Ông Lưu Bình Nhưỡng: Cần cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ Nghị quyết 128
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Trung ương điều hành về chống dịch Covid-19 mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.
- 18-10-2021Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất sau Nghị quyết 128
- 14-10-2021Nghị quyết 128 - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi
Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” không chỉ khắc phục riêng lưu thông hàng hóa mà là quyết sách đúng đắn thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp cho tình hình mới.
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” diễn ra ngày 18-10 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng cần phải thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, thống nhất - Ảnh: Nhật Bắc
Theo ông Lê Đình Thọ, trước đây, chống dịch chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình lưu thông hàng hoá, không tránh khỏi một số tồn tại bất cập. Với Nghị quyết 128, các tồn tại, bất cập đã được chỉ rõ để khắc phục, từ đó khôi phục phát triển kinh tế.
Đối với Nghị quyết 128, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc thực hiện phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Theo ông Thọ, thời gian qua chủ trương đúng nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ, gây khó khăn trong lưu thông hàng hoá, các chốt kiểm dịch hiểu chưa đúng. "Chỉ dừng 1 xe trên đường 5 phút có thể khiến các phương tiện phải chờ đợi, kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí"- ông Thọ nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc đồng bộ phải thể hiện ngay ở ứng dụng công nghệ, khi áp dụng khai báo y tế qua mã QR thì tất cả các địa phương, các chốt đều làm như vậy, không phải có nơi yêu cầu lái xe xuống khai bằng tay vào sổ. "Hay như việc ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại nói chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có bức xúc" - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng , Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đồng tình khi nhấn mạnh, Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo, xã hội đón nhận nó như luồng gió mới.
Ông Nhưỡng cho rằng, việc hiểu đúng và thực hiện đồng bộ, thống nhất Nghị quyết là điều rất quan trọng. Phó trưởng Ban Dân nguyện nhắc đến bất cập tại các chốt kiểm soát dịch liên tỉnh, tạo ra tình trạng cát cứ và kiến nghị cần sớm khắc phục.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, cho rằng cần kỷ luật lãnh đạo địa phương làm trái chỉ đạo về chống dịch - Ảnh: Nhật Bắc
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. "Người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu"- ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Chính vì vậy, theo ông Nhưỡng, các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng linh hoạt. Trong quy định về tổ chức thực hiện, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực.
"Với Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được"- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Phó trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị từ Nghị quyết 128, cần có giám sát, đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm. "Vào trận mà không chỉ huy được thì đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua"- ông Nhưỡng nhấn mạnh tại tọa đàm.
Người lao động