Ông lớn nào sẽ dẫn đầu thị trường xe sang năm 2018?
Hết năm 2017, Mercedes đang dẫn đầu thị phần phân khúc xe sang ở Việt Nam. Tuy nhiên, với việc Trường Hải giành quyền phân phối xe BMW và Mini, các điều chỉnh về chính sách, thuế…cuộc chiến trên phân khúc xe sang thời gian tới sẽ vô cùng khốc liệt.
- 03-01-2018Ô tô nhập khan hiếm, giá không giảm
- 03-01-2018Mãn nhãn với những chiếc ô tô đẹp nhất thế giới
- 02-01-2018Vì sao nhập khẩu ô tô tăng vọt trong tháng 12, không chờ thuế suất về 0%?
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, năm 2017, ước tính có khoảng 94.000 ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu (NK) vào Việt Nam, trị giá kim ngạch hơn 2,15 tỷ USD.
Riêng tháng cuối năm, lượng ôtô CBU NK đạt khoảng 10.000 chiếc, trị giá 273 triệu USD, tăng khoảng 4.000 xe so với tháng 11/2017. Đặc biệt, số lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được nhập về là 7.048 xe chỉ từ 1 – 15/12/2017, trị giá 192 triệu USD.
Chính cú hồi phục của tháng 12 đã giúp kéo tổng kim ngạch của cả năm đến gần hơn so với năm 2016.
Như vậy, so với năm 2016, kim ngạch NK ô tô CBU năm 2017 đã giảm đến 16,8% về lượng (năm 2016 đạt 115.000 chiếc) và giảm 9,6% về giá trị (năm 2016 là 2,32 tỷ USD).
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do lộ trình cắt giảm thuế quan theo các kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và quy tắc ứng xử Tối huệ quốc (MFN).
Đáng chú ý nhất là ATIGA. Theo hiệp định này, thuế suất thuế NK ô tô CBU từ các nước nội khối sẽ giảm về 30% từ đầu năm 2017, và về 0% đầu năm 2018. Đó cũng là lý do khiến kim ngạch NK ô tô liên tiếp duy trì ở mức cao hai quỹ đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến giai đoạn nửa cuối năm, kim ngạch NK đã rơi vào trạng thái trồi sụt ở các mức thấp xét cả về lượng lẫn giá trị.
Nguyên nhân bởi càng về cuối năm, tâm lý chờ đợi của khách hàng càng lớn, thể hiện rõ qua lượng giao dịch trên thị trường ô tô sụt giảm. Thêm vào đó, ngày 17/10/2017, Nghị định 116 quy định các điều kiện kinh doanh NK, sản xuất, lắp ráp và bảo hành, bảo dưỡng ô tô ở Việt Nam được công bố, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Đáng chú ý là yêu cầu các doanh nghiệp (DN) NK ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tiếp đó, là yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe NK.
Nghị định 116 đã khép lại cánh cửa NK đối với xe ô tô đã qua sử dụng, đồng thời khiến hàng loạt DN NK ô tô phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có đơn kiến nghị lần 4 vào giữa tháng 12/2017, mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc NK xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng.
Đáng chú ý, trong tháng cuối năm, do những kiến nghị gỡ vướng Nghị định 116 chưa được đáp ứng, các DN NK ô tô thuộc VAMA buộc phải nhập một số lượng xe nhất định và vẫn chỉ được hưởng thuế NK 30% của năm 2017, dành bán dịp Tết và quý I/2018.
Đơn cử như Honda Việt Nam nhập 1 lô khoảng 700 chiếc CR-V thế hệ mới 2018 (chịu thuế NK 30%), Ford Việt Nam cũng nhập một lô lớn xe bán tải Ranger (chịu thuế 5%).
Thị trường xe sang biến động ra sao?
Dù chưa có thống kê chi tiết của tháng 12 nhưng theo số liệu của 11 tháng mà phóng viên có được thì Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 nước dẫn đầu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam. Tính chung 11 tháng đầu năm, Việt Nam NK 30.176 ô tô nguyên chiếc các loại từ Thái Lan, tổng trị giá hơn 555 triệu USD; Indonesia nhập 16.694 chiếc, tổng trị giá 292 triệu USD. Đứng thứ 3 là Trung Quốc với 10.079 xe, Hàn Quốc 7.538 xe, Ấn Độ 5.570 xe, Nhật Bản 2.872 xe.
Trong phân khúc xe sang, chủ yếu xe có xuất xứ từ các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức với các thương hiệu như Land Rover, Jaguar hay Bentley, Volkswagen, BMW, Audi, Mercedes-Benz, Lexus, Porsche, Peugeot,…Thống kê của 11 tháng qua cho thấy, trong số các nước trên, xe sản xuất từ Đức nhập về Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất, với 1.135 chiếc, tổng trị giá hơn 65 triệu USD; Xe Anh đứng thứ 2 với 387 chiếc, tổng trị giá 23,5 triệu USD; Xe Pháp chỉ có vẻn vẹn 27 chiếc, tổng trị giá gần 6 triệu USD.
Đáng chú ý, kết thúc năm 2017, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) đã đạt mức doanh số hơn 6.000 xe, tăng trưởng gần 40% so với năm 2016. Như vậy, thương hiệu “Ngôi sao 3 cánh” tiếp tục dẫn đầu thị trường xe sang, với 4 mẫu xe chủ lực là C-Class, E-Class, S-Class và GLC đứng đầu các phân khúc quan trọng về doanh số.
Thị phần hãng ngôi sao ba cánh đang chiếm tới 70%, 30% còn lại các hãng chia nhau. Các thương hiệu Lexus, Audi, BMW cũng cạnh tranh quyết liệt, song doanh số của hãng tốt nhất cũng chưa tới 50% của Mercedes.
Nguyên nhân lớn, ngoài bản thân sản phẩm được ưa chuộng còn bởi giá xe Mercedes lắp ráp rẻ hơn các đối thủ nhập khẩu.
Tuy nhiên, từ đầu 2018, khi BMW về tay Trường Hải (bước đầu nhập khẩu, về sau sẽ lắp ráp), cục diện sẽ có sự thay đổi bởi số xe này có tiềm năng giảm giá sản phẩm, đe dọa ngôi vương Mercedes.
Các khoản thuế, phí, vận chuyển... xe BMW từ Đức về Việt Nam sẽ không khác so với Audi, Porsche hay một số xe Mercedes. Nếu mức giá vốn NK từ Đức là ngang ngửa, tỷ suất lợi nhuận tương đương thì giá bán BMW không rẻ hơn so với các đối thủ.
Tuy vậy, Trường Hải có lợi thế hơn hẳn các nhà phân phối Audi, Porsche hay thậm chí cả Mercedes Việt Nam ở mạng lưới phân phối. Chi phí bán hàng nhờ đó sẽ rẻ hơn đối thủ. Chưa kể, Trường Hải còn có thể giảm giá từ những hoạt động nhỏ như vận chuyển nội địa bằng cách sử dụng đội ngũ xe tải, đầu kéo của mình để cõng theo xe con, không phải thuê thêm mặt bằng kho bãi.
Thậm chí, với những diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy Trường Hải có thể chấp nhận bán BMW lãi ít, hòa vốn hoặc lỗ để đổi lấy độ phủ, thị phần trong ngắn hạn. Do đó, cuộc chiến trên thị trường xe sang ở Việt Nam bắt đầu từ 2018 sẽ vô cùng khốc liệt.
Tiền phong