn thông trung bình tại Campuchia giảm từ 2-4 lần, mật độ thâm nhập của các dịch vụ viễn thông tăng lên từ 2-10 lần (di động tăng từ 29% lên 80%, băng rộng cố định tăng từ 2% đến 15%).

Sự đầu tư, phát triển về hạ tầng mạng lưới của Viettel cũng làm thay đổi diện mạo ngành viễn thông Campuchia, đưa Campuchia trở thành quốc gia có hạ tầng viễn thông hiện đại với mật độ, độ phủ nằm trong Top cao nhất của khu vực.Nhưng tương lai không nằm trên con đường kéo dài của quá khứ, sau 10 năm, Metfone đang thực hiện cuộc đua với chính mình để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số như ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh. Theo đó, nhiệm vụ mà Viettel đặt cho Metfone là phải trở thành Công ty tiên phong, kiến tạo và dẫn dắt công cuộc xây dựng nền kinh tế và xã hội số tại Vương quốc Campuchia bằng những công nghệ tiên tiến nhất. Viettel sẽ tiếp tục hiện đại hóa Metfone bằng những công nghệ tiên tiến nhất như 5G, Trí tuệ nhân tạo AI, Thực tế ảo VR, Big data...

Ông Lê Đăng Dũng: Chúng tôi cấm nhau nói Viettel là công ty viễn thông, phải gọi là nhà cung cấp số - Ảnh 2.

Để xây dựng nền kinh tế số, rất nhiều những dịch vụ mới sẽ được Viettel cho ra đời như: Ngân hàng số, nội dung số, các dự án Chính phủ điện tử, trường học thông minh, bệnh viện thông minh, các giải pháp cho doanh nghiệp...

Thực tế, ngay từ năm 2012, Viettel đã cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến eMoney tại Campuchia. Nếu như một số dịch vụ tương tự yêu cầu khách hàng phải có tài khoản ngân hàng để khi giao dịch, ngân hàng sẽ trừ tiền trong tài khoản thì Viettel hướng eMoney trở thành ngân hàng số. Khi đó, khách hàng sẽ dùng tiền trong tài khoản eMoney để chi tiêu, rút tiền, nạp tiền mà không cần dựa vào ngân hàng. "Khi có nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin rồi, nhiều cái không phải nghĩ ra mà thế giới đã có rồi thì mình phải làm được. Tất nhiên có hai điều kiện, thứ nhất là Chính phủ cấp phép và thứ hai, Viettel khẳng định tiềm lực của mình là đủ để làm" - ông Lê Đăng Dũng chia sẻ.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên