MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Đức Tài: Phải thận trọng trước những giải pháp về công nghệ, nếu bị cám dỗ bởi tin tức 4.0, AI... sẽ tốn tiền mà chẳng đem lại gì cho cuộc đời này

"Máy móc đã có thể làm được nhiều thứ, nhưng điều quan trọng là biết lựa và bỏ cái gì", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động nhấn mạnh trong một hội thảo về quản trị doanh nghiệp gần đây. Theo ông, khi được giới thiệu một giải pháp công nghệ mới, cần soát xét kỹ lưỡng xem nó có xuất phát từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp hay không.

"Cái gì con người làm được chắc chắn máy móc sẽ làm được", ông Nguyễn Đức Tài khẳng định và cho rằng không có cá nhân nào trong công ty có thể cản bước tiến của công nghệ.

Khi xây dựng hệ thống quản trị ở Thế giới Di động, ông cho biết ban đầu cũng gặp nhiều rào cản khi hệ thống chạy loạn, không chính xác nhưng đội ngũ lãnh đạo đã xác định rõ: việc ứng dụng công nghệ vào quản trị là không thể thay đổi.

"Các bạn có 2 sự lựa chọn: Một là đứng ngáng đầu xe tăng và để nó nghiến qua, hai là cùng đi với nó về tương lai. Khi mọi người hiểu rõ quan điểm của người lãnh đạo thì 3 tháng sau hệ thống đã chạy ngon lành", ông nói.

Dù có niềm tin vào công nghệ, nhưng ông Tài cho rằng có 2 việc cần phải lưu ý.

Thứ nhất, ông khẳng định việc kỹ trị, quản trị mọi thứ 100% bằng công nghệ là thứ chỉ xuất hiện trên phim Hollywood. "Ngoài đời không có điều này đâu", ông nhấn mạnh.

Thứ hai, ông cho rằng cần phải có sự lựa chọn khi ứng dụng vào doanh nghiệp.

"Cái gì bạn cũng dùng công nghệ thì sẽ rất đắt đỏ, nên phải có sự cân nhắc khi xây dựng hệ thống quản trị bằng máy móc. Nếu bạn rơi vào bẫy thấy người ta làm ngon, mình cũng làm, thì sẽ là một khoản chi phí đội lên trời và kết quả chả được bao nhiêu", Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động nói.

Ví dụ với những doanh nghiệp chỉ có 20 nhân viên, ông cho rằng không cần mất công xây hệ thống chấm công, tính lương thưởng... "cho mệt người" mà chỉ cần 1 nhân viên kế toán.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Tài cho biết chủ doanh nghiệp rất dễ bị cám dỗ bởi những gì mà công nghệ có thể làm được.

"Tôi từng ngồi nghe những giải pháp trình bày rất hay kiểu hệ thống có thể hiện thị được số lượng khách hàng đang ở đâu trong siêu thị, chỗ nào nhiều, chỗ nào ít để phân bổ nhân viên hợp lý. Nghe rất cao siêu. Nhưng tôi nói rằng chỉ cần nhân viên mình thấy khách hàng vào mà cười với khách là mừng lắm rồi, việc quái gì tôi phải cần biết khách hàng đi đâu. 

Tôi ‘say no’, tôi chưa đến giai đoạn đó đâu, bao giờ tôi có một cửa hàng 10.000 m2, chả biết khách hàng đi đâu thì mới cần. Đó là sự lựa chọn nên làm cái gì và không nên cái gì. Còn nếu đổ xô vào những lời mời này thì tốn tiền vô cùng!", ông Tài chia sẻ.

Hay với giải pháp nhận diện khuôn mặt, ông Tài cho biết Thế giới Di động đã làm xong phần nghiên cứu phát triển nhưng lại... "cất kho".

"Có thời tôi suy nghĩ là có khi nên đo nụ cười của khách hàng khi bước vào và đi ra và tính lượng chênh lệch. Ví dụ cửa hàng này có 1.000 khách trong ngày, khi đi vào có 200 người cười, đi ra có 500 người cười, như vậy có thể hiểu là sự hài lòng tăng thêm 300. Cửa hàng đó sẽ giỏi hơn nơi mà đi vào 200 nụ cười, đi ra chỉ có 100.

Công nghệ làm được điều đó. Nhưng rốt cuộc tôi bảo thôi. Hệ thống có rồi nhưng có dám mang ra để thưởng phạt nhân viên không. Có những vùng đặc tính dân của họ là ít cười, thì thưởng gì giờ. Còn có những nơi như miền Tây, bực họ cũng cười, thì làm sao. Nên thôi cứ giữ lại đó rồi tính sau", ông kể lại.

Thế giới Di động, theo ông Tài, chỉ mới dám sử dụng dữ liệu khách hàng để tính KPI thưởng phạt nhân viên trong 2 năm gần đây dù đã nghiên cứu và có sẵn data từ rất nhiều năm trước đó.

"Các bạn chỉ lựa những thứ do cuộc sống đặt ra. Cuộc sống đang nói là có cấn đề, mình phải giải quyết bằng cách áp dụng kỹ trị vào thì may ra những thứ đó mới quay trở lại cuộc sống. Còn nếu bị cám dỗ bởi tin tức về 4.0, AI,... các bạn sẽ tốn tiền mà chẳng đem lại cái gì cho cuộc đời này cả.

Cần thận trọng khi người ta luôn cho các bạn thấy bức tranh rất đẹp. Nhưng tin tôi đi, các bạn đưa nó vào và không đem lại giá trị gì cho khách hàng mà lại tốn tiền công ty. Khi nghe giải pháp này kia, tôi thường đặt câu hỏi: Nó xuất phát từ cuộc sống, từ nhu cầu đang gặp phải hay không. Nếu có thì mới đánh giá tiếp là đầu tư bao nhiêu, đem lại cái gì. Còn nếu nó không xuất phát từ những điều đó mà đến từ ông nào nói hay quá thì nên hiểu là nó không liên quan gì đến mình cả!", ông Nguyễn Đức Tài kết luận.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên