Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Chọn sai cổ phiếu hay sai thời điểm đều gây thua lỗ dù thị trường tăng
Đánh giá về triển vọng dòng vốn và các kênh đầu tư, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCPCK Sài Gòn cho biết, chọn sai cổ phiếu hay mua nhầm thời điểm vẫn sẽ gây thua lỗ dù xu hướng chung của thị trường là tăng.
- 21-02-2017Các công ty chứng khoán không dễ thực hiện nghiệp vụ “ngân hàng ngầm”
- 20-02-2017Tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu bất động sản, xây dựng, thanh khoản thị trường gần 4.500 tỷ đồng
- 18-02-2017Sẵn sàng khai mở thị trường chứng khoán phái sinh
Năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam 20,9 tỷ USD, giảm 8%; nhưng vốn giải ngân 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, cao nhất từ trước đến nay. Ông đánh giá như thế nào về 2 con số này? Tình hình FDI trong năm 2017 dự báo sẽ ra sao thưa Ông?
Giải ngân FDI của 2016 cao có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân: (i) là kết quả việc thu hút đầu tư trong các năm trước và (ii) các dự án FDI đã “thật” hơn và đây là kết quả của việc xét duyệt, thẩm định khi cấp phép đầu tư. Từ năm 2013 đã xuất hiện một làn sóng FDI mới vào Việt Nam mà động lực là chính sách thu hút rất ráo riết của Chính phủ.
Đây là quãng thời gian kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại do phải thắt chặt chính sách để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Các dự án tỷ USD của các tập đoàn tên tuổi như Samsung, LG … đã nhanh chóng được cấp phép với hy vọng tạo động lực tăng trưởng mới, bù cho sự hao hụt của nội lực. Thực tế cho thấy khối FDI đã có đóng góp vượt trội về vốn đầu tư cũng như xuất khẩu trong các năm 2013 và 2015. Sau khi tăng mạnh, các năm tiếp theo là 2014 và 2016, tăng trưởng vốn đầu tư FDI chậm lại cũng là điều dễ hiểu.
Khi các dự án tỷ USD đã đầu tư xong, TPP cũng không còn, việc duy trì tăng trưởng vốn FDI đăng ký có thể sẽ khó khăn hơn. Để tạo động lực thu hút FDI mới, chính sách thu hút có vai trò quyết định. Việt Nam phải tìm những câu chuyện mới mà gần đây đã manh nha hình thành đó là cơ chế đặc khu kinh tế bên cạnh việc cho phép người Việt Nam được chơi casino, cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài được tham gia đầu tư các dự án hạ tầng như nhà ga sân bay, bến cảng … Nếu cơ chế được thông qua sớm thì đà giảm của vốn FDI đăng ký cũng sớm chấm dứt.
Về giải ngân FDI, trong 4 năm qua, tổng vốn đăng ký FDI là 85,5 tỷ USD trong khi tổng giải ngân mới đạt 54,2 tỷ USD. Như vậy mỗi năm còn “dư” trung bình 7,8 tỷ USD chưa giải ngân. Đây là “room” khá lớn cho tăng trưởng giải ngân FDI trong các năm 2017 về sau dù tốc độ đăng ký có thể giảm. Tất nhiên điều kiện để có tăng trưởng giải ngân là các dự án đã đăng ký phải “thật” theo nghĩa có tính khả thi và nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính.
Dòng tiền là nhân tố quyết định đến dòng vốn vào các kênh đầu tư. Ông dự báo, nguồn lực dòng tiền trong năm tới vào các thị trường sẽ như thế nào?
Việc ông Donald Trump thắng cử tổng thống đã đảo ngược luật chơi trên thị trường tài chính toàn cầu. Chính sách tài khóa nới lỏng, ưu tiên sử dụng hàng hóa Mỹ sẽ làm tăng lạm phát và lãi suất. Với xu hướng lãi suất USD tăng, chi phí vốn tăng, giới đầu tư phải tính toán lại hiệu quả đầu tư ở các tài sản có độ rủi ro cao và trái phiếu.
