Ông Nguyễn Đức Tài khuyên startup đừng ảo tưởng chuyện thay đổi thế giới, nhưng thực tế cho thấy nếu ngừng “mơ”, đến cả Apple hay Microsoft cũng lao đao!
Bài học từ những doanh nghiệp lớn cho thấy, bất kể giai đoạn nào, từ lúc startup, doanh nghiệp quy mô nhỏ hay đến lúc bá chủ thị trường, chỉ cần quên đi tinh thần “thay đổi thế giới”, họ đều sớm đi vào lối mòn và lụi bại.
- 22-03-2017Startup nào cũng nghĩ ý tưởng của mình là đột phá, dễ dàng gọi vốn được triệu USD? Rất sai! Nhà đầu tư chỉ coi nó đáng 3 xu thôi
- 18-03-2017Doanh nghiệp Startup ở Việt Nam ngày càng được hỗ trợ tốt hơn
Trong một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch TGDĐ đã chia sẻ, “Startup đừng viển vông nghĩ tới chuyện thay đổi thế giới, bạn sẽ chết trươc khi thế giới thay đổi”. Trong quan điểm của ông Tài, startup hãy bắt đầu thay đổi từ thực tiễn bức bách trước, sai đâu sửa đấy.
Lời khuyên nghe rất hợp lý, nhưng nếu đặt vào vị thế của Startup, lời khuyên này có đúng đắn? Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta nhìn nhận khách quan hơn về quan điểm này.
Khi nhà vận hành siêu giỏi trở thành tổng giám đốc của một Startup
Năm 1983, John Sculley, CEO trẻ tuổi nhất mà PepsiCo từng có đưa ra một quyết định quan trọng của cuộc đời. Đó là trở thành CEO của Apple – khi đó chỉ là một startup nhỏ ít người biết đến. Sculley đã gật đầu đồng ý trước lời mời từ nhà sáng lập của Apple, Steve Jobs chỉ bằng một câu nói: “Anh có muốn bán nước đường cả đời không?”
Chuyển sang một công ty mới, thậm chí là lĩnh vực hoàn toàn mới, từ bán nước ngọt sang bán máy tính, nhưng Sculley vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 3 năm đầu tiên, ông cùng Steve Jobs đã vận hành Apple rất trơn tru. Bằng khả năng marketing tài tình của mình, Sculley vẫn bán tốt cả chiếc máy tính Apple tới 6 năm tuổi.
Không có gì cần bàn cãi, Sculley là một nhà quản lý vận hành hoàn hảo với chiến lược kinh doanh rạch ròi. Kết hợp với một Steve Jobs nghệ sĩ có bộ óc sáng tạo không ngừng, bộ đôi này đã đưa Apple gặt hái liên tiếp những thành công.
Steve Jobs và John Sculley trong những ngày đầu ở "startup" Apple.
Mặc dù vậy, mâu thuẫn lại phát sinh từ đây. Việc Steve Jobs cứ tiêu tiền vào những dự án có phần phi thực tế khiến một người suốt ngày phải đi kiếm tiền như Sculley không hài lòng. Những sản phẩm sau đó của Jobs, như máy tính Lisa quá đắt đỏ trong mắt khách hàng, đã không thành công. Sau một loạt thất bại, HĐQT quyết định gạt một kẻ mơ mộng như Steve Jobs sang một bên và đưa một chuyên gia vận hành như Sculley lên làm lãnh đạo chung.
Một chuyên gia vận hành thì có gì không tốt? Tất cả vẫn ăn ý chỉ trừ việc kết quả kinh doanh của Apple cứ thế đi xuống.
Thiếu Jobs, các sản phẩm của Apple thiếu dần tính sáng tạo, và sau nhiều năm không thể ra được sản phẩm đột phá, Apple nhanh chóng bị liên minh Wintel qua mặt. Dù có đóng góp ít hiều cho tầm nhìn của Apple, nhưng rõ ràng, đây không phải thế mạnh của Sculley. Cuối cùng tới năm 1993, Sculley bị sa thải và Apple cứ mãi loay hoay tìm đường cho tới khi Steve Jobs trở lại vào năm 2000.
