MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp nhờ "tranh cử kiểu Mỹ"?

11-05-2017 - 13:03 PM | Tài chính quốc tế

Những ý tưởng từ cả cánh tả và cánh hữu kết hợp với những kiến thức được học ở trường kinh doanh đã tạo nên sản phẩm là 1 hiện tượng trên không chỉ chính trường Pháp mà cả thế giới.

Chủ nhật tuần trước, Emmanuel Macron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp.

Bí quyết tạo nên thành công của người chỉ mới 39 tuổi và không có đảng truyền thống nào đứng sau hỗ trợ hay chưa từng có kinh nghiệm đi vận động bỏ phiếu chính là phong cách tranh cử hướng về người dân mới mẻ đậm chất Mỹ của ông Macron. Những ý tưởng từ cả cánh tả và cánh hữu kết hợp với những kiến thức được học ở trường kinh doanh đã tạo nên sản phẩm là 1 hiện tượng trên không chỉ chính trường Pháp mà cả thế giới.

Mặc dù đội ngũ tranh cử của ông là những người thành thạo nhiều ngôn ngữ, đã tới nhiều nơi trên thế giới, họ chính là những người hiểu rõ tâm lý của đám đông cử tri dân thường - những người chưa bao giờ rời khỏi Pháp và lo sợ mình sẽ bị “đè bẹp” bởi làn sóng nhập cư.

Bước vào vòng cuối, đối thủ của ứng viên trung lập Macron chính là bà Marine Le Pen, nhà lãnh đạo và cũng là con gái của nhà sáng lập đảng cực hữu Mặt trận quốc gia. Nhóm cử tri ủng hộ bà không còn bó hẹp trong phạm vi những người có tư tưởng bài ngoại như thời cha bà mà đã được mở rộng và đa dạng hơn rất nhiều. Đó có thể là những nông dân, sinh viên đại học, dân nhập cư, người có học thức cao và cả người lưỡng tính. Ngay trước thềm vòng bỏ phiếu cuối cùng, bà Le Pen còn từ chức Chủ tịch đảng với mong muốn rõ ràng là tách ra khỏi quá khứ không mấy vẻ vang của đảng Mặt trận quốc gia.

Để đối phó với ông Macron, đối thủ vẽ ra 1 “quả bong bóng”, rằng nếu ông đắc cử thì nước Pháp sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bà Le Pen gọi ông là 1 “con rối” trong tay giới tinh hoa sẽ đi theo những lối mòn cũ kỳ.

Nhưng ở phía bên kia, đội ngũ của ông Macron khá khôn khéo khi tận dụng điểm yếu trong chiến dịch tranh cử của đối thủ: hình ảnh không đồng nhất. Ông phác họa Marine Le Pen là 1 người đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khép kín với 1 tầm nhìn nguy hiểm.

Người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Macron, Laurence Haim, nói rằng đây chính là 1 cuộc chiến giữa hai loại hình xã hội khác nhau, cho không chỉ nước Pháp mà là cả châu Âu. “Chúng tôi sẽ cho người dân Pháp – và cả thế giới – thấy rằng chúng tôi đang đấu tranh vì những thứ lớn lao hơn cả chính bản thân mình”.

Haim đã có thâm niên 25 năm làm nhà báo tại Washington trước khi quyết định gia nhập thế giới chính trị vào tháng 12 năm ngoái bởi lo sợ nước Pháp sẽ theo dân Mỹ và có 1 nhà lãnh đạo đi theo chủ nghĩa dân túy.

Kể từ khi ông Macron chiến thắng vòng 1, Haim và các thành viên khác trong đội đi lại như con thoi khắp miền đất nước, từ 1 nhà máy ở quê nhà Amiens của ông Macron (nằm ở miền Bắc) đến ngôi làng từng bị Đức Quốc xã tàn sát hay 1 trang trại ở miền Trung.

