Ông Lê Hồng Giang: Vỉa hè Việt Nam – "Kinh tế mặt tiền" và "kinh tế hàng rong"
"Ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể "chơi sang" bằng cách: Chỉ khai thác vỉa hè cho người đi bộ" – ông Lê Hồng Giang, một chuyên gia tài chính đang làm việc tại Úc, nhận định.
- 20-03-2017Phó chủ tịch TP.HCM: 'Bà con vẫn được bán trên vỉa hè'
- 20-03-2017Từ vỉa hè Sài Gòn nhìn sang vỉa hè Paris, London
- 19-03-201710 phát ngôn khó quên của ông Đoàn Ngọc Hải trong 2 tháng dẹp vỉa hè
Trước khi học tập và công tác ở nước ngoài, TS Lê Hồng Giang (bloger Giang Le) - chuyên gia tài chính, có một tuổi thơ gắn liền với vỉa hè như rất nhiều trẻ em thành thị khác.
Khi đặt hàng ông viết về "kinh tế vỉa hè", ông từ chối vì tự nhận mình không chuyên về lĩnh vực này. Ông chỉ nhận lời trả lời phỏng vấn, khi tôi đặt vấn đề: Ông hãy nhìn vỉa hè Việt Nam với tư cách một người bình thường có nhiều trải nghiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên dung túng cho một nền kinh tế vỉa hè khiến đô thị nhếch nhác, nông thôn hoá.
Những người khác thì nói nếu nói không với kinh tế vỉa hè là đi ngược với quan điểm của ngay cả những nước văn minh nhất thế giới. Quan điểm của cá nhân ông thế nào?
Ông Lê Hồng Giang: Tôi không thích thuật ngữ "kinh tế vỉa hè", đúng ra ở VN nó bao gồm "kinh tế mặt tiền" và "kinh tế hàng rong" là hai loại hình/hoạt động kinh tế rất khác nhau.
Kinh tế mặt tiền xuất phát từ đặc thù văn hóa/lịch sử mà đặc biệt là "văn hoá xe máy" của người Việt và sự bất cập trong qui hoạch/quản lý đô thị của chính quyền.
Kinh tế hàng rong là một phần tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế ở các nước nghèo. Những nước phát triển dù cố gắng nứu kéo một vài hoạt động kinh tế/văn hoá trên vỉa hè thực ra chỉ là một hình thức hoài niệm quá khứ, không nước nào thực sự muốn phát triển hoạt động bán hàng rong như là một cứu cánh cho người nghèo.
Cá nhân tôi mong muốn đô thị VN trong tương lai sạch sẽ, thoáng đãng, người nghèo VN có công ăn việc làm ổn định để không phải bám vào vỉa hè kiếm sống.
Nhưng tôi hiểu giấc mơ này cần phải có thời kỳ quá độ để kinh tế có thời gian phát triển, để nhà nước có thể xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tốt mà trước hết đội ngũ công chức phải trong sạch và có năng lực quản lý xã hội.
Do vậy ở thời điểm hiện tại vỉa hè nói riêng và các hạ tầng đô thị nói chung vẫn cần phải được sử dụng một cách hợp lý và công bằng chứ chúng ta chưa thể "chơi sang" chỉ dành vỉa hè cho người đi bộ.
Lực lượng chức năng tiến hành nhắc nhở một số hộ buôn bán trên phố Hàng Ngang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh chụp ngày 10/3/2017. Ảnh: Hoàng Hải.
"Công bằng" không phải là "cào bằng"
"Kinh tế vỉa hè là một ảo giác" - những người bảo vệ quan điểm này cho rằng; Lý do sinh ra vỉa hè là để đi bộ chứ không phải để bán hàng rong. Rất lâu sau người bán hàng mới tìm cách "ký sinh" trên vỉa hè. Không có vỉa hè, họ vẫn có nhiều chỗ khác để làm ăn. Thưa ông, vậy kinh tế vỉa hè ở Việt Nam là thật hay ảo?
Tôi không hiểu khái niệm "ảo giác" bạn đề cập đến là gì. Kinh tế hàng rong có từ bao đời nay và rất thực, từ những người bán tò he, hàn xoong hàn nồi ở các làng quê đến những xe hủ tiếu, người bán vé số ở các đô thị.
Đó là những hoạt động kinh tế có thật, tạo ra công ăn việc làm, không trực tiếp thì cũng gián tiếp đóng góp vào GDP, góp phần xoá đói giảm nghèo cho những tầng lớp dưới cùng trong xã hội.