Câu chuyện giữa John Sculley và Steve Jobs là một ví dụ điển hình nhất cho câu chuyện: doanh nghiệp cần một nhà lãnh đạo giỏi vận hành hay giỏi đổi mới. Tất nhiên, cả 2 đều quan trọng, nhưng thực tế cũng cho thấy, 2 đặc tính này hiếm khi đi cùng nhau.
Khi người giỏi vận hành lãnh đạo một doanh nghiệp khổng lồ
Hãy quay trở lại với Apple. Sau khi Steve Jobs trở về, ông thực sự đã “thay đổi thế giới” theo cách của mình. Đó là iMac, iPod và đặc biệt là iPhone – chiếc smartphone chuẩn mực làm thay đổi hoàn toàn cách con người dùng điện thoại cho tới ngày nay.
Thế nhưng, sẽ là thiếu sót nếu ca tụng Steve Jobs mà không nhắc tới Tim Cook, người đàn ông có khả năng vận hành doanh nghiệp một cách hoàn hảo. Tim Cook chính là chìa khóa mang về doanh thu kỷ lục cho những sản phẩm sáng tạo của Jobs. Dưới bàn tay của Steve Jobs và Tim Cook, Apple trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới, và tất cả mọi người nhìn vào Apple như một biểu tượng thành công, của đổi mới, của sáng tạo.
Mặc dù vậy, kể cả khi Apple hiện tại là một gã khổng lồ, câu chuyện những năm 90 của doanh nghiệp này một lần nữa quay trở lại, khi họ mất Steve Jobs mãi mãi.
Sau khi Steve Jobs ra đi, Apple vẫn vận hành trơn tru, nhưng theo thời gian, Tim Cook sẽ vướng phải bài toán như người tiền nhiệm Sculley đã gặp phải.
Sau sự ra đi của Jobs vào năm 2011, Tim Cook – chuyên gia vận hành của Apple vẫn còn đó và lên nắm cương vị cao nhất. Những kế hoạch bán hàng của ông vẫn hoàn hảo với những sản phẩm doanh số cao dựa trên những gì Steve Jobs để lại. Chưa bao giờ dưới thời Steve Jobs, danh mục sản phẩm của Apple nhiều như thời Tim Cook.
Cũng giống Sculley, mọi chuyện vẫn ổn, chỉ trừ việc Apple ngày càng trở nên ít khác biệt. Tính tới quý 3/2016, Apple đã có 3 tháng liên tiếp sụt giảm doanh số bán hàng và ngày càng có ít khách hàng có nhu cầu nâng cấp lên thiết bị mới, một phần nguyên nhân là do các phiên bản iPhone gần đây của Apple không có nhiều đột phá, sáng tạo. Thị phần của công ty đã giảm từ 13% xuống còn 11,5% trong vòng 1 năm.
Việc ra mắt một chiếc iPhone 6S có màu vàng hồng, hay một chiếc iPhone 7 có màu đỏ rực trong thời gian tới càng chứng minh Tim Cook là một người bán hàng đại tài. Thế nhưng, nó cũng cho thấy một thực tế là Apple đang mất dần đi sức sáng tạo và chỉ chăm chăm tìm cách tăng doanh số thông qua việc “mông má” lại những sản phẩm đã cũ mèm.
Tim Cook giúp danh mục sản phẩm của Apple ngày một dài thêm, nhưng vẫn thiếu đi những thứ “thay đổi thế giới” như Steve Jobs đã từng làm. Apple vẫn vận hành trơn tru, nhưng theo thời gian, Tim Cook có lẽ sẽ lại vướng phải bài toán như người tiền nhiệm Sculley đã gặp phải. Vị thế to lớn của Apple thời điểm hiện tại, chỉ giúp hãng có thể kéo dài thêm thời gian mà thôi.
