'Ông lớn' thế giới hứa rót cho Việt Nam 11 tỷ USD, 2 dự án đường sắt nào được ưu tiên gọi tên?
"Ông lớn" của ngành ngân hàng thế giới sẵn sàng cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm.
- 24-05-2024Phấn đấu khai thác đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cuối tháng 6/2024
- 23-05-2024Hành khách đi tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngày càng tăng
- 21-05-2024Tỉnh sát vách Hà Nội định hướng lên thành phố năm 2050: Sẽ có 2 cao tốc, 3 quốc lộ chạy qua, 2 đường sắt nối với đô thị Hà Nội và sân bay Nội Bài
Chiều 27/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman – người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc gia mới của WB tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia từ ngày 1/5/2024 với trụ sở chính tại Hà Nội.
Những năm gần đây, Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam khoảng 25 tỷ USD vào các dự án phát triển kinh tế xã hội. Hiện, ngân hàng này đề xuất cho Việt Nam vay tiếp 11 tỷ USD trong 5 năm tới.
Hoan nghênh đề xuất của WB về việc cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị tập trung nguồn vốn này cho một số dự án lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm, các dự án hạ tầng quy mô lớn, bền vững, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển. Trong đó, Thủ tướng đề cập đến 2 dự án đường sắt tầm cỡ là Dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc và Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ.
Dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc
Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với đô thị Hòa Lạc - đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc chính là tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, là tuyến đường sắt xuyên tâm với chiều dài lên tới 38,43 km và tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng.
Dự án metro số 5 chính là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong số 8 tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030.
Dự án được bố trí 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao), gồm: Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3, Lê Đức Thọ, Mễ Trì, Tây Mỗ, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình. Tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.
Theo tính toán của Hà Nội, sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ nhiều nguồn, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội (khoảng 15.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu của thành phố (khoảng 10.000 tỷ đồng). Phần vốn còn lại dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
TP Hà Nội dự báo nhu cầu giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h...
Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ
Vào tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định lập hội đồng thẩm định nhằm đánh giá báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Trước đó, vào cuối tháng 1, Ban quản lý dự án đường sắt đã nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Bộ Giao thông vận tải để tiến hành thẩm định nội bộ.
Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và kết thúc tại ga Cần Thơ, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Dự kiến, tuyến đường sắt dài 175,2km sẽ đi qua 6 tỉnh và thành phố là Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, được thiết kế đôi với đường ray tiêu chuẩn 1.435mm, điện khí hóa. Tốc độ dự kiến cho tàu khách là 160km/h và tàu hàng là 120km/h.
Trên tuyến dự kiến sẽ có 19 ga và 3 depot tại An Bình, Tân Kiên và Cần Thơ, 4 trạm bảo dưỡng, khám xe tại Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy và Bình Minh, cùng với 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.
Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án này khoảng 205.085 tỉ đồng, tương đương khoảng 8,57 tỉ USD.
Dự án được kỳ vọng là phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025, khởi công giai đoạn đầu tiên trước năm 2030, mở cửa khai thác vào năm 2035, và hoàn thành cũng như đưa vào sử dụng giai đoạn 2 sau năm 2055.
Đời sống & pháp luật