Quá trình phát triển kinh tế của một nước nghèo như Việt Nam luôn đi đôi với làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị, đồng nghĩa với hoạt động kinh tế hàng rong sẽ gia tăng.
Vỉa hè thông thoáng trên các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 10/3/2017. Ảnh: Hoàng Hải.
Vỉa hè và các hạ tầng đô thị khác sẽ phải gánh thêm các hoạt động này cho đến khi nào cơ hội việc làm trong khu vực kinh tế chính thức đủ lớn hút bớt nhân lực khỏi khu vực kinh tế hàng rong của di dân và dân nghèo thành thị. Chỉ có điều chúng cần quy hoạch hợp lý.
Nếu không có quy hoạch hợp lý và công bằng cho các hoạt động kinh tế hàng rong thì việc quản lý vỉa hè sẽ không hiệu quả.
Đặc biệt là không hiệu quả ở khía cạnh sử dụng tài nguyên một cách hợp lý cho nền kinh tế.
Vỉa hè bị các bà buôn thúng bán mẹt, các bác xe ôm đợi khách, các em bé đánh giày chiếm dụng chắc chắn sẽ chật chội, nhếch nhác hơn.
Nhưng nếu chúng ta bỏ qua việc sắp xếp lại, không tạo điều kiện hợp lý để cái "công cụ sản xuất" đó của họ hoạt động, thì phần "giá trị gia tăng" của vỉa hè mang lại cho xã hội chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.
Giải pháp triệt để cho kinh tế hàng rong (cũng như để giúp tầng lớp lao động nghèo cải thiện cuộc sống) không phải là cấm họ không được sử dụng vỉa hè (trên cơ sở đã được quy hoạch hợp lý) mà là từng bước thay thế "công cụ sản xuất" đó bằng những nhà xưởng, máy móc, và các khoá đào tạo để người nghèo có một nghề nghiệp chuyên môn nào đó có thu nhập cao hơn buôn bán trên vỉa hè.
Tất nhiên nhà nước không cần và không thể ôm đồm hết trách nhiệm này, nên để một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và lành mạnh đảm nhận.
Về mặt công bằng, những thị dân phàn nàn về vỉa hè bị người ngoại tỉnh chiếm dụng nên nhớ rằng vỉa hè không chỉ dành cho những người có hộ khẩu thành phố.
Nếu có một cuộc trưng cầu cấm hay không hoạt động hàng rong, tôi tin phe "văn minh" bấm iPhone nhoay nhoáy lên Facebook hàng ngày không thể đông hơn giới cần lao đang bám vỉa hè kiếm sống, chưa kể những bà mẹ già, con nhỏ ở quê mong ngóng những đồng tiền còm cõi hàng tháng gửi về.
Một xã hội công bằng không phải cào bằng mọi thứ nhưng ít nhất những tài sản chung như vỉa hè phải được quy hoạch, chia sẻ hợp lý cho mọi đối tượng, mà tầng lớp thiệt thòi nhất phải được ưu tiên trước nhất.
Khi cấm hàng rong để trả lại "công năng" của vỉa hè mà người Pháp đã gán cho nó hơn trăm năm trước, chúng ta cần phải suy xét nguyên lý "mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc". Cái vỉa hè tốt là vỉa hè cân bằng hạnh phúc cho nhiều thành phần xoay quanh nó, chứ không chỉ cho riêng người đi bộ.
Nói như vậy không có nghĩa tôi phản đối việc lập lại trật tự trên vỉa hè. Thật ra điều này cần thiết để chấn chỉnh và giảm dần nền "kinh tế mặt tiền", là khía cạnh mà tôi cho rằng không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Khác với các hoạt động hàng rong, kinh tế mặt tiền thường đi đôi với chiếm dụng một phần vỉa hè một cách trái phép và không công bằng.
Vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ chủ yếu vì bị các quán nhậu, cửa hàng thời trang, tiệm tạp hóa... lấn chiếm kinh doanh và giữ xe máy cho khách, tất nhiên với sự dung túng của chính quyền địa phương như ông Chủ tịch Hà Nội đã nói.
Về khía cạnh kinh tế học, sự tiện lợi cho khách hàng (đi xe máy) và một phần lợi nhuận cho những chủ kinh doanh ở mặt tiền các tuyến phố tạo ra "negative externality" cho xã hội.