Chính sách bảo hộ và “thân thiện” với doanh nghiệp của Donald Trump cũng khiến tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ cao hơn, đồng nghĩa thị trường chứng khoán Mỹ cũng hấp dẫn hơn. Kể từ ngày Donald Trump nhậm chức 20/01, chỉ số S&P500 đã tăng thêm 1,1% là một minh chứng. Trong bối cảnh như vậy, dòng vốn trên toàn cầu có xu hướng rời khỏi các thị trường mới nổi để quay về Mỹ. Việc thu hút dòng vốn FII vào Việt Nam vì vậy sẽ khó khăn hơn. Năm 2016, 2 quỹ ETF lớn ở Việt Nam đã bị rút 180 triệu USD, đảo ngược xu hướng rót vốn đều đặn kể từ năm 2009.
Nói như vậy không có nghĩa dòng tiền FII bỏ qua Việt Nam. Trái lại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua giá trị các thương vụ M&A trong năm 2016. Các quỹ đầu tư chuyên nhắm đến các thị trường mới nổi, các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ không bỏ qua cơ hội hiếm có khi nhà nước đang chủ trương thoái vốn nhanh tại DNNN, rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp đầu ngành. Dòng tiền vào các thương vụ thoái vốn như vậy sẽ có tăng trưởng mạnh hơn so với các kênh đầu tư truyền thống.
Ông đánh giá tổng quan về các kênh đầu tư trong năm 2017 như thế nào? Theo Ông thì kênh đầu tư nào sẽ có sức sinh lời tốt nhất?
Không có đáp án chắc chắn đầu tư vào kênh nào sẽ mang lại mức sinh lời tốt nhất. Chọn sai cổ phiếu hay mua nhầm thời điểm vẫn sẽ gây thua lỗ dù xu hướng chung của thị trường là tăng. Với những giả định về chính sách tiền tệ như trên, tôi cho rằng đồng VND sẽ được kiểm soát trong mức giảm giá 2-3% so với USD. Lãi suất VND tăng do lạm phát nhưng không lớn với mức tăng thêm khoảng 1% so với năm 2016, tức là lên 6,5-7,5%/năm tùy kỳ hạn.
Vàng không đơn giản chỉ có một chiều lên mà sẽ biến động mạnh theo đồng USD và các chính sách của Mỹ. Tôi cho rằng mức sinh lời của vàng trong năm 2017 sẽ không đủ lớn để bù đắp cho rủi ro biến động giá vàng. Một lưu ý khác khi đầu tư vàng là chênh lệch giá mua, giá bán và mức giá hiện tại của vàng Việt Nam đang chênh khá lớn so với vàng thế giới trong khi vào đầu năm 2016 đã có lúc mức chênh lệch này rơi về 0.
Bất động sản cũng như chứng khoán, có rất nhiều lựa chọn mà vì vậy phương pháp lựa chọn sẽ mang tính quyết định. Với chứng khoán, ngoài nhìn vào tăng trưởng, sức khỏe tài chính và định giá, chúng ta cũng nên đặc biệt chú ý đến tính minh bạch quan trị và sự quan tâm đến lợi ích của cổ đông thiểu số của doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm của tôi, mức sinh lời của chứng khoán nếu lựa chọn được cổ phiếu tốt vào đúng thời điểm sẽ cao hơn so với bất động sản.
Với những nhà đầu tư không chuyên hoặc không đủ nguồn lực để bám sát thị trường, tôi cho rằng nên cân nhắc việc đầu tư thông qua các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Các chứng chỉ quỹ mở mà chúng tôi theo dõi đa số có mức tăng trưởng từ 14-23% trong năm 2016 trong khi chỉ số VN30 chỉ tăng 5,5%.
Người Đồng hành