Thực tế, giới công nghệ rất hay so sánh Tim Cook với Steve Balmer, cựu CEO của Microsoft. Cả 2 có nhiều điểm chung, và đương nhiên Balmer cũng là một chuyên gia vận hành. Khi Bill Gates nghỉ hưu và Balmer lên nắm quyền, Microsoft từ vị thế của gã khổng lồ số 1, ngày càng trở nên hụt hơi trước các doanh nghiệp công nghệ khác. Apple, Facebook hay Google nhanh chóng qua mặt “gã khổng lồ” một thời này. Microsoft đã liên tục lao dốc và chỉ đến khi Satya Nadella – một nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới đến và thay đổi ngược lại chính bên trong Microsoft, doanh nghiệp này mới dần quay trở lại quỹ đạo.
Hãy chết để thay đổi thế giới!
Câu chuyện trong 2 giai đoạn phát triển của Apple mới là minh chứng rõ ràng việc, dù là giai đoạn startup mới thành lập hay doanh nghiệp lớn nhất thế giới, điều một tổ chức cần vẫn không đổi: Một lãnh đạo có tư tưởng đột phá và một nhà vận hành xuất sắc.
Có thể, Steve Jobs là một gã mơ mộng, đưa ra những ý tưởng trên trời để rồi thất bại, nhưng nếu thiếu ông, Apple trong dài hạn cũng chẳng đi tới đâu cả. Dù lãnh đạo là người giỏi vận hành đến thế nào, nếu thiếu đi tính sáng tạo, thì sớm hay muộn doanh nghiệp đó cũng đi tới bế tắc. Thú vị là slogan kinh điển của những người sáng tạo đó là “change the world” – “thay đổi thế giới”.
Đó mới là điều các startup nên học hỏi. Nguyên nhân rất dễ hiểu: chẳng có một startup chân ướt chân ráo nào lại đủ sức cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ khác nhờ khả năng vận hành. Nếu chỉ sáng tạo dựa trên thực tiễn bức bách, những vấn đề phải giải quyết khi vận hành doanh nghiệp thì các tập đoàn lớn giỏi hơn startup rất nhiều.
Để vận hành tốt, quy mô lớn được xem là yếu tố hàng đầu. Nếu xét trên góc độ này, những công ty lâu năm sẽ có ưu thế hơn hẳn. Microsoft hay Apple trong câu chuyện ở trên, khi thiếu vắng đi những bộ óc đổi mới, vẫn có thể tồn tại thêm cả thập kỷ nữa trước khi vấn đề thực sự vỡ lở ra.
Vì vậy, sẽ là hơi lạ lùng nếu các startup lựa chon con đường vận hành. Bản thân startup phải đi lên từ những ý tưởng, với nguồn lực dù với nhân sự eo hẹp. Mục tiêu của startup là hiện thực hóa ý tưởng đó, thay đổi những cách làm truyền thống bằng phương thức hiện đại hơn, và sự tăng trưởng chóng mặt sau đó chỉ là hệ quả của một ý tưởng thiên tài.
Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, Facebook, Google giờ đã qua mặt những gã khổng lồ khác như Microsoft hay Intel.
Những nhà đầu tư sành sỏi đổ tiền vào Facebook, Google không phải vì đó là một bộ máy vận hành trơn tru, mà là nhờ vào những ý tưởng đột phá. Kết quả? Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, Facebook, Google giờ đã qua mặt những gã khổng lồ khác như Microsoft hay Intel. Những doanh nghiệp này cũng đang khiến cả thế giới phải vận hành và thay đổi theo những ý tưởng của họ, và đó mới là mục đích thực sự của việc startup.
Bạn sợ mình sẽ chết trước khi thế giới thay đổi ư? Thế thì đừng startup nữa, vì 99,9% bạn sẽ đón nhận một cái kết như vậy đấy!
Trí thức trẻ