Ngày làm việc của đội ngũ vận động thường bắt đầu từ 7h sáng và chỉ kết thúc vào lúc 1h sáng ngày hôm sau. Trong văn phòng ở 1 tòa nhà ít người biết đến là những dãy laptop luôn sáng đèn. Có hẳn 1 “ban phản ứng” theo dõi các phát ngôn trước công chúng của ông Macron và những phản ứng trên mạng xã hội. Mỗi dòng tweet thù địch đều được xử lý.

Giống như ông Trump, từ nhiều năm nay những nhà hoạt động của đảng Mặt trận quốc gia đã sử dụng mạng xã hội để kéo người ủng hộ ra khỏi tầm ảnh hưởng của truyền thông chính thống. Bà Le Pen rất giỏi sử dụng những từ ngữ bình dân, nhưng đội ngũ vận động của bà lại làm việc ở một trong những con phố sang trọng nhất ở Paris, cách điện Elysee không xa.

Trong khi đó, đội ngũ của ông Macron rất thận trọng về ngôn từ, thường tránh sử dụng tiếng Anh hoặc bất cứ hành động nào có thể gợi lên cảm giác về tầng lớp tinh hoa. Điều này càng quan trọng hơn khi hơn 1 nửa trong số họ đang sống ở nước ngoài.

Lo ngại việc có thể bị hacker tấn công, đội ngũ của ông Macron có tới 3 người nói tiếng Nga là chuyên gia bảo mật, vệ sĩ, và chiến lược gia về an ninh. Cách bầu cử 1 ngày, những email từ chiến dịch tranh cử của ông cũng bị tung lên mạng như những gì bà Clinton đã gặp phải, nhưng cuối cùng hình ảnh của ông không hề bị ảnh hưởng.

Macron không dùng những người đã có kinh nghiệm lâu năm trên chính trường. Ông tin tưởng những người giỏi về công nghệ, tài chính hay văn hóa, bởi ông “luôn cố gắng hiểu rõ điều gì đang thực sự xảy ra trong xã hội Pháp”.

1 ngày trước ngày bầu cử, người ta bắt gặp Macron đang chậm rãi đi dạo trong khu chợ trời Poitiers, lắng nghe lời phàn nàn của những người nông dân về chính sách trợ giá của liên minh châu Âu và sự cạnh tranh khốc liệt mà họ đang gặp phải. Ông chăm chú và kiên nhẫn lắng nghe họ giãi bày và cuối cùng mới đưa ra kế hoạch của mình. Macron không đưa ra những lời hứa to tát mà chỉ bảo vệ tầm nhìn về 1 châu Âu có cấu trúc đơn giản hơn nhưng đoàn kết và hiệu quả hơn so với hiện nay.

Khi 1 người thợ làm bánh từ chối bắt tay Macron, ông không tỏ ra lúng túng và nhanh chóng di chuyển sang cửa hàng bán hoa bên cạnh, nơi có bà chủ đang muốn xin chữ ký của ông.

Haim nhớ lại cách đây 13 tháng, khi Macron đưa ra ý tưởng về 1 phong trào chính trị mà ai cũng cho là điên rồ. “Tất cả mọi người đều nói điều đó là không thể, rằng cậu bị điên rồi, điều này không thể xảy ra ở nước Pháp. Nhưng Macron chỉ nhìn thẳng vào mắt họ và nói: Hãy tin tôi đi, tôi sẽ làm được”, Haim nói.

Cuối cùng thì lời khẳng định ấy đã trở thành sự thật. Sau nhiều kết quả bất ngờ, Emmanuel Macron đã làm nên kỳ tích, trở thành vị Tổng thống đắc cử trẻ tuổi nhất của nước Pháp kể từ thời Napoleon.

Chặng đường phía trước còn rất nhiều chông gai. Nhiều người hoài nghi liệu ông có bước vào vết xe đổ của các đời Tổng thống trước: đắc cử với niềm hi vọng tràn trề nhưng cuối cùng không thể biến lời hứa và các dự định thành hiện thực để rồi bị “đá” ra khỏi điện Elysse. Nhưng với những điểm đặc biệt và kỳ tích mà ông đã đạt được trong chặng đường vừa qua, người Pháp hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai, ít nhất là trong 5 năm tới, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron!

Thu Hương

Washington Post

Trở lên trên