Văn hóa xe máy và kinh tế mặt tiền tạo ra một "bad equilibrium": người dân chuộng xe máy một phần vì nó thuận tiện cho việc mua bán trên vỉa hè, ngược lại khách hàng đi xe máy khuyến khích hàng quán nằm dọc theo các tuyến phố chứ không tập trung vào các khu shopping.
Chấn chỉnh vỉa hè sẽ giúp giảm nền kinh tế mặt tiền đồng thời khuyến khích người dân giảm lệ thuộc vào xe máy.
Tất nhiên dỡ bỏ các công trình lấn chiếm vỉa hè trái phép phải theo đúng luật, đúng trình tự và nhất là phải nghiêm khắc lâu dài chứ không chỉ với vài "chiến dịch" bắt cóc bỏ đĩa.
Đành rằng cần phải có những lãnh đạo dám làm dám chịu trách nhiệm nhưng một xã hội sẽ phát triển bền vững hơn khi có một hệ thống qui pháp nghiêm minh, hiệu quả, hợp lý, chứ không chỉ dựa vào một vài Bao Công hay Lý Quang Diệu nào đó.
Nếu vì những lý do kinh tế xã hội trước mắt mà một phần vỉa hè phải tạm thời trưng dụng, chính quyền cần công khai minh bạch những ngoại lệ đó và nhất là nguồn thu từ các đối tượng được sử dụng.
Vỉa hè Sài Gòn chắc chắn phải khác vỉa hè Hà Nội, Cần Thơ
Singgapore, Hongkong thường được viện dẫn như một mô hình lý tưởng cho quản lý đô thị cho Việt Nam học hỏi. Người ta cũng nói đến việc, với rất nhiều nước Châu Á, ngay từ khi quy hoạch đô thị đã phải tính đến những không gian dành cho hàng rong, ngô nướng, bắp luộc ở vỉa hè và lòng đường vì đây là một phần của bản sắc và tập tính văn hoá.
Là một người đã sống nhiều năm ở Việt Nam lại có điều kiện sinh sống, quan sát ở nước ngoài, ông thấy những hướng nhìn trên có điều gì nên lưu ý?
Với tôi Singapore, Hong Kong hay nhiều quốc gia khác đáng ngưỡng mộ không phải vì họ qui hoạch vỉa hè nói riêng và đô thị nói chung rất tốt.
Con phố ẩm thực tại Singapore. Ảnh: Alamy/Zing.vn
Qui hoạch chỉ là một phần, nhất là mỗi thành phố có đặc điểm kinh tế, văn hoá, khí hậu khác nhau nên qui hoạch không thể giống nhau, điều quan trọng là sự kỷ cương của nền hành chính của họ khi thực thi các ý tưởng qui hoạch.
Tôi nghĩ các kiến trúc sư VN thừa biết phải thiết kế vỉa hè thế nào để vừa tiện lợi vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá của mỗi thành phố, vỉa hè Hà Nội chắc chắn phải khác Sài Gòn, Huế phải khác Cần Thơ.
Tất nhiên học hỏi kinh nghiệm các thành phố trên thế giới là điều nên làm nhưng hãy tin vào năng lực của các chuyên gia Việt.
"Sợ nhất là ngày nào đó trên vỉa hè ngày càng ít người lương thiện đi lại"
Với tư cách một người dân bình thường, ông sợ nhất điều gì từ cái vỉa hè của Việt Nam và ông mong muốn bộ mặt mới của vỉa hè Việt Nam sẽ như thế nào?
Tuổi thơ tôi gắn liền với vỉa hè, thời mà trẻ con còn nhảy dây, đánh khăng, đánh đáo trên đó.
Trẻ con bây giờ đã thay đổi và vỉa hè cũng vậy. Với nhiều người những thay đổi đó theo chiều hướng xấu đi, với tôi đó là xu thế kinh tế xã hội không tránh khỏi.
Hãy để trẻ em và vỉa hè lớn lên/phát triển trong thời đại của chúng, nhiệm vụ của "người lớn" chúng ta với cả trẻ con lẫn vỉa hè là hãy sống lương thiện, đúng pháp luật, đúng lương tâm.
Hãy đừng xả rác ra vỉa hè nếu bạn là một người đi đường, đừng lấn chiếm vỉa hè nếu bạn là một chủ quán mặt tiền, đừng ăn chia với những người lấn chiếm nếu bạn là cán bộ.
Nếu phải sợ, điều tôi sợ nhất là ngày nào đó trên vỉa hè ngày càng ít người lương thiện đi lại mà lý do không phải vì nó bị lấn chiếm, nhếch nhác, bẩn thỉu.
Trí thức